Diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?: Không tôn trọng nhau, mong gì hạnh phúc

14/06/2021 - 10:30

PNO - Có ngưỡng mộ, cảm phục mới yêu, có tôn trọng mới giữ được gia đình hạnh phúc. Khi đã coi thường nhau rồi, người ta sẽ sống bất chấp.

Bạn tôi, ở tuổi 50 vẫn lục tục ly hôn chồng. Chị bảo không thể tiếp tục chung nhà với người mà chị không còn chút tôn trọng.

Người ấy chị từng yêu tha thiết, trải qua bao nghịch cảnh mới đến được với nhau, không ngờ tới lúc chị chán ngán, chỉ muốn ly hôn càng nhanh càng tốt.

Người ngoài nhìn vào thấy anh rất ổn, họ trách chị độ tuổi này còn khuấy đảo gia đình làm gì? Họ đâu biết chị đã phải cay đắng như thế nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị kể, thu nhập của một công chức như anh không đủ cho nhu cầu sinh hoạt tăng theo đà lớn lên của con cái. Bao lần chị gợi ý xoay xở thêm để cải thiện thu nhập, anh đều gạt phắt. Bạn bè giới thiệu việc khác tốt hơn, anh bảo không quen môi trường cạnh tranh của "bọn tư bản".

Bàn với anh gom tiền mua chiếc xe hay căn hộ nhỏ cho thuê, anh bảo đồ cho thuê mau xuống cấp, tiền cho thuê chẳng đủ bù sửa chữa.

Thế nhưng khi chị tập tành bán hàng online, nhờ người nhà ở nước ngoài gửi đồ về bán để kiếm thêm thu nhập, anh lại bực bội, nói chị làm xấu mặt anh. Anh không cần biết tiền chợ, tiền điện nước, tiền học thêm của hai đứa con đều từ công việc "xấu mặt" ấy mà ra.

Cơ quan đề xuất cho chị đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, chuẩn bị đề bạt lên chức vụ cao hơn thì anh phản đối, bảo phụ nữ làm sếp về coi chồng không ra gì, ngày tám tiếng đi về cho lành. 

Nếu chỉ thế, chị đã không đến nỗi xem thường chồng. Anh đã không giỏi kiếm tiền, tính thô lỗ gia trưởng, lại tòm tem với gái cơ quan đến mức bị kiểm điểm suýt mất việc. Vậy nhưng, nếu chị nói chuyện phải quấy, anh vẫn gầm gừ nạt nộ lấn át chị.  

Có chút hình thức sạch sẽ, anh luôn tự vỗ ngực mình “ngon”, liên tục dan díu em này em khác, đi sớm về muộn, nói dối con cái.

Từ câu chuyện gia đình chị, tôi nghĩ, có ngưỡng mộ, cảm phục mới yêu, có tôn trọng mới giữ được gia đình hạnh phúc. Khi đã coi thường nhau rồi, người ta sẽ sống bất chấp.

Ai đó bảo hôn nhân hạnh phúc nhờ vật chất. Thật ư? Những cặp đôi giàu có nhất nhì thế giới như vợ chồng tỷ phú công ty Amazon hay nhà Bill Gates sống với nhau bao năm vẫn ly dị đấy thôi! Tiền đóng vai trò quan trọng trong đời sống hôn nhân, nhưng không phải gia đình nào nghèo cũng bất hạnh hoặc cặp đôi nào giàu có sẽ mặc định là hạnh phúc.

Hôn nhân bền vững nhờ tình yêu ư? Có ai dám chắc tình yêu sẽ không phai nhạt theo năm tháng khi vạn vật đều thay đổi theo thời gian, những điều khiến người ta yêu nhau cũng chẳng còn được như thuở ban đầu: tuổi trẻ, nhan sắc, sự đam mê, cuồng nhiệt?

Bao cặp từng yêu đến nỗi tưởng có thể sống chết vì nhau rốt cục vẫn "anh đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi".

Sau tất cả, điều gì giữ được hạnh phúc gia đình, nếu không phải sự tôn trọng, ở mức cao hơn nữa là sự ngưỡng mộ?

Sự tôn trọng dành cho nhau một cách tự nhiên chứ không phải ép buộc, được hình thành theo năm tháng từ cách ứng xử với gia đình nội ngoại, với bạn bè, đồng nghiệp, cách họ phấn đấu trong sự nghiệp. Sự tôn trọng sẽ quyết định cách họ bày tỏ tình yêu thương, cách dạy dỗ con cái và cả cách họ thể hiện sự tự trọng và thái độ trách nhiệm trước những thử thách, khó khăn.

Tình yêu có thể phai nhạt, tiền bạc có lúc thiếu hụt, công danh lúc lao đao... nhưng nếu vợ chồng vẫn tôn trọng nhau, đôi bên sẽ biết cách vá lành, vun đắp mái ấm gia đình.

Hoài Anh

(Q.7, TPHCM)

 

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.

 

Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI