Diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?: Không cần đủ tiêu chí vẫn hạnh phúc

25/06/2021 - 10:52

PNO - Thật khó định nghĩa như thế nào là hạnh phúc, bởi hiếm ai đủ các tiêu chí. Tôi nghĩ, nếu các thành viên hài lòng, đó là hạnh phúc.

Trong những ngày gần đây, khi đại dịch COVID-19 bao trùm TPHCM, nỗi bất an  đè nặng mỗi người. Tôi cũng vậy. Thế nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vì cả gia đình được bên nhau.

Tôi đơn thân nuôi hai con trai nhỏ. Người khác nhìn thấy tôi sẽ không khỏi ái ngại, thế nhưng họ không biết rằng tôi đang hạnh phúc.

Hạnh phúc vì ba mẹ con tôi được ở bên nhau. Những lúc dịch bệnh phức tạp thế này, hai con tôi được chơi với nhau, ngủ cùng nhau, thức cùng nhau, đùa giỡn với nhau. Là một người mẹ, tôi trân trọng từng giây phút như vậy.

“Hạnh phúc là thiếu vắng sự khổ đau” một tác giả đã định nghĩa như vậy. Và với tôi điều này đúng hơn so với rất nhiều định nghĩa, tiêu chí về hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc đơn giản là khi các con đã ngủ say, vẫn ở bên cạnh tôi, có thể ôm chúng, hôn chúng và nấu ăn cho chúng mỗi ngày. Với tôi, đó một gia đình hạnh phúc.

Mưu cầu hạnh phúc - một bộ phim thật sống động về việc nỗ lực có thể mang lại hạnh phúc. Dù gia đình ấy có thể nghèo khó hoặc đơn thân.
Mưu cầu hạnh phúc - một bộ phim thật sống động về việc nỗ lực có thể mang lại hạnh phúc. Dù gia đình ấy có thể nghèo khó hoặc đơn thân.

Trong dự thảo bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc đang lấy ý kiến rộng rãi, tôi thấy tiêu chí “Gia đình được sum vầy, đoàn tụ; và các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau” là phù hợp hơn cả. Ngày luật sư thông báo toà chính thức giao hai con cho tôi nuôi dưỡng, với tôi, đó là ngày hạnh phúc nhất, ác mộng ai đó giành con không còn ám ảnh tôi.

Tận hưởng cuộc sống thiên nhiên giúp con trai chị vui vẻ và khoẻ mạnh. Ảnh minh hoạ
Tận hưởng cuộc sống thiên nhiên giúp con trai chị vui vẻ và khoẻ mạnh. Ảnh minh hoạ

Khác với nhà tôi, nhà chị Mai (Bến Tre) thì niềm hạnh phúc lại đơn giản hơn khi cả gia đình chị rời thành phố về quê sinh sống. Chị Mai có mẹ già, con trai chị bị hen suyễn. Thời tiết và không khí tại đô thị không được tốt nên cuộc sống ở thành phố khiến ai cũng phiền muộn. Thế rồi chị bàn với anh việc về quê.

Chồng chị phản đối kịch liệt. Vì theo anh, thành phố vẫn tốt hơn là ở quê khi điều kiện về y tế để điều trị cho con không thể nào bằng. Chưa kể khi con lớn, việc học hành sẽ ra sao, đến lúc đại học lại khăn gói lên thành phố trọ học như anh chị ngày xưa thì coi như làm lại từ đầu. Nhưng vấn đề quan trọng nhất mà anh không nói là: anh ở rể.

Khuyên anh hoài không được, chị cũng bắt đầu tính cách. Chị xin anh cho 2 mẹ con về quê chơi vài ngày, rồi lại lên. Sau đó là một tuần, vài tuần. Thấy con mỗi lần lên thành phố lại bắt đầu lên cơn hen, khác xa với hình ảnh vui tươi chơi trên ruộng đồng mà chị gửi anh. Anh dần có suy nghĩ khác, liệu có phải là vợ anh đã đúng?

Dịch COVID-19 ập đến, công việc của anh không còn tốt như trước. Anh bắt đầu suy tính “về quê thì làm gì để có thu nhập?” thay vì tuyệt đối không đồng ý như trước. Ở quê, nhà chị cũng có mẫu đất ruộng với căn nhà cấp bốn. Ở thành phố lại chồn chân bức bối, hết giãn cách anh thu dọn với chị cùng về. Với điều kiện chị hứa nếu anh không thấy phù hợp, chị sẽ theo anh về lại thành phố.

Nhưng rồi chính anh đã thay đổi mình và bắt đầu với lối sống của một người nông dân. Anh cũng nhận ra được nhiều cái lợi khi về quê sinh sống.

Đầu tiên là con anh khoẻ và vui hơn. Thấy chân mày của vợ không còn chau nhiều như trước, nhất là mỗi đợt con lên cơn hen, anh cũng bắt đầu thấy vui và hiểu được vợ đã có sự chọn lựa tốt. Dù thu nhập không tốt như trước, nhưng ăn uống cũng đơn giản, nhà trồng gì, nuôi gì thì ăn đó. Con anh cũng không còn phụ thuộc vào thuốc nhiều như trước nữa nên cũng không cần quá nhiều chi phí. Người vui nhất lại là bà ngoại. Bà sống một mình nuôi chị lớn lên. Nay lại có cả con gái, con rể và cháu ngoại nên bà vui hẳn, ai cũng khen bà trẻ ra nhiều tuổi.

Tôi nghĩ hạnh phúc là do cảm nhận của mỗi người, các tiêu chí chỉ mang tính tương đối. Với tôi hay chị Mai có lẽ cũng không đủ hết tất cả các tiêu chí về một gia đình hạnh phúc. Nhưng mỗi thành viên trong gia đình đều thấy hài lòng, vui vẻ với cuộc sống gia đình hiện tại, thì với họ đã đủ để làm nên một gia đình hạnh phúc.

Và hơn bao giờ hết như lúc này, mỗi gia đình là một pháo đài, và mỗi thành viên trong nhà đều được bảo vệ bằng tình yêu thương.

Kim Ngọc

(Q.8, TP.HCM)

 

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online, gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn theo quy định.

 

Mời góp ý cho dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI