Đừng để những đứa trẻ bất hạnh ngày một đông thêm

26/03/2022 - 05:34

PNO - Tại sao hôn nhân là của cha mẹ mà kẻ nhận lãnh hậu quả lại là những đứa con?

“Đêm qua, hai cháu ngoại tâm sự, buồn không muốn đến trường vì các bạn cứ vào điện thoại xem rồi xì xầm. Tôi muốn hỏi những người đàn ông, có ai đã tự rút ra những bài học cho chính mình để bảo vệ quyền hưởng hạnh phúc của những đứa trẻ?” - một người mẹ, người bà từng trải đã viết vậy khi mạng xã hội đang rầm rộ chia sẻ, bình luận câu chuyện liên quan đến thành viên gia đình bà.

Trong mọi chuyện xảy ra ở thế giới hôn nhân của người lớn, nạn nhân luôn là những đứa con.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình hạnh phúc sẽ thành những đứa trẻ hạnh phúc. Thế nhưng, ngay cả khi hôn nhân của cha mẹ chúng đổ vỡ, nếu cha mẹ văn minh, những đứa trẻ vẫn có thể hạnh phúc, vẫn có thể mỉm cười. Có hàng vạn đứa trẻ vẫn hạnh phúc sống với người mẹ đơn thân.

Những đứa trẻ chỉ trở nên bất hạnh khi cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng bất hạnh, khi người cha bạo hành mẹ chúng, khi người mẹ sống trong ngập tràn đau khổ mà không ly hôn, dùng chúng như cái cớ để không ly hôn.

Bất hạnh hơn cả là những đứa trẻ phải trở thành nạn nhân của miệng lưỡi người đời về người cha ngoại tình bị quăng ảnh lên mạng, về người mẹ đi đánh ghen bị quay clip phát tán.

Ai cũng nói “Chuyện người lớn đâu liên quan gì đến trẻ con!” mà quên rằng bọn trẻ cũng có tai, có mắt, có trái tim biết vụn vỡ, xấu hổ và đau khổ. Không có ai bảo vệ những đứa trẻ như thế.

Mẹ, người phụ nữ đang đau khổ kia, liệu còn tâm trí nào để bảo vệ con khi chính mình cũng đang tổn thương. Cha, người đàn ông vốn được coi là người bảo vệ gia đình, khi đó ở đâu? Tại sao hôn nhân là của cha mẹ mà kẻ nhận lãnh hậu quả lại là những đứa con?

Ngay cả những bức xúc của xã hội dành cho người chồng tệ bạc cũng vậy, dù nhắm vào người đàn ông nhưng bán kính sát thương vẫn quét đến những đứa con bởi chúng là con của người đàn ông đó.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều đứa trẻ trở thành nạn nhân như thế - nạn nhân gián tiếp nhưng tổn thương trực tiếp - khi trên mạng, có những người bình luận rằng “chỉ thương những đứa con” nhưng vẫn góp phần vào cơn lũ chia sẻ chuyện nhà người. Mỗi lượt chia sẻ là một hạt mưa tạo ra cơn lũ.

Từ bao giờ chuyện nhà người thành chuyện để mình “hóng drama”, bàn luận, thể hiện? Bao người hiếu kỳ với từng bình luận, lục lọi tìm cho được trang cá nhân của những người liên quan.

Cứ như thể trên mạng luôn có cả triệu người không làm gì ngoài… hóng chuyện bóc phốt. Nên chẳng trách, những đứa trẻ bất hạnh cứ ngày một đông thêm dù cuộc sống ngày càng văn minh, ta vẫn ra rả kêu gọi bảo vệ những đứa trẻ trên mạng.

Tôi đâu có quyền gì để trách những người rảnh rỗi nhân danh đạo đức xã hội để đăng bài lên án những kẻ thứ ba, những ai ngoại tình. Chỉ là tôi không biết làm sao để ngăn ảnh hưởng tiêu cực đến những đứa trẻ chỉ vì cha chúng có lỗi với mẹ chúng.

Giá mà những người đàn ông biết nghĩ đến con mình trước khi làm điều gì đó xấu xí. Giá mà phụ nữ quyết định buông tay sớm người đàn ông không còn thuộc về gia đình, không còn mang lại hạnh phúc cho con cái của họ.

Giá mà chúng ta nhìn lũ trẻ mà sống, nhìn lũ trẻ mỗi khi quyết định nhấp chuột để chia sẻ hay đăng một dòng bình luận. Giá mà… 

Lũ trẻ xứng đáng được hưởng hạnh phúc, bởi chúng không phải là những đứa trẻ vô ý sinh ra mà chào đời bằng thiết tha của cha mẹ, bằng sự mong đợi và bằng biết bao yêu thương. Cách chúng ta đối xử với cuộc hôn nhân của mình là cách chúng ta lựa chọn đối xử với chính con cái chúng ta. Dừng lại một chút được không? Nhìn con mà sống được không?

Mỗi câu chuyện đau thương ngoài kia có bao giờ trở thành bài học lớn cho mỗi người thay vì coi đó như chuyện để buôn kiếm lượt thích, kiếm lượt chia sẻ… hay chỉ đơn giản là rảnh quá, cần buôn chuyện để không… lạc hậu? 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI