Để những ngày yêu dấu không tan theo

24/07/2015 - 06:45

PNO - PN - Những biểu hiện tình cảm ngọt ngào trong đời sống các gia đình trẻ ở đô thị đang ngày càng trở nên khan hiếm. Đã có những cặp vợ chồng thời nay ngồi nhớ lối đối đãi nhẹ nhàng và đôi khi hơi có chút điệu đàng, kiểu...

Sự khánh kiệt về xúc cảm thể hiện trước hết trong lời ăn tiếng nói. Bạn có bao giờ nhận thấy rằng, có những lúc đối thoại giữa các thành viên trong gia đình mình chỉ còn lại những mẩu thông tin khô khan, trần trụi, không cảm xúc? Xa hơn, bạn có nhận ra những đoạn đối thoại thiếu sắc thái tình cảm đó diễn ra thường xuyên; đôi khi là máy móc như một thứ trách nhiệm của kẻ truyền tin và nhận tin chứ không còn hàm chứa những thái độ, trạng thái tinh thần giữa những người có tình yêu thương?

Thủ phạm từ đâu? Đôi khi chúng ta là nạn nhân của đời sống. Tư duy của con người sống trong thời đại thông tin dễ khiến chúng ta trở nên lý tính và thực dụng thái quá; sẵn sàng gạt bỏ những thứ liên quan nằm sâu bên dưới những trao đổi hay câu chuyện, không bận tâm chăm chút cho sự ý nhị cần thiết mà chỉ chú trọng truyền đi những thông điệp lạnh lùng.

De nhung ngay yeu dau khong tan theo

Sự thiếu vắng xúc cảm trong ngôn từ đối thoại cũng xuất phát từ một đời sống công nghiệp nhanh, vội, ưu tiên tính tiện ích, kịp thời. Bọn trẻ bây giờ thường nói trắng ra điều chúng cần, thậm chí dễ dàng phản ứng dữ dội nếu không được đáp ứng. Và người lớn cũng không vừa, thay vì dành thời gian tìm kiếm những câu chuyện thú vị, gợi mở, thuyết phục, kích hoạt nhận thức của con cái thì lại quá dễ dàng hồi đáp - hoặc đáp ứng cho xong chuyện hoặc phản ứng một cách cộc lốc.

Không có độ lùi hay sự thử thách nào cho những đòi hỏi của con cái, không có chiều suy tư hàm ẩn sau các trao đổi giữa những người bạn đời với nhau. Thậm chí, trong một số trường hợp, đã có sự bao biện rằng, vợ chồng có thời gian để nói chuyện với nhau đã là tốt lắm rồi, đừng mong gì xa xôi hơn!

Cứ như thế, khó ngăn được “những ngày yêu dấu” rồi sẽ “tan theo”…

Có những thứ ngày hôm qua là giá trị, là nghệ thuật sống từng đem lại suối nguồn mật ngọt cho hôn nhân, thì ngày nay đã bị xem nhẹ hoặc đem ra giễu cợt. Nhìn những đôi uyên ương tóc bạc vẫn giữ thói quen gọi nhau là “mình ơi, mình à”, vẫn tặng hoa hay mời nhau nhảy đầm trong mấy dịp lễ lạc như ngày tình nhân, sinh nhật của nhau, nhiều người trẻ - có khi chính con cái họ - bĩu môi: “Sến chảy nước”. Nhưng, nhiều người quên rằng, những “nghi thức” của sự quan tâm đó lại là chất xúc tác giúp bảo tồn, cứu vãn sự lãng mạn, giúp người ta vượt qua biết bao thăng trầm trong đời sống hôn nhân. Ở đó không thuần túy là cho và nhận, mà là một nếp sống, nghệ thuật sống hướng đến giá trị giao cảm, khiến cuộc sống hôn nhân trở nên đồng điệu, hài hòa.

Cử chỉ kéo chăn khoác áo cho chồng, vợ lúc trái gió trở trời, tặng hoa trong sinh nhật cho người bạn đời, một cái khoác tay trong lúc đi dạo công viên hay hát tặng nhau một bản boléro gợi nhớ kỷ niệm ấm áp một thời… Tất cả, tưởng dễ nhưng nếu không thấy ý nghĩa đích thực của chúng, không thực hành thường xuyên thì có muốn cũng khó mà làm được.

Thế nên, những ai đã từng và đang có ý định cười cợt những đôi uyên ương cao niên “sao mà sến súa” đến vậy, có khi phải coi lại thực tại của mình và thử nhắm mắt hình dung xem mười, hai mươi, ba mươi năm sau, cuộc hôn nhân đang trên đà nguội lạnh của mình sẽ đi về đâu nếu không nghĩ một cách nghiêm túc về sến, thử sến và tập sến.

Trong một đời sống mà những biểu hiện được phát xuất từ tấm lòng, tình cảm trân trọng, nâng niu, ngọt ngào con người dành cho nhau lại đang có nguy cơ bị hiểu lệch đi, thì nguy cơ xơ hóa, dửng dưng hay thực dụng sẽ sớm hiện thực hóa và kéo theo đó sẽ là những hệ lụy khác khó lường.

Người ta sẽ làm sao xoay sở với những ngày xấu trời trong hôn nhân nếu thiếu những nụ hồng ấm áp của sự lãng mạn?

 NGUYỄN TƯỜNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI