Tiêm chủng chậm trễ khiến các quốc gia có thể mất một thập niên phát triển

11/03/2022 - 06:53

PNO - Mới đây, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC) đã tổ chức một cuộc thảo luận về việc đảm bảo tiếp cận công bằng, giá cả phải chăng, kịp thời và phổ cập vắc xin COVID-19 cho tất cả các quốc gia trên toàn cầu.

Bà Michelle Bachelet, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), cho biết thế giới đã bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế đang đứng trước ngã ba đường và cần phải "lựa chọn con đường đúng đắn".

"Thế giới thật may mắn khi có vắc xin COVID-19 hiệu quả được phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Khoa học đã cứu sống hàng triệu người và sinh kế nhưng chúng ta đã thất bại trong việc quản lý vắc xin một cách công bằng và bình đẳng" - bà nói.

Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao đang loại bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19.
Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao đang loại bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19

Bà Bachelet nhấn mạnh ở một số quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao đang phổ biến vài thông tin sai lệch cho rằng đại dịch đã kết thúc và bắt đầu có sự chủ quan. Trong khi tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều quốc gia tiếp tục tạo điều kiện lý tưởng cho các biến thể mới xuất hiện.

Cao ủy nhân quyền LHQ nói thêm "việc tiêm chủng chậm trễ có thể đồng nghĩa với việc các quốc gia mất một thập niên để phát triển... Các quốc gia sẽ có khả năng kém trong việc chống chọi với các cuộc khủng hoảng và cú sốc mới. Và sự bất bình trước hậu quả nhân quyền của các biện pháp liên quan đến đại dịch có khả năng làm leo thang căng thẳng xã hội và bạo lực, đang phát triển trên khắp thế giới".

Đồng quan điểm, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc thảo luận của ban hội thẩm rằng hơn 6 triệu người đã mất mạng vì COVID-19, những con số này phản ánh thực tế nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

"Trong khi gần 10 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng, việc phân phối của chúng đã nói lên một câu chuyện về sự bất bình đẳng: gần 70% số người tiêm chủng là ở các nước thu nhập cao, trong khi chưa đến 14% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận được mũi tiêm đầu tiên" – ông Tedros nói.

Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao đang mở cửa trở lại, trong khi những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng và xét nghiệm thấp đã bị bỏ lại phía sau, và kết quả là hơn 60.000 ca tử vong mỗi tuần cùng với nguy cơ xuất hiện các biến thể virus mới gia tăng.

Minh Hương (theo Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI