Đứt từng khúc ruột miền Trung

19/10/2020 - 07:32

PNO - Hàng chục ngàn ngôi nhà ở hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị ngập lụt tận nóc, hàng trăm ngàn người đang đối mặt với cảnh khốn cùng do lương thực dự trữ đã cạn kiệt. Trong lúc đó, những vụ lở đất liên tiếp ập xuống, gây ra những cái chết thương tâm.

Đường về xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong lũ - Ảnh: Thuận Hóa
Đường về xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong lũ - Ảnh: Thuận Hóa

Bó gối nhìn nước lũ mênh mông

Lầm lũi trong mưa gió hơn hai giờ, chiếc ghe cũng đưa chúng tôi đến thôn Tân Bình, xã Phong Bình và thôn Ma Nê, thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại các thôn này, 100% nhà dân đang bị ngập lụt. Mỗi khi ngập lụt, xã Phong Hòa và Phong Bình gần bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy có đò, ghe nhưng gió mạnh và mưa sầm sập không ngừng khiến những người không di tản chỉ biết bó gối ngồi nhìn ra biển nước. 

Ông Võ Ngọc Thành - trú tại thôn Tân Bình - cho biết, nước lũ bắt đầu lên từ tối 6/10, đến nay đã hơn mười ngày. Do nhà ông bị nước ngập gần 2m nên phải dọn lên Nhà cộng đồng thôn Tân Bình. Toàn thôn có 70 hộ với hơn 270 nhân khẩu nhưng chỉ có ba nhà cao tầng, còn lại đều là nhà cấp 4, tất cả bị ngập, nhà ngập sâu nhất là 2m, phải di dời lên những vùng cao. Trong đó, có 13 hộ dân phải di dời khẩn cấp lên nhà cộng đồng thôn. Nhiều người ngồi trong nhà nhìn ra biển nước, trong khi lương thực dự trữ mười ngày qua đã cạn dần.

 “Chừ tui cũng không biết nhà mình ngập ngang mô (đâu), cả nhà đã được chuyển tới đây. Ở đây cao ráo, phòng ốc sạch sẽ, thoải mái nên rất yên tâm. Lụt lội thì thiệt hại về vật chất là hẳn nhiên, quan trọng bản thân và gia đình vẫn an toàn” - anh Lê Văn Tốt chia sẻ.  

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ trong mười ngày qua đã làm 27 người chết, 15 người mất tích, 13 người bị thương. Tổng thiệt hại do mưa lũ ước khoảng 1.126 tỷ đồng. Hiện nay, các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy để hỗ trợ lương thực và tìm kiếm những người mất tích đồng thời huy động các phương tiện, nhân lực để khẩn trương thông tuyến đường vào Thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3 để tìm kiếm, cứu nạn.

Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ hàng đầu

Sáng 18/10, lễ viếng 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 được Bộ Quốc phòng tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268, thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 4 (phường Thuận Lộc, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với sự tham dự của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 

Giây phút đồng đội, người thân tiễn đưa các liệt sĩ rời khỏi Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 - Ảnh: Thuận Hóa
Giây phút đồng đội, người thân tiễn đưa các liệt sĩ rời khỏi Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 - Ảnh: Thuận Hóa

Xúc động trước sự hy sinh của 13 liệt sĩ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã viết: “Vô cùng thương tiếc các đồng chí đã hy sinh anh dũng trong khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Các đồng chí là những tướng lĩnh, cán bộ, lãnh đạo chính quyền, các sĩ quan, chiến sĩ và nhà báo. Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ vì nước, vì dân”.

Bà Võ Thị Nguyệt - ở phường Trường An, TP. Huế, là mẹ vợ của liệt sĩ Trương Anh Quốc, nhân viên Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 - nói: “Gia đình rất đau buồn khi hay tin Quốc và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Những ngày qua, gia đình đã được lãnh đạo Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đến thăm hỏi, động viên. Hôm nay, có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương gửi vòng hoa viếng và trực tiếp đến dâng hương khiến gia đình rất cảm kích, xúc động”.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Trị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói, tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp. Ông yêu cầu phải tập trung tìm kiếm, cứu nạn những người mất tích càng sớm càng tốt. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Phải chủ động ứng phó với các sự cố, thiên tai, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Dồn sức thông đường, đưa nạn nhân ra

Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thông tin, đến 20g ngày 18/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ trong vụ sạt lở đất tại khu vực Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4) đang đóng quân. Theo điều tra ban đầu, lũ ống đã làm núi lở, vùi lấp dãy nhà ăn và dãy nhà ở của cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 khiến 22 chiến sĩ bị vùi lấp. Trong số bị vùi lấp, có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp, 8 chiến sĩ.

Khu vực vào doanh trại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Vĩnh Phan
Khu vực vào doanh trại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Vĩnh Phan

Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang dồn sức để khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường vào hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong ngày 18/10, tỉnh Quảng Trị đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, tại Km 222+100 đường Hồ Chí Minh, đoạn từ thị trấn Khe Sanh vào xã Hướng Phùng, hàng ngàn khối đất đá đổ tràn khắp mặt đường, giao thông ách tắc hoàn toàn. 

Bộ Quốc phòng cũng đã lệnh cho hai máy bay trực thăng sẵn sàng ở TP. Đà Nẵng, chờ thời tiết tốt sẽ bay tiếp cận xã Hướng Phùng, thả lương thực và thuốc men cho người dân, đồng thời yêu cầu cắt cử người quan sát, đánh kẻng cảnh báo nếu phát hiện sạt lở, yêu cầu các lực lượng cứu hộ làm cả ca đêm để đưa nạn nhân ra sớm nhất.

Những thi thể đầu tiên được đưa ra khỏi hiện trường Ảnh: Vĩnh Phan
Những thi thể đầu tiên được đưa ra khỏi hiện trường - Ảnh: Vĩnh Phan

Trung tướng Nguyễn Tân Cương cho biết thêm, khi đường thông, xe cứu nạn sẽ vào hiện trường để đưa nạn nhân ra ngoài. Các nạn nhân sẽ được đưa vào túi tử thi và chuyển đến bệnh viện địa phương. Quân khu 4 sẽ đưa nhà lạnh từ TP. Huế ra huyện Hướng Hóa. Chỉ có lực lượng cứu nạn được vào hiện trường. Trung tướng Nguyễn Tân Cương nói: “Thảm họa xảy ra quá bất ngờ, rất đau thương. Gần hai triệu mét khối đất lùa xuống, san bằng bốn dãy nhà. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu các đồng chí bị thương và tìm kiếm các đồng chí mất tích. Đến nay, bảy máy xúc cùng gần 500 người hoạt động liên tục để tìm kiếm anh em”.

Hiện, công tác cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do trời mưa rất to, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở đất. Phía ngoài, các lực lượng dồn sức khắc phục những điểm sạt lở trên tuyến đường vào hiện trường vụ sạt lở đất. Dự kiến sáng 19/10, tuyến đường vào hiện trường vụ sạt lở được thông xe, lực lượng chức năng sẽ đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài, sau đó dùng xe chuyên dụng đưa về một bệnh viện ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. 

 Thuận Hóa - Vĩnh Phan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI