Dịch COVID-19 khiến 25 triệu trẻ em trên thế giới bỏ lỡ tiêm chủng nhiều bệnh quan trọng

15/07/2022 - 14:01

PNO - Năm 2021, khoảng 25 triệu trẻ em trên khắp thế giới đã bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ để bảo vệ chống lại các bệnh đe dọa tính mạng.

 

 

Y tá tại trung tâm y tế địa phương ở Manila, Philippinesđeo thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) tiêm vắc xin định kỳ cho một em bé
Y tá tại trung tâm y tế địa phương ở Manila, Philippines đeo thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) tiêm vắc xin định kỳ cho một em bé

Theo số liệu mới công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, con số này nhiều hơn 2 triệu so với năm 2020, khi COVID-19 gây ra các vụ phong tỏa trên khắp thế giới, và hơn 6 triệu so với trước đại dịch (năm 2019).

UNICEF cho rằng, việc tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm là cú trượt lớn nhất kéo dài trong việc tiêm chủng ở trẻ em trong một thế hệ. Điều này khiến tỷ lệ bao phủ vắc xin tụt xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu những năm 2000.

Nhiều người hy vọng năm 2021 tình hình sẽ khả quan hơn, nhưng thực tế mọi thứ lại thực sự trở nên vô cùng tồi tệ. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc phải làm sao để nỗ lực trong công tác tiêm chủng.

Chuyên gia tiêm chủng cao cấp của UNICEF, Niklas Danielsson nói với Reuters: “Tình trạng khẩn cấp này là một cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em”.

Việc tập trung tiêm chủng COVID-19 vào năm 2021 cũng như sự suy thoái kinh tế và căng thẳng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã làm cản trở các trường hợp tiêm chủng thông thường.

Ở mọi khu vực, mức độ bao phủ tiêm chủng đều giảm, được ước tính bằng cách sử dụng dữ liệu về việc tiêm 3 liều vắc xin chống bệnh bạch cầu, uốn ván và ho gà (DTP3). Dữ liệu bao gồm cả trẻ được tiêm và những trẻ bỏ lỡ bất kỳ liều nào trong 3 liều cần thiết để bảo vệ toàn diện. Tỷ lệ bao phủ vắc xin trên toàn cầu đã giảm 5% (xuống còn 81%) vào năm 2021.

Dữ liệu cho thấy, từ năm 2019 đến năm 2021, tỷ lệ trẻ không tiêm chủng đã tăng 37%, (từ 13 lên 18 triệu trẻ), chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Để ngăn ngừa một số dịch bệnh bùng phát, hơn 90% trẻ em cần được tiêm chủng. Trong những tháng gần đây, số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin gia tăng (bao gồm số ca mắc bệnh sởi ở châu Phi gia tăng 400% vào nửa đầu năm 2022).

Năm 2021, có đến 24,7 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều vắc xin sởi đầu tiên và 14,7 triệu trẻ khác không được tiêm liều thứ hai. Hiện tại, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi là 81%, đây là con số thấp nhất kể từ năm 2008 (dữ liệu được lấy từ các hệ thống y tế quốc gia ở 177 quốc gia).

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI