Mỹ: Đeo khẩu trang có thể trở thành văn hoá bình thường khi nới lỏng cách ly

16/04/2020 - 18:22

PNO - "Khi cuộc sống trở lại bình thường, thì việc đeo khẩu trang cũng phải được xem là một điều bình thường mới mẻ”, ông Ned Lamont - Thống đốc bang Connecticut nói.

Vào lúc con số tử vong vì COVID-19 đã tiệm cận mức 31.000 ca vào hôm nay 16/4, người ta bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống hậu virus, trong đó có việc đeo khẩu trang phải trở thành điều “bình thường”, chứ không còn bị kỳ thị như trước.

Một người giao thực phẩm bằng đạp xe trên một con đường vắng do cách ly xã hội tại Beverly Hills, California, Hoa Kỳ, ngày 15/4. Ảnh: Reuters
Một người giao thực phẩm bằng xe đạp trên một con đường vắng do cách ly xã hội tại Beverly Hills, California, Hoa Kỳ, ngày 15/4 - Ảnh: Reuters

Thống đốc các tiểu bang Connecticut, Maryland, New York và Pennsylvania đã ban hành lệnh hoặc khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang khi họ được phép ra ngoài. Lệnh cách ly xã hội dự kiến sẽ nới dần trong vài tuần tới.

“Nếu chuẩn bị xuất hiện ở nơi công cộng và không thể duy trì điều kiện giãn cách xã hội, thì bạn hãy đeo khẩu trang”, ông Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York nói.

Các lệnh tương tự cũng đã được ban bố tại New Jersey và Los Angeles hồi tuần trước. Lần lượt, bà Laura Kelly - Thống đốc bang Kansas - đưa ra khuyến nghị về khẩu trang vào thứ Ba 14/4.

Chưa đưa ra thời điểm cụ thể, nhưng ông Gavin Newsom - Thống đốc California - cũng lên tiếng, cho biết sắp tới có thể tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ sẽ phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

“Khi cuộc sống trở lại bình thường, thì việc đeo khẩu trang cũng phải được xem là một điều bình thường mới mẻ”, ông Ned Lamont - Thống đốc bang Connecticut - lặp lại cụm từ “điều bình thường mới mẻ” vốn trước đó đã được sử dụng bởi ít nhất hai trong số các thống đốc khác khi nói về khẩu trang những ngày gần đây.

Theo thống kê của Reuters, trong số 30.885 người đã chết vì COVID-19 ở Mỹ, có hơn 4.000 trường hợp tử vong mới ở thành phố New York sau khi giới chức y tế thay đổi cách đếm.

Nhân viên y tế đang phải đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe trong khi làm việc tại “tuyến đầu” đại dịch. Reuters xác định được hơn 50 điều dưỡng, bác sĩ và kỹ thuật viên y tế đã chết sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 hoặc có các triệu chứng tương tự của virus. Ít nhất 16 trường hợp trong số này xảy ra ở bang New York.

Khi tốc độ lây lan có dấu hiệu chậm lại, các nhà chính trị bắt đầu tranh cãi về cách thức và thời điểm tháo gỡ những biện pháp cách ly, phong toả chưa từng có trước đây và được cho là đã gây thiệt hại cho nền kinh tế khi phần lớn người Mỹ bị “giam giữ” trong nhà.

Tổng thống Donald Trump đã trích dẫn con số thống kê cho thấy đỉnh dịch có lẽ đã qua và cho biết ông sẽ công bố các hướng dẫn vào hôm nay 16/4 để quyết định có thể mở cửa lại kinh tế. Việc phong toả đã “càn quét” các doanh nghiệp, khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, chủ các cửa tiệm phải vật lộn gánh tiền thuê nhà.

Dữ liệu chính phủ vừa công bố cho thấy doanh số bán lẻ giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này được theo dõi từ năm 1992. Được biết, chi tiêu dùng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, sản lượng tại các nhà máy đã giảm mạnh kỷ lục kể từ năm 1946 do chuỗi cung ứng bị phá vỡ trong đại dịch. “Nền kinh tế gần như rơi tự do”, ông Sung Won Sohn - Giáo sư kinh tế Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles - nhận định.

Hoa Kỳ, với dân số lớn thứ ba thế giới, hiện đã phải hứng chịu số tử vong cao nhất vì virus corona chủng mới, trên cả Ý và Tây Ban Nha. Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua mốc 2 triệu người với hơn 136.000 người chết.

Quốc Ngọc (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI