Gặp lại má sau 40 năm vuột khỏi tay cha

09/03/2024 - 06:06

PNO - Nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi của phận mồ côi, cô bé ngày nào đã được bàn tay nhiệm màu đưa về bên má.

Ngày ấy, có cô bé 8 tuổi mặc bộ đồ đẹp nhất, theo ba từ Sóc Trăng lên Sài Gòn đi đám tang rồi khi ba bận bịu việc đưa đám, cô bé rong ruổi trên đường phố, say sưa lượm dây thun.

Bọc dây thun dần đầy, cô bé cứ đi tới, trời dần phủ màn đêm. Dòng đời nghiệt oan không như những sợi dây thun giãn hết cỡ rồi có thể trở lại hình dạng cũ; cô bé đã đi quá xa, không thể tự tìm đường về. 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 1 tháng… rồi 40 năm lưu lạc.

Nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi của phận mồ côi, cô bé ngày nào đã được bàn tay nhiệm màu đưa về bên má. Mùa xuân sưởi ấm đất trời, mùa xuân có má, mùa xuân và má cho “cô bé” nay tuổi đã ngoài 50 cảm nhận hết sự thiêng liêng, ấm áp của 2 tiếng “sum vầy”.

Cuộc phỏng vấn chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1972) tại Văn phòng Thị ủy thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương tạm ngưng vì tiếng tít tít điện thoại. Em gái chị Loan gọi lên cho má nói chuyện. Tuổi đã ngoài 70, bà Lê Thị Quít - má chị Loan, hiện ngụ TP Cần Thơ - nay yếu mai đau.

Một trong những cách hiệu quả để người chăm sóc dỗ ngọt má là gọi điện hoặc mở clip cho má nghe chị Loan đàn ca. “Con ca má nghe đi!” - bà Quít thỏ thẻ yêu cầu. Chị Loan gõ nhịp, ngân nga vài câu nhạc sến cho má vui và sẵn sàng hợp tác ăn cơm/cháo, uống thuốc. Em gái chị Loan nói: “Mê nhạc là dòng máu của gia đình mình đó, chị Hai biết không? Ông ngoại mình hồi xưa làm đoàn hát mà”.

“Ông ngoại mình”, “ba má mình”, những từ ngữ dung dị, bình thường nhưng lại khiến chị Loan trào nước mắt. Nó minh chứng một điều rằng chị không còn lạc loài giữa thế giới này, rằng chị cũng có cội có nguồn, có ba má, có em. Họ tên ba má đặt cho chị là Quan Thị Hồng Loan.

Ngày nhận gia đình vào tháng 8/2022, trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, chị nghẹn ngào cúi mặt, cố ngăn những cơn nấc. Chị ray rứt vì đã mê chơi, đi lạc, để ba má phải cả đời buồn khổ. Từ sự cố xảy ra, ba má chị mâu thuẫn sâu sắc, ba sa vào rượu chè, đánh má và 2 người đã đôi ngả đôi đường.

Ba mãi ôm nỗi đớn đau “sảy tay vuột mất đứa con giữa Sài Gòn” đi về thế giới bên kia vào mùa COVID-19 - 1 năm trước khi chị Loan tìm được gia đình. 

Khi được mời đến trường quay, bà Lê Thị Quít nói: “Lên chương trình, tao mà thấy đứa nào không có thẹo trên mũi là tao không nhận đâu. Phải có thẹo trên mũi mới trúng là con tao”. Và bà đã òa khóc khi nhìn vết sẹo trên mũi chị - vết tích do người cô vô ý quẹt dao trúng thời thơ ấu.

“Má sợ không gặp con. Dù thiếu thốn cỡ nào, má cũng luôn làm từ thiện để cầu được gặp con. Má nhớ con dữ lắm! Hồi đó má lên Sài Gòn tìm con, bị xe đụng hoài. Xích lô tránh má chứ má không tránh nó. Cứ thấy chỗ nào có con nít là má lủi vô để tìm con” - lời mộc mạc của người mẹ miền Tây khiến cả khán phòng cười ra nước mắt. 

Chị Nguyễn Thị Loan (đứng giữa) bên má và các em ngày đoàn tụ
Chị Nguyễn Thị Loan (đứng giữa) bên má và các em ngày đoàn tụ

Vết sẹo tưởng đã ngủ yên lại khơi dòng ký ức cuồn cuộn nơi chị Loan những ngày sống với ba má và em trong căn nhà lá không có cửa ở Sóc Trăng; còn vẳng bên tai lời má dặn mỗi sớm mai ra đồng rằng ráng giữ em cho kỹ. Khi buồn ngủ, chị lấy dây cột chân em lại, không để em bò ra bờ đê, lọt xuống sông. Chị nhớ từ cái nọc cấy lúa nhớ đi, nhớ từ ruộng dưa hấu nhớ lại…

Mùa gặt, má con đi mót lúa về phơi, sàng, giã gạo. Không nhớ tên ba má, vì khi xưa 2 người cứ gọi nhau bằng “ông - bà”, nhưng chị nhớ rõ tên 3 chị em: Loan - Trúc - Hòa. 

Một phút rời xa vòng tay ba vào năm 1980, chị trở thành trẻ bụi đời nơi phố thị Sài Gòn. Mượn bậc thang rạp hát làm giường, lót dạ bằng cơm từ thiện, đồ cúng cô hồn hay ăn mót vỏ hột vịt trong bịch rác. Dù bụng thường xuyên cồn cào, nhưng nhớ lời ba má dặn “đói cho sạch, rách cho thơm” hay lời răn đe của các chú công an thu gom trẻ đường phố, chị không bao giờ ăn cắp.

Nhiều lần, chị được người ta thương, đưa về làm con nuôi, nhưng vì chứng sợ hãi đám tang vẫn ám ảnh nên hễ gia đình cưu mang có hữu sự tang chế là chị lại lặng lẽ ra đi. Cơ duyên gắn bó với vùng đất Bến Cát là lần xin bánh cúng ngày 16 âm lịch ở chợ Bà Chiểu vào năm 1982, một phụ nữ gặp chị, giới thiệu chị về Bến Cát để giữ em bé và chị đã trở thành con nuôi của gia đình này.

Năm 1998, trong một lần mổ ruột thừa, chị may mắn quen một bệnh nhân chung phòng, được giới thiệu một chân làm tạp vụ ở Văn phòng Thị ủy thị xã Bến Cát. Chị đã làm việc nơi đây cho đến ngày nay. 

Dù là nữ, chị Loan rất xốc vác, sẵn sàng làm mọi việc nặng nhọc, kể cả sửa ống nước để kiếm thêm thu nhập chính đáng. Chỉ có 2 việc chị không làm được là sửa điện và… ký tên nhận lương. Chị không biết chữ nên luôn phải nhờ người ký giùm. Được vợ anh bí thư thương tình dạy kèm trong vài tháng, chị Loan đã tự ký lương cho mình. Và một ngày, chị ngỡ ngàng vui sướng khi đọc được hết bảng phân công công tác của văn phòng. Hạnh phúc nào bằng khi chính chị đọc được bằng khen, danh hiệu phụ nữ 2 giỏi, đọc được bài viết về mình được in trong kỷ yếu Các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2011-2015) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương. 

Và một ngày tháng 4/2022, với những con chữ học được từ ân tình của người dưng nơi xứ lạ, chị nắn nót dòng thư đầy tâm huyết để gửi đi, mong tìm gia đình ruột (nhiều năm trước, cũng vì quá nôn nóng lần theo dấu tích cội nguồn, chị đã nhận nhầm một gia đình ở Bến Tre).

Nỗi hy vọng lẫn khát thèm 4 chữ “cốt nhục tình thâm” được chị dồn vào trang thư. Tháng 8/2022, chị như được sinh ra lần nữa khi gặp lại má, các em và cả dòng họ, được ôm siết trong vòng tay đại gia đình.

Chị Nguyễn Thị Loan tranh thủ ngày nghỉ là “vọt” về Cần Thơ thăm má
Chị Nguyễn Thị Loan tranh thủ ngày nghỉ là “vọt” về Cần Thơ thăm má

Cuộc sống hiện đã vững vàng với công việc ổn định, có nhà riêng, mối bận tâm duy nhất của chị là về sức khỏe của má. Hễ nghỉ lễ, tết hoặc cuối tuần là chị liền bắt xe, vượt khoảng 250km từ Bình Dương về Cần Thơ để thăm má, dượng và các em.

Qua rồi những ngày đau thương, cay đắng; gặp má, chị không nhắc lại chuyện cũ, sợ má buồn, khóc rồi mệt. Vốn tính vui vẻ, hài hước, chị đeo theo má chọc ghẹo chuyện ngày xưa làm sao quen được dượng phong độ lại nhỏ tuổi hơn; ghẹo má “chắc tại nhõng nhẽo nên bắt dượng nấu cơm giở theo vào bệnh viện, còn cơm hàng cháo chợ thì má cứ chê, chỉ ăn vài ba muỗng”.

Và chị ôm má ngủ tiếp giấc ngủ ngày thơ chưa thỏa… 

Mong thêm nhiều, thật nhiều mùa xuân có má

Tết này tôi chưa về quê, định sẽ về thăm má vào đám giỗ ba, cuối tháng Giêng. Những ngày vui bên má, kỷ niệm đơn sơ mà thật êm đềm, sâu sắc. Nhớ có lần dượng khoe: “Má mày nấu lẩu mắm ngon lắm”, vậy là má xắn tay nấu cho tôi và cả nhà ăn.

Làm tạp vụ, tôi cũng từng đứng chân “bếp trưởng” ở cơ quan, nhưng chưa bao giờ nấu được nồi lẩu mắm đậm đà, hấp dẫn như nồi lẩu mắm của má. Tôi vét đến từng muỗng nước lẩu, hít hà làn khói thơm mà nghe hương vị quê nhà ngấm vào lòng. Nhắc đến đây càng nhớ nhà… Có quê nhà để nhớ, may mắn biết bao nhiêu!

“Mẹ già như chuối chín cây”, sức yếu hơn, bệnh phổi tái đi tái lại. Má gầy nhom, còn chỉ 30 ký lô, thấy mà xót lòng. Có khi nửa đêm, má khó thở, dượng và em phải đưa đi cấp cứu. Có khi vừa xuất viện về nhà, má trượt té, đau đầu, phải quay trở lại bệnh viện.

Nhớ có lần trên giường bệnh, má nắm tay tôi, nói: “Má trông được mạnh khỏe để lên con một chuyến cho biết nhà con ở, biết chỗ con làm mà sao cứ bệnh riết”. Tôi động viên má an tâm tịnh dưỡng, đâu có gì quan trọng hơn sức khỏe của má. Tôi nhín nhút chút tiền lương đưa má, má nhận nhưng vẻ mặt miễn cưỡng vì “mày còn lo đi đám tiệc, xe cộ lên xuống tốn kém”… 

Mong má luôn được vui khỏe, sống đời với con cháu, để tôi được thêm nhiều, thật nhiều mùa xuân có má.

Nguyễn Thị Loan

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI