Dừng tài trợ cho WHO - một quyết định “nguy hiểm” của Mỹ

17/04/2020 - 09:11

PNO - Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 15/4 đã bày tỏ sự thất vọng với việc Mỹ quyết định dừng tài trợ cho tổ chức này...

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 15/4 đã bày tỏ sự thất vọng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định dừng tài trợ cho tổ chức này do lo ngại có sự thiên vị đối với Bắc Kinh trong cách xử lý đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) một ngày sau khi ông Trump tuyên bố dừng tài trợ cho cơ quan y tế thuộc Liên hiệp quốc.

WHO với sứ mạng bị thách thức 

“Khi chúng ta chia rẽ, vi-rút khai thác những rạn nứt giữa chúng ta” - ông Tedros nói, sau khi khai mạc cuộc họp báo với phần trình bày nguyên tắc của WHO “coi sức khỏe cộng đồng như một quyền cơ bản mà không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: SCMP
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: SCMP

Sau quyết định của Mỹ, ông Tedros chưa thể nói chính xác mức độ thiếu hụt tài chính do việc dừng tài trợ này gây ra. Người đứng đầu WHO nói, tổ chức này sẽ làm việc với các đối tác “để lấp đầy bất kỳ khoảng trống tài chính nào mà chúng tôi gặp phải và để đảm bảo công việc của chúng tôi không bị gián đoạn”. Ông Tedros cũng tái khẳng định cam kết của WHO “phục vụ tất cả mọi người trên thế giới mà không hề sợ hãi hay thiên vị”. 

Tổng giám đốc WHO thừa nhận “sẽ có những bài học để tất cả chúng ta học tập”, và rằng cả các thành viên WHO lẫn những tổ chức giám sát độc lập sẽ xem xét cách WHO xử lý đại dịch COVID-19 “vào lúc thích hợp”. Còn bây giờ, theo quan chức này, trọng tâm của WHO cũng như của cá nhân ông là “ngăn chặn vi-rút và bảo toàn sinh mạng”.

Với vai trò là nước tài trợ nhiều nhất cho WHO, Mỹ đã đóng góp hơn 400 triệu USD cho tổ chức này trong năm 2019, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Việc dừng tài trợ dự kiến sẽ kéo dài trong 60-90 ngày.

Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết

Phản ứng với quyết định của Mỹ, Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres hôm 14/4 khẳng định, đây không phải là lúc để dừng tài trợ cho WHO trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đại diện Trung Quốc - quốc gia mà Tổng thống Trump cáo buộc được WHO thiên vị - hôm 15/4 nói rằng, quyết định của Mỹ “sẽ làm suy yếu năng lực của WHO và ảnh hưởng đến sự hợp tác quốc tế”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh “luôn ủng hộ WHO đóng vai trò quan trọng về y tế công cộng và ứng phó dịch bệnh trên toàn cầu”, theo hãng tin Bloomberg.

Giới chuyên gia y tế công cộng ở Mỹ và các quan chức ở một số nước khác cũng đã nhanh chóng lên án động thái này của Tổng thống Mỹ, cho rằng nó gây nguy hiểm cho an ninh y tế của Mỹ và gây bất lợi cho cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra, khi hiện thời chưa có vắc-xin phòng ngừa.

“Chiến đấu với một đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Khi SARS-CoV-2 được phép luân chuyển trong các cộng đồng người ở bất cứ đâu, nó đe dọa an ninh y tế ở khắp mọi nơi” - ông Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (một tổ chức phi lợi nhuận ở New York), nói.

Ông Bollyky và các chuyên gia khác đã chỉ ra tầm quan trọng của WHO như một nền tảng trung tâm để theo dõi và chia sẻ dữ liệu về COVID-19 và sự lây lan của dịch bệnh này. Họ cũng cho biết, đây là một nguồn then chốt cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật, sự hỗ trợ và tiếp tế các nước ít phát triển hơn, giúp họ kiểm soát căn bệnh hô hấp “sát thủ” vốn đã lây nhiễm hơn 2 triệu người trên toàn thế giới.
Bà Olga Jonas - thành viên cao cấp tại Viện Sức khỏe toàn cầu Harvard và là cựu cố vấn kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) - nhận định, việc làm suy yếu khả năng của WHO trong nỗ lực cung cấp sự hỗ trợ đó có thể ảnh hưởng không chỉ sức khỏe toàn cầu, mà cả kế hoạch của Mỹ mở cửa lại nền kinh tế của nước này. 

Tỷ phú công nghệ Mỹ Bill Gates cũng đánh giá quyết định của Mỹ dừng tài trợ cho WHO là “nguy hiểm”, theo South China Morning Post. “Nỗ lực của WHO đang làm chậm sự lây lan của COVID-19 và nếu công việc đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế họ. Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết” - ông viết trên Twitter. Quỹ Bill & Melinda Gates do ông Gates sáng lập là một trong những tổ chức từ thiện y tế đang hợp tác với Ủy ban châu Âu để tổ chức một hội nghị nhằm tìm kiếm tài trợ cho việc bào chế vắc-xin ngừa COVID-19 vào ngày 4/5 tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen - cam kết sẽ tiếp tục làm việc với WHO bất chấp quyết định của Mỹ. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI