Giúp việc gia đình ở Malaysia là "nghề nguy hiểm"

13/07/2025 - 06:33

PNO - Cách đây 4 năm, cô Afiyah Daeng Dami - 28 tuổi, hành nghề giúp việc ở huyện Penampang thuộc quận Sabah (Malaysia) - đã bị ngược đãi đến chết bởi cặp vợ chồng thuê cô làm việc cho gia đình của họ.

Người lao động làm nghề giúp việc gia đình ở Malaysia gặp nhiều rủi ro do thiếu sự bảo vệ của pháp luật - Ảnh:
Người lao động làm nghề giúp việc gia đình ở Malaysia gặp nhiều rủi ro do thiếu sự bảo vệ của pháp luật - Ảnh: Freepik

Mặc dù mới đây, tòa án đã tuyên cặp vợ chồng này mỗi người chịu bản án 34 năm tù giam, giới bảo vệ người lao động Malaysia vẫn bày tỏ lo lắng với một thực tế phũ phàng: phần lớn người giúp việc ở nước này chưa có được sự bảo vệ cần thiết của pháp luật.

Theo The Star, những người giúp việc gia đình tại quốc đảo Đông Nam Á này là một bộ phận lao động “bị vô hình và hầu như không được pháp luật bảo vệ”.

Mặc dù họ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc trẻ em, người già, đảm nhận công việc nội trợ như kèm trẻ em học bài, nấu ăn, dọn dẹp, sửa chữa hư hỏng trong nhà, bảo mẫu cùng hàng trăm công việc không tên khác, thế nhưng, họ lại không được hưởng quyền lợi cũng như sự bảo vệ của Luật Việc làm của Malaysia, được thông qua từ năm 1955 và áp dụng cho đến thời điểm hiện tại.

Điều này có nghĩa là, những quyền lợi cơ bản của người lao động như nghỉ phép bắt buộc, nghỉ ốm hoặc nghỉ thai sản không được quan tâm, dẫn đến tình trạng người giúp việc gia đình dễ bị bóc lột, lạm dụng, quỵt tiền lương, lao động cưỡng bức, và không ít trường hợp bi thảm như cô Afiyah đã xảy ra trên thực tế - theo báo cáo mới đây của Tổ chức Hỗ trợ Phụ nữ Malaysia (WAO).

Nghề giúp việc gia đình đóng vai trò quan trọng trong xã hội Malaysia - Ảnh: Malay Mail
Nghề giúp việc gia đình đóng vai trò quan trọng trong xã hội Malaysia - Ảnh: Malay Mail

Do đó, WAO và một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác tại Malaysia đang cùng nhau kêu gọi chính phủ cần có giải pháp để khắc phục vấn đề được cho là nghiêm trọng này.

Một số giải pháp mang tính hệ thống đã được đề xuất, bao gồm: tích hợp các điều khoản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào Đạo luật Việc làm năm 1955, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người hành nghề giúp việc gia đình như những nhóm ngành nghề khác; tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi trên thực tế, như thường xuyên kiểm tra các gia đình thuê người giúp việc, cải thiện cơ chế khiếu nại, nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý kịp thời…

"Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, sẽ có thêm nhiều người giúp việc gia đình trở thành nạn nhân như cô Afiyah. Họ sẽ phải chịu đựng trong im lặng, và Malaysia không còn là nơi mà mọi người lao động đều được đối xử tôn trọng" – một phát ngôn viên của WAO nói với The Star.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI