Đứng trước nguy cơ suy thoái, Chính phủ Nhật Bản đắn đo kéo dài thời hạn giãn cách

30/04/2020 - 10:42

PNO - Sáng 30/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia để quyết định có nên gia hạn tình trạng khẩn cấp qua ngày 6/5 hay không.

Phát biểu tại quốc hội, Thủ tướng Abe nhận định tình hình xung quanh dịch COVID-19 vẫn đang "nghiêm trọng". Tờ Nhật báo kinh doanh Nikkei hôm 29/4 đã đưa tin  chính phủ đang có kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm khoảng một tháng.

Quốc hội Nhật Bản dự kiến phê duyệt ngân sách bổ sung trị giá 241 tỷ USD trong ngày 30/4 để tài trợ cho gói kích thích bao gồm các khoản thanh toán bằng tiền mặt và các khoản vay cho công ty để chống lại cơn bão kinh tế từ đại dịch.

Gói này bao gồm khoản thanh toán tiền mặt 100.000 yên (938 USD) cho mỗi người dân, nhằm cung cấp viện trợ rộng rãi cho các hộ gia đình có thu nhập giảm mạnh vì mất việc hoặc giảm giờ làm.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quyết định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội.
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết chính phủ cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quyết định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội

Ngoài ra, gói kích thích còn bao gồm chi phí tăng cường hệ thống y tế để đối phó với virus SARS-CoV-2 và 1 ngàn tỷ yên trợ cấp thêm cho chính quyền địa phương.

Nhưng tổn thương sâu sắc từ đại dịch -  khiến người dân phải ở nhà và các doanh nghiệp đóng cửa - đã thu hút giới chính trị gia kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn.

Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi Hideo Kumano cho biết, mặc dù chi tiêu chính phủ đạt hơn 12 ngàn tỷ yên, nhưng các khoản thanh toán bằng tiền mặt sẽ chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản lên 0,6 điểm phần trăm.

Ông Kumano nhận xét: "Các tác động đến việc kích thích tiêu dùng sẽ rất nhỏ vì nhiều người tiêu dùng vẫn không chịu ra ngoài để chi tiêu".

Sản lượng nhà máy tháng 3 của Nhật Bản giảm với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng, trong khi doanh số bán lẻ cũng giảm khi các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi nhu cầu ở nước ngoài và trong nước tụt dốc.

Nền kinh tế toàn cầu năm nay có thể chứng kiến ​​sự suy thoái mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, với nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với sự đình trệ do phụ thuộc vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa mềm.

Dữ liệu chính thức hôm 30/4 cho thấy sản lượng của nhà máy giảm 3,7% trong tháng 3 so với tháng trước, nhỏ hơn so với mức giảm 5,2% từ dự báo của hãng tin Reuters.

Các nhà sản xuất ô tô và máy móc phải giảm sản lượng do nhu cầu chậm hơn đối với các bộ phận và thiết bị từ các nhà máy ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Một người phụ nữ vẫy tay chào người thân trên một chuyến tàu tại sân ga Tokyo hôm 29/4. Nơi đây rất vắng vẻ dù đang là kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.
Một người phụ nữ vẫy tay chào người thân trên một chuyến tàu tại sân ga Tokyo hôm 29/4. Nơi đây rất vắng vẻ dù đang là kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.

Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng nhu cầu tiêu dùng nội địa thấp sau khi chính phủ tăng thuế bán hàng để khắc phục gánh nặng nợ công nặng nề, gấp hơn hai lần tổng sản phẩm quốc nội.

Nền kinh tế Nhật Bản thu hẹp với tốc độ 7,1%/năm trong ba tháng cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và việc tăng thuế.

Với việc Ngân hàng Nhật Bản cam kết mua số lượng trái phiếu không giới hạn để giữ chi phí đi vay thấp, Nhật Bản sẽ theo bước của các nền kinh tế lớn khác, cho phép ngân hàng trung ương in tiền tài trợ cho nợ chính phủ.

Dữ liệu chính thức hôm 28/4 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 tăng lên mức cao nhất trong một năm, trong khi khả năng có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Tấn Vĩ (Theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI