Dzũng Yoko tìm về phương Đông

23/07/2017 - 07:00

PNO - Trần Hoàng Dũng là kiến trúc sư nhưng 'nghề' anh đang làm thì kể mãi không hết: giám đốc sáng tạo, nhà thiết kế đồ họa, thiết kế bìa đĩa, nhiếp ảnh gia, thiết kế thời trang…

Tăng thêm phần… đa đoan, anh vừa ra mắt một ấn phẩm về thời trang Going East, mang phương Đông huyền bí vẽ thành hình hài cụ thể để chuyển đến bạn đọc sự si mê của mình. 

Dzung Yoko tim ve phuong Dong
 

* Ra mắt một ấn phẩm về thời trang giữa lúc những thông tin về thời trang đang tràn ngập, thậm chí thừa mứa, anh muốn hướng tới điều gì? 

- Làm việc trong ngành thời trang, tôi cũng biết hiện có quá nhiều những chương trình, những thông tin về thời trang, nhưng đây có lẽ là dạng sách ảnh thời trang đầu tiên của VN. Tôi ra cuốn thứ nhất năm 2016, cuốn này là thứ hai. Tôi tự hào khi mình là người tiên phong với sách ảnh thời trang.

Từ nhiều năm trước, được ra nước ngoài, nhìn thấy vô số sách ảnh về thời trang, artbook, tôi đã mơ một ngày mình làm được những bộ ảnh như thế. Tôi nuôi giấc mơ đó cho đến ngày trở thành giám đốc sáng tạo cho các tạp chí thời trang. Tuy cuộc sống đang thừa mứa các sự kiện nhưng tôi tin người yêu nghệ thuật sẽ không bao giờ quay lưng với các tác phẩm tốt, được thực hiện nghiêm túc, có giá trị nhân văn.

Với Going East, tôi muốn đưa người xem đến giá trị thực của thời trang Việt, cảm nhận được thời trang không phải là những hình ảnh phù phiếm, xa hoa, mà là những giấc mơ có thật, là những câu chuyện đầy cảm hứng được đưa vào hình ảnh. Sự đón nhận của độc giả đã cho tôi niềm tin mình đang đi đúng hướng.

Dzung Yoko tim ve phuong Dong
 

* Tựa sách Going East khiến tôi liên tưởng đến sự huyền bí của phương Đông. Anh không ngại khi đối diện với nền văn hóa ma mị này - một nền văn hóa có thể bị xem là “nhà quê” đối với người làm thời trang?

- Khi bắt đầu với nghệ thuật, tôi rất thích văn hóa phương Tây và đã nghĩ chỉ có phương Tây mới làm cho ngành thời trang thăng hoa, nên chỉ tìm đến thời trang phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vì họ đi trước và có rất nhiều cái mình không biết, mình cần học hỏi.

Nhưng, đến độ “chín” của nghề, tôi mới nhận ra văn hóa phương Đông rất hay, rất đẹp, rất sâu sắc. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy triết lý của người phương Đông rất khác. Vẻ đẹp của phương Đông không “ngồn ngộn” như phương Tây, mà mình phải ngắm, phải lặng, phải có trải nghiệm mới nhìn ra được tính triết lý của nó.

Đi nhiều nước châu Á, tôi thấy họ làm rất tốt việc đưa văn hóa vào nghệ thuật đương đại một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, nên luôn tự hỏi mình, sao mình lại không tìm về cội nguồn, tìm về cái có sẵn trong huyết quản của mình; làm cho nó tươi mới hơn, mang hơi thở cuộc sống đương đại hơn.

Tôi muốn chuyển tải cảm hứng phương Đông đó qua cách nhìn về thời trang, về phong cách, về bố cục, phả vào đó hơi thở hiện đại; đưa người xem đến một tình yêu văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam. Tâm nguyện của tôi là như thế.

Dzung Yoko tim ve phuong Dong
 

* Anh đã đưa được những điều gì của phương Đông kỳ bí vào cuốn sách này, thưa anh?

- Với tôi, phương Đông là những dải lụa đỏ phất phới trong nắng. Là những cô gái với mắt một mí. Là mái tóc đen huyền. Là những đàn chim hạc bay trong chiều. Cũng có thể là những họa tiết cách điệu từ những trang sách cổ, những bình hoa cúc, màu men gốm, những căn nhà với màu sơn rêu phong. Là tâm tình của những người hướng nội, có cái nhìn sâu sắc và ấm áp về cuộc sống. Là một cái gì đó vừa nhẹ nhàng, vừa dữ dội,  một vẻ đẹp chỉ dành cho sự chiêm nghiệm. 

* Xem Going East, không ai nghĩ anh đang là “ông trùm” đầy quyền lực của các tạp chí thời trang.

- Người ta hay nói tôi là một người “quyền lực” trong ngành thời trang, nhưng tôi chỉ thấy mình là một nghệ sĩ. Tôi thích nắm bắt những vẻ đẹp trong cuộc sống và tái hiện bằng hình ảnh, làm cho công chúng cảm thấy họ được truyền cảm hứng khi nhìn những bộ hình của tôi.

Ngoài công việc làm tạp chí thời trang, tôi thực hiện cuốn sách như một điều gì đó cho riêng mình, để theo đuổi đam mê của mình. Tôi luôn tâm niệm, quyền lực không nằm ở chức vị mình có, mà ở cái nhìn của những người trong nghề dành cho mình.

Dzung Yoko tim ve phuong Dong
 

* Anh đã mang hình ảnh nàng Kiều ra tung hứng với màu sắc. Thúy Kiều qua hình ảnh của anh có khuôn mặt rất thời trang và đầy đặn kiểu một người đàn bà viên mãn. 

- Tôi nghĩ, thế hệ của tôi ai cũng mê Kiều và ngưỡng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Nàng Kiều đã làm tôi xúc động mạnh từ thời sinh viên vì thân phận của cô ấy. Là người làm về hình ảnh nên với tôi, đoạn Kiều ở lầu xanh là chất liệu đặc sắc nhất để làm thời trang. Những cô gái lầu xanh luôn có một cái gì đó rất khắc khoải về cuộc sống, phải tô điểm cho mình rất nhiều, có thể chỉ là để che giấu bớt vẻ tủi hờn. 

Chính những yếu tố hơi “drama” đó là chất liệu tuyệt nhất cho thời trang. Đây là một trong những bộ hình tôi thích nhất - kể lại Truyện Kiều thông qua chất liệu thời trang, nhìn rất lãng mạn. Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ dùng những chất liệu từ thơ ca, văn học Việt Nam và phương Đông để thể hiện vào  những bộ hình thời trang, để cùng chiêm nghiệm quá khứ, thổi vào đó sức sống của thời đại.

* Còn hát bội? Cơ duyên nào đã đưa anh đến việc dùng hình ảnh thay lời cho loại hình nghệ thuật này?

- Năm 2013, khi đang tìm chất liệu cho bộ hình về nét truyền thống của VN, tôi vô tình nhìn thấy những postcard chụp các đoàn hát bội của VN đầu thế kỷ XX và lập tức có ấn tượng mạnh mẽ về hát bội, về những nghệ sĩ thời ấy. Tôi quyết định dùng hát bội làm chất liệu cho bộ ảnh thời trang với những thiết kế đương đại. 

Điều tôi mong muốn là làm rõ cái chất của nghệ thuật hát bội VN, sự khác biệt với hát bội Trung Quốc, từ cách xây dựng nhân vật, trang phục, trang điểm, hóa trang… Cùng với thiết kế của các nhà thiết kế Võ Công Khanh, Phan Anh Tuấn, Thủy Nguyễn, Nguyễn Công Trí…  chúng tôi đã tạo nên bộ hình ấy. Khi bộ hình này ra mắt, tạp chí Ellle toàn cầu đã gửi lời khen đến Elle VN và mua lại bộ hình.

Dzung Yoko tim ve phuong Dong
 

* Sài Gòn cũng được anh thể hiện với rất nhiều nỗi nhớ. Một góc cầu thang cũ kỹ. Một khoảnh trời qua góc nhìn hẹp. Một người đàn bà rất… Sài Gòn…

- Tôi đã trải nhiều cung bậc của Sài Gòn. Sài Gòn với tôi luôn rất đẹp.Tôi nhớ Sài Gòn khi đi xa, nhớ cái cầu thang hẹp, những mảng tường rêu phong, nhớ những cách bài trí nhà cửa, thời trang, cách nghĩ của người Sài Gòn.

Bộ thời trang đó là để tôi bày tỏ tình yêu của mình với Sài Gòn, qua hình ảnh hai người phụ nữ; trong đó có một phụ nữ lớn tuổi, một căn chung cư cũ và bộ sưu tập Lúa của Công Trí. Tôi rất thích màu sắc xưa cũ của bộ hình. Chắc chắn Sài Gòn sẽ còn thay đổi rất nhiều, tôi mong những dấu tích được lưu trữ trong bộ hình có thể giúp các bạn trẻ thế hệ sau.

* Anh có thể nói một chút cách nghĩ của mình về vẻ đẹp của phụ nữ bây giờ? 

- Làm nghề này, tôi được tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ và thấy họ khác phụ nữ ngày xưa rất nhiều. Phụ nữ bây giờ đẹp, tự tin và hiểu rõ bản thân. Theo tôi, cá tính riêng của mỗi phụ nữ chính là vẻ đẹp của người đó. Hiểu mình và thể hiện được cá tính của mình trong cuộc sống, trong ứng xử, trong công việc sẽ làm cho người phụ nữ trở nên sắc sảo và quyến rũ hơn.

Người phụ nữ biết sống đúng với đam mê của mình chính là người hấp dẫn nhất. Do làm việc trong ngành thời trang, tính duy mỹ rất cao, nên tôi nghĩ phụ nữ đẹp còn phải là phụ nữ biết chăm sóc bản thân, ăn mặc đẹp, biết biến đổi ngoại hình theo hình mẫu mà mình mơ ước. 

 Đoàn Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI