Giãn cách xã hội 10 mét vuông, “nhiệm vụ bất khả thi” ở Hồng Kông

26/04/2020 - 15:38

PNO - Hồng Kông nổi tiếng thế giới với những "nhà lồng" chật hẹp. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, biện pháp giãn cách xã hội được đặt ra để ngăn chặn sự lây lan của virus, thì không gian 100 feet vuông - tương đương 9,3 mét vuông - của họ gần như "nhiệm vụ bất khả thi" để giãn cách.

Bên trong một trong những nhà lồng của Hồng Kông - Ảnh: Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SCO)
Bên trong một trong những nhà lồng của Hồng Kông - Ảnh: Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SCO)

Kênh truyền hình tin tức CNN cho biết, trước đại dịch, ông Lum Chai (45 tuổi) thường đến công viên uống bia cùng bạn bè để thoát khỏi khu nhà nhỏ bé chật chội của mình. Bây giờ, ông một mình tản bộ trên đường phố để giết thời gian và “giãn cách” với hàng xóm của mình.

Thực thi giãn cách xã hội không phải là một lựa chọn đối với ông Lum, vì ông sống ở một trong những “nhà lồng" của Hồng Kông - những căn hộ được chia nhỏ thường chỉ đủ chỗ đặt một chiếc giường và góc để quần áo. Hàng xóm gần nhất của ông chỉ cách đó vài bước chân, họ sống trong cùng một phòng lớn.

"Nhà lồng" thường nhỏ hơn 100 feet vuông (9,3 mét vuông), chỉ lớn hơn các xà lim nhà tù trong thành phố một chút. Phòng tắm chủ yếu dùng chung và thường không có nhà bếp, chỉ có các bếp điện. Các không gian ở như vậy được ngăn cách bằng các tấm vách tạm hoặc di động.

Đang thất nghiệp, ông Lum mỗi tháng trả 1.800 đô la Hồng Kông (khoảng 232 USD) để cùng 9 người khác chia nhau một căn hộ.

Bên trong một trong những nhà lồng của Hồng Kông - Ảnh: Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SCO)
Bên trong một trong những "nhà lồng" của Hồng Kông - Ảnh: Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SCO)

Tình trạng của ông Lum là cùng cực, nhưng không phải bất thường. Trong số 10 người ở Hồng Kông thì 9 người sống trong một khu vực có diện tích nhỏ hơn 70m2 mà vẫn phải trả giá thuê nhà cao vào loại nhất thế giới. Công ty đầu tư bất động sản CBRE cho biết, giá trung bình của một ngôi nhà ở Hồng Kông năm 2019 là hơn 1,2 triệu USD. Ông Lum nói: "Tôi rất cô đơn, không còn cảnh đông vui như trước kia, nhiều lúc rẽ vào công viên chỉ để xem trẻ em nô đùa và người già đánh cầu lông”.

Tồi tệ hơn, vì đại dịch nên nhiều khu vực công cộng như thư viện, phòng tập gym bị đóng cửa. Các nhà hàng giảm sức chứa, các quán bar đóng cửa, trừ trường hợp có phục vụ món ăn. Các cuộc tụ họp tại các địa điểm công cộng không được phép vượt quá 4 người.

Mặc dù có ca nhiễm virus từ tháng Giêng, Hồng Kông ghi nhận số ca nhiễm thấp với 1.050 ca và chỉ có 4 người chết vì dịch bệnh.

Hồng Kông nổi tiếng trên thế giới như là một trung tâm tài chính toàn cầu, đây cũng là nơi cách biệt giàu nghèo khá rộng, với 20% dân cư sống trong nghèo khổ. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khắc họa  rõ thêm sự chênh lệch giàu nghèo, vì những người nghèo như ông Lum buộc phải rút lui vào "nhà lồng" của họ.

Trong khi đó, hai bà Cheung Lai Hung và Chan Yuk Kuen - những phụ nữ nghỉ hưu gần lục tuần - nói rằng kể từ khi xảy ra đại dịch, họ đã dành thêm 10 giờ mỗi ngày trong căn hộ rộng 100 mét vuông của mình. Họ giết thời gian bằng cách xem TV, nghe nhạc hoặc ngủ trưa.

Hai bà Cheung Lai Hung (trái) và Chan Yuk Kuen (phải) - Ảnh : SCMP
Hai bà Cheung Lai Hung (trái) và Chan Yuk Kuen (phải) - Ảnh: SCMP

Vào một ngày thứ Ba lạnh lẽo bất thường đầu tháng Tư, ông Lum tham gia một nhóm hơn 100 người, hầu hết là những người già nghỉ hưu và những người mất việc, xếp hàng để ăn tối miễn phí tại khu Tak Kok Tsui. Chu Kin Lik - một tình nguyện viên 61 tuổi của tổ chức Impact HK - đứng ở phía trước cố gắng giãn cách mọi người.

Chu Kin Lik, một tình nguyện viên 61 tuổi của tổ chức Impact HK, đứng ở phía trước cố gắng giãn cách mọi người.
Chu Kin Lik - một tình nguyện viên 61 tuổi của tổ chức Impact HK - đứng ở phía trước cố gắng giãn cách mọi người

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc duy trì khoảng cách thích hợp với những người khác trong những không gian sống nhỏ như vậy, một số cư dân "nhà lồng" nhún vai và nói rằng mọi người trong các “phòng” chỉ đóng cửa lại.

Chính phủ Hồng Kông gần đây mỗi năm dành khoảng 50 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 6,5 triệu USD) cho "sáng kiến ​​giáo dục sức khỏe tâm thần và giáo dục công cộng đang diễn ra", Hồng Kông cũng thiết lập một trang web để trợ giúp những người lao động sống trong các "nhà lồng". Trước mắt, đặc khu đề nghị một số tổ chức phi chính phủ cung cấp một số dịch vụ miễn phí.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI