Giảm áp lực tết

11/01/2023 - 06:30

PNO - Càng gần đến tết, nhiều người cảm thấy áp lực trước bao nỗi lo. Thạc sĩ Lê Trường An - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Suranaree (Thái Lan) - lại nhìn tết qua một lăng kính khác.

 

Thạc sĩ Lê Trường An - ẢNH: L.Đ.L.
Thạc sĩ Lê Trường An - Ảnh: L.Đ.L.

Thạc sĩ Lê Trường An: Tôi cảm thông với nỗi lo tết, sợ tết của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, tết không có lỗi nếu chúng ta biết phát huy những giá trị tích cực của nó, loại bỏ dần những sinh hoạt, suy nghĩ nặng nề lễ nghi, quà cáp các kiểu trong dịp này.

Nhìn ở khía cạnh văn hóa truyền thống, tết giúp ta được làm mới tâm hồn mình, vạch ra các kế hoạch cho năm mới để có động lực trau dồi, phát triển bản thân. Đây cũng là dịp ôn lại những truyền thống mà tổ tiên, dòng họ đã khai mở, kiến tạo, để lại cho con cháu. Những tấm gương của tiền nhân chính là câu chuyện giáo dục, truyền cảm hứng cho con cháu tự hào, noi theo.

Tất nhiên, mặt trái là các lễ nghi chúc tụng, biến tướng của quà cáp, lì xì; rồi chuyện đi lại giữa thời buổi khó khăn về kinh tế cũng là áp lực lớn với nhiều người xa quê. Song không nên vì vậy mà ghét tết, đổ oan cho nét văn hóa truyền thống ngàn đời này. Thay vào đó, hãy cùng ngồi lại để bàn về việc gìn giữ nét đẹp của tết, thanh lọc những biến tướng trong dịp tết để có một cái tết đúng nghĩa của niềm vui, mùa hoan hỉ.

Ví dụ đến tết, ngoài thăm viếng ông bà, người thân quen, tôi không nhậu nhẹt hay quà cáp lu bù, lì xì cũng trên tinh thần mừng tuổi chứ không phải để “lấy lòng” ai.

Ảnh mang tính minh họa - Jcom
Lì xì là một phong tục đẹp của tết Việt (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Jcom)

* Đúng như anh nói, lì xì, quà cáp mùa tết khiến người ta mệt mỏi mà quên mất giá trị tốt đẹp của phong tục này…

- Vì vậy, rất cần các cơ quan báo chí - truyền thông lên tiếng về những biến tướng của tết. Thực ra, các vị lãnh đạo ở trung ương đến các địa phương đều chỉ đạo rất rõ việc nói không với quà tết, nhưng xem ra thói quen này cần thời gian để chấn chỉnh. Chẳng hạn, ngoài nghiêm cấm thì có thể đi kèm hình phạt, xem tặng quà, biếu xén dịp này cũng là hình thức khác của hối lộ chẳng hạn. 

Riêng về lì xì, tôi cho rằng các bậc phụ huynh nên dừng ngay việc lì xì tiền lớn cho trẻ. Mỗi hành động, việc làm của người lớn trong bất kỳ dịp nào cũng phải xem là cơ hội để giáo dục trẻ. Nếu chúng ta coi trọng tiền bạc và “dạy” trẻ điều ấy từ những bao lì xì dày cộp, vô tình sẽ phá hỏng tâm hồn non nớt, ngây thơ của các con. Chúng ta trách trẻ không ngoan khi xé bao lì xì kiểm tra tiền, tỏ vẻ không vui khi nhận được lì xì ít nhưng quên mất “thủ phạm” tạo nên hành động không đẹp đó ở các con chính là người lớn.

Trả lại cho văn hóa lì xì, mừng tuổi sự trong sáng, nhẹ nhàng thì cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều cảm thấy tết là dịp thật đáng nhớ, đong đầy những giá trị tốt đẹp khiến mình khắc cốt ghi tâm.

Chuẩn bị tiền lì xì cũng là một hạng mục gây áp lực cho nhiều người (ảnh minh họa)
Các cuộc tranh luận trên mạng xã hội cho rằng tiền lì xì là một "hạng mục" gây áp lực cho nhiều công nhân, lao động nghèo, khiến họ không dám về nhà (Ảnh minh họa)

* Theo anh, dịp tết còn mang đến cho con người những giá trị nào nữa?

- Ở khía cạnh thanh lọc tâm hồn, tôi thấy đây là cơ hội giúp chúng ta làm mới. Nhìn lại năm cũ, ta có thể rút ra những bài học giá trị cho bản thân. Tất nhiên không phải day dứt với lỗi lầm (nếu có); còn với thành công, cũng không nên tự mãn, mà tập biết ơn những nhân duyên, điều kiện thuận lợi mà mình nhận được từ cuộc sống. Khi bạn sống với tinh thần biết ơn mọi biểu hiện trong cuộc đời, bạn sẽ biết lùi lại để ngắm nhìn mọi thứ để thấy rõ, sáng suốt chọn đúng con đường và mạnh mẽ đi xa hơn.

Còn khía cạnh gia đình, tôi cho rằng tết là dịp để gắn bó, sẻ chia. Trong cuộc sống hằng ngày, khó tránh được những va chạm. Dù là người thân, người thương ở chung nhà có lúc chúng ta cũng không kết nối với nhau được. Rồi có những nỗi buồn gắng gượng cho qua, nhưng nó còn đâu đó trong lòng mỗi người. Tết là dịp tốt nhất để ngồi lại cùng nhau, để được thấu hiểu và yêu thương. 

Ảnh mang tính minh họaCần xác định rõ ý nghĩa lớn nhất của ngày tết là gì? (Ảnh mang tính minh họa)

* Anh có cách nào cụ thể để làm điều đó?

- Bao lâu rồi bạn không ăn cơm với gia đình mình? Tết là dịp để trở về nhà và ăn cơm gia đình, vì tết là mùa đoàn viên mà. 

Chúng ta về dọn dẹp nhà cửa và thấy nó mát mẻ, dễ chịu phải không? Tại sao bạn không cùng người thân lau chùi, dọn dẹp, sắp xếp ngăn nắp những đổ vỡ trong lòng vì những va chạm thường ngày trong năm cũ?

Ai cũng có cái tôi, sự tự ái và khi gặp phải những va chạm, cộng hưởng với những khó khăn của cuộc sống hiện tại, nhất là sau đại dịch COVID-19, khiến ai cũng dễ bùng nổ. Hiểu như thế để thương và thương thì phải thứ tha, ngồi lại cùng nhau. Bàn ăn gia đình là chốn yên bình nhất để mỗi thành viên trải lòng. Nói với người thân, người thương mình rằng món ăn này ngon quá, khen má một tiếng, cảm ơn ba hai tiếng, ghi nhận những nỗ lực của em mình, biết ơn anh chị mình đã hỗ trợ… Rồi xin lỗi nhau vì đã từng làm cho nhau mệt mỏi, muộn phiền. Vợ chồng nhìn vào điểm tốt để có thể thấy anh ấy, cô ấy đã chịu đựng mình biết bao và cũng là điểm tựa vững chắc cho mình trong mọi việc. 

Nói chung, khi có suy nghĩ tích cực thì mọi việc từ nặng hóa nhẹ, rồi nhẹ hóa không. Tôi rất thích cái ý: thích thì sẽ tìm cách, không thích sẽ tìm cớ. Với người thân người thương, chúng ta nên tìm cách, không nên vin vào lỗi nhỏ, rồi xem đó là cái cớ để đồ đi đồ lại. Năm mới đến rồi, mỗi người phải mới lên thôi.

* Xin cảm ơn anh. 

Lưu Đình Long (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI