Ấn Độ tạo "lá chắn thép" bảo vệ 1,3 tỷ dân trước dịch COVID-19

29/04/2020 - 16:13

PNO - Chưa đầy một tháng trước, khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp đang lây nhiễm tràn lan khắp thế giới, viễn cảnh Ấn Độ hết sức ảm đạm. Nhưng cho đến nay, Ấn Độ dường như đã tránh được điều tồi tệ nhất.

"Ấn Độ không chờ đợi đến khi vấn đề leo thang"

Các chuyên gia từng dự đoán Ấn Độ - đất nước nam Á 1,3 tỷ dân, dân số đứng thứ hai thế giới - phải đối mặt với hàng triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, giới chức y tế Ấn Độ cảnh báo nước này cần sẵn sàng đón làn sóng tấn công của đại dịch có thể làm tê liệt hệ thống y tế trang bị nghèo nàn của đất nước. 

Đặc  biệt, nhà chức trách lo lắng virus có thể “như đám cháy rừng” quét qua các khu ổ chuột Ấn Độ nơi người dân sống chật chội, thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản. Nhưng cho đến nay, Ấn Độ dường như đã tránh được điều tồi tệ nhất. 

Người dân theo dõi phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi về các biện pháp chống dịch - Ảnh: CNN
Người dân theo dõi phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi về các biện pháp chống dịch - Ảnh: CNN

Tính đến ngày 29/4, Ấn Độ có tổng số 31.324 ca nhiễm virus và 1.008 trường hợp tử vong, tương đương khoảng 0,76 ca tử vong trên một triệu người. Để so sánh, con số tương đương ở Mỹ hiện là 179, theo số liệu cập nhật của trang mạng thống kê toàn cầu Worldometer.

Một số chuyên gia nói rằng những con số tương đối tích cực của Ấn Độ cho thấy biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đến nay thực sự phát huy tác dụng.

Kênh truyền hình tin tức CNN dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng "Ấn Độ không chờ đợi đến khi vấn đề leo thang". Ông Modi tuyên bố như trên hôm 14/4 khi ông gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc 21 ngày đến ngày 3/5. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh việc cần thiết ra quyết định nhanh chóng “ngay khi xuất hiện vấn đề”.

Tuy nhiên, đằng sau những con số của Ấn Độ còn ẩn giấu một thực tế phức tạp hơn và các chuyên gia cảnh báo rằng còn quá sớm để người Ấn Độ ăn mừng.

Ông Srinath Reddy - Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ (PHF) - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển chính sách, nói rằng "ít nhất trong vòng này, có vẻ như virus đã không gây nhiều tác hại như chúng ta lo sợ, nhưng tôi không cho rằng chúng ta có thể tuyên bố khép lại hoàn toàn cuốn sách này”.

Lấy mẫu xét nghiệm coronavirus tại khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai - Ảnh: CNN
Lấy mẫu xét nghiệm coronavirus tại khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai - Ảnh: CNN

Thực thi phong tỏa toàn quốc

Ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố đất nước sẽ bị phong tỏa trong ba tuần.

Quy mô phong tỏa chưa từng có, vì Ấn Độ có dân số 1,353 tỷ người thực thi phong tỏa toàn quốc, còn Trung Quốc có dân số lớn hơn (1,393 tỷ) nhưng cũng chỉ phong tỏa quy mô thành phố (Vũ Hán) hay một tỉnh (Hồ Bắc).

Đó là một quyết định chứa đựng nhiều rủi ro, vì khi phong tỏa, hàng triệu người lao động nhận lương theo ngày sẽ mất thu nhập. Nhưng không phong tỏa thì đất nước đứng trước nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế, mà theo ước tính khoảng 150 triệu người sẽ nhiễm virus cho đến tháng Sáu năm nay. Tuần trước, một quan chức y tế hàng đầu của Ấn Độ nhận định rằng nếu không có phong tỏa, con số ca nhiễm của Ấn Độ sẽ tăng thêm hơn 100.000 ca.

Ấn Độ chuyển sang tình trạng phong tỏa khá nhanh, lệnh này được ban hành khi đất nước mới có 519 ca nhiễm coronavirus. Trong khi đó, Ý phong tỏa toàn quốc khi đã có hơn 9.200 ca nhiễm, còn Anh Quốc thực hiện biện pháp này khi có khoảng 6.700 người nhiễm virus.

Ramanan Laxminarayan - Giám đốc Trung tâm Động lực Bệnh học, Kinh tế và Chính sách, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận - cho biết quyết định phong tỏa kịp thời, ngay cả khi số ca nhiễm còn thấp, có tác dụng giảm đáng kể nguy cơ lây lan.

Sau khi phong tỏa, hàng ngàn người lao động nhập cư tìm cách rời khỏi các thành phố lớn của Ấn Độ khi những biện pháp hạn chế khiến họ mất việc làm. Nhà chức trách Ấn Độ rất lo ngại sự di chuyển này, thậm chí một số quan chức ở bang Uttar Pradesh đã quyết định phun thuốc khử trùng trực tiếp vào người lao động về quê, một biện pháp được cho là phản cảm và không hiệu quả để kiểm soát nguồn lây nhiễm.

Khoảng một tuần sau khi phong tỏa, có hai người đã chết vì coronavirus tại khu ổ chuột chen chúc của Mumbai.

Một máy bay không người lái được cảnh sát sử dụng để theo dõi sự đi lại của người dân và tuyên truyền nhận thức về dịch bệnh ở Chennai ngày 4/4 - Ảnh: CNN
Một máy bay không người lái được cảnh sát sử dụng để theo dõi sự đi lại của người dân và tuyên truyền nhận thức về dịch bệnh ở Chennai ngày 4/4 - Ảnh: CNN

Thực hiện nhiều biện pháp khác

Ngày 11/3, Ấn Độ ngừng cấp thị thực du lịch và toàn bộ những người nhập cảnh từng đi đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng của COVID-19 trong vòng vài tuần sẽ được cách ly 14 ngày. Từ ngày 22/3, tất cả các chuyến bay thương mại quốc tế bị cấm hạ cánh ở Ấn Độ và tất cả các dịch vụ tàu hỏa chở khách trong nước đều bị đình chỉ.

Bộ Y tế Ấn Độ đã tiến hành xét nghiệm virus cho hơn 625.000 người, nhiều hơn con số xét nghiệm “được đánh giá cao” ở Hàn Quốc. Bộ cho biết, khoảng 4% các xét nghiệm của Ấn Độ là dương tính với virus, thấp hơn mức chuẩn đối chiếu. Tỷ lệ này ở Mỹ là 17%, Anh là 21%.

Một con số đáng chú ý là tỷ lệ tử vong của bệnh dịch. Tại Ấn Độ, con số tử vong khoảng 3%, trong khi ở Ý là 13% và Anh, Pháp, con số này đều rất cao. Nhưng tỷ lệ xét nghiệm của Ấn Độ cực kỳ thấp trên đầu người, chỉ là 48/100.000 người, so với Hàn Quốc 1.175/100.000 và Mỹ 1.740/100.000 người.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI