Hàng loạt cây xăng ở miền Tây và Tây Nguyên đóng cửa

09/02/2022 - 20:12

PNO - Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu "kêu cứu" ngành chức năng vì không mua được xăng dầu từ các đầu mối, không đảm bảo việc cung cấp phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh...

Ghi nhận của phóng viên những ngày qua, tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng, dầu đã xuất hiện tại một số tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ như: An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau...

Cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang tạm ngưng hoạt động - Ảnh: Nhật Huy
Cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang tạm ngưng hoạt động - Ảnh: Nhật Huy

Tối 9/2, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết, hiện tình hình khó khăn về cung ứng xăng dầu trên địa bàn đã được giải quyết "cơ bản ổn".

Theo ông  Dương Vũ Nam, vào ngày hôm qua, 8/2, các thương nhân phân phối xăng dầu phản ánh không mua được xăng dầu từ các đầu mối nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và người bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh... Hiện tại và thời gian tới, các đầu mối lớn, doanh nghiệp Nhà nước cung ứng xăng dầu như Petrolimex... đã tăng nguồn cung lên từ gấp rưỡi đến gấp đôi nhằm bù lại cho các đơn vị khác trên địa bàn. 

Được biết, trước đó, Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã có công văn triển khai đến các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và các đơn vị chức năng có liên quan để tổ chức thực hiện về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau hết sức khó khăn. Cùng với đó, Sở Công thương tỉnh Cà Mau cũng đã có kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo kịp thời các thương nhân đầu mối, có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu nội địa.

Tại An Giang, trước tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc treo biển "hết xăng", chính quyền địa phương này đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường khẩn trương phối hợp Sở Công thương và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng xăng dầu còn xăng trong kho mà không bán.

Theo một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh An Giang, một số cửa hàng xăng dầu, chủ yếu là hệ thống doanh nghiệp tư nhân, tạm ngưng phục vụ, nhưng số này không nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản xuất phát từ chỗ khan hiếm nguồn cung dẫn đến một số nhà cung cấp giảm tỉ lệ hoa hồng áp dụng cho cửa hàng bán lẻ. Mặt khác, do có ảnh hưởng đến lợi nhuận, một số cửa hàng tạm thời ngưng hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tương tự như Cà Mau về việc tiếp tục đảm bảo cung ứng xăng dầu sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn. Theo đó, những ngày trước trong và sau tết, còn nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định. Do vậy, Sở Công thương Sóc Trăng đề nghị các thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện nghiêm các quy định có liên quan về kinh doanh xăng dầu.

Tối 9/2, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM về những vấn đề có liên quan, ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng cho biết vừa làm việc với các thương nhân phân phối đảm bảo cung ứng cho hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hiện việc cung cấp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã được giải quyết ổn định.

"Chỉ có khoảng mười mấy cây xăng "đóng cửa" thôi. Nguyên nhân đóng cửa cũng không hẳn do khan hiếm nguồn cung. Có khoảng gần 20 cây xăng của Trịnh Xướng đóng cửa từ lâu lại do nguyên nhân khác, bà con thấy đóng cửa nên phản ánh vậy".

Cũng theo Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, những cây xăng đóng cửa gần đây một phần do người trông coi, nhân viên đứng bán còn nghỉ Tết chưa vô làm. Và người ta thấy hoa hồng cũng ít quá nên nghĩ đơn giản nghỉ Tết thêm một thời gian. Những cây xăng này hầu hết đã khôi phục lại hết.   

"Sở Công thương đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, nếu doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu nào trên địa bàn vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định", ông Võ Văn Chiêu nhấn mạnh.

Chiều 9/2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang tạm nghỉ, dừng hoạt động. Trong đó, có 16 cửa hàng hết xăng dầu, 3 cửa hàng nghỉ bán do nhân viên bị bệnh, chủ cửa hàng là F1 và hư cò bơm.

Cơ quan chức năng kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Cơ quan chức năng kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Các cây xăng dầu tạm dừng hoạt động nằm tại các địa bàn như: Huyện Cư M’gar: 9 cửa hàng, huyện Krông Năng: 4 cửa hàng, huyện Buôn Đôn: 3 cửa hàng, TP Buôn Ma Thuột: 2 cửa hàng…

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp đầu mối với 457 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Theo các chủ doanh nghiệp bán xăng dầu, họ đang phải bán cầm chừng, mỗi lít xăng dầu đang bán ra thị trường bị lỗ từ 100-500 đồng/lít, chưa tính các khoản chi phí lương nhân viên, điện, khấu hao.

Văn Nguyên

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI