Đầu tư cho y tế công cộng là hướng đi cần thiết

06/05/2021 - 05:22

PNO - Sau một năm đương đầu với đại dịch, có thể nhận thấy, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu, có sự đầu tư vào y tế công cộng tốt đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát lây nhiễm, chẳng hạn như Nga, Trung Quốc, Cuba, Mỹ…

Là quốc gia sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới, Ấn Độ vẫn thiếu hụt vắc-xin cho người dân do không nắm giữ bản quyền vắc-xin cùng những thành phần quan trọng trong quy trình sản xuất - Ảnh: Getty Images
Là quốc gia sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới, Ấn Độ vẫn thiếu hụt vắc-xin cho người dân do không nắm giữ bản quyền vắc-xin cùng những thành phần quan trọng trong quy trình sản xuất - Ảnh: Getty Images

Nhiều nước lệ thuộc nguồn vắc-xin 

Khi COVID-19 bắt đầu bùng nổ vào đầu năm 2020, các chuyên gia cho rằng, cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch là khả năng miễn dịch cộng đồng. Nhưng khi vắc-xin được phát triển và quy trình phân phối tăng lên thì nhiều bất cập xảy ra. Các quốc gia giàu có tích trữ vắc-xin đến dư thừa, còn những quốc gia đang phát triển, nghèo thì thiếu hụt vắc-xin, tạo điều kiện cho những biến chủng mới xuất hiện và lây lan ở tốc độ đáng sợ.

Adar Poonawalla - Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), tổ chức sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới - cho rằng dân số Ấn Độ rất lớn và việc sản xuất đủ liều cho tất cả không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và cũng không thể mở rộng sản xuất ngay lập tức. Ngay cả những quốc gia tiên tiến nhất cũng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo tiêm chủng cho dân số của mình.

Mỹ - quốc gia sở hữu cơ sở sản xuất cho ba loại vắc-xin COVID-19 hàng đầu là Pfizer, Moderna và AstraZeneca - cũng phải trải qua khoảng thời gian bùng phát đại dịch nguy hiểm, với hơn 32 triệu ca và hơn 570.000 ca tử vong. Hiện tại, dù tốc độ lây nhiễm đã giảm mạnh, các quan chức y tế Mỹ tiếp tục đau đầu vì tỷ lệ tiêm chủng đạt ngưỡng bão hòa, với khoảng 50% số người trưởng thành tiêm chủng ít nhất một liều vắc-xin. Kế hoạch miễn dịch cộng đồng dường như là bất khả thi khi số người dân từ chối tiêm vắc-xin quá đông do thiếu thông tin về y tế công cộng.

Tại châu Âu, cuộc tranh chấp giữa Liên minh châu Âu (EU) và nhà sản xuất vắc-xin AstraZeneca (có trụ sở tại Anh) cho thấy giữa đại dịch, việc phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp nằm ngoài biên giới quốc gia là một nhược điểm lớn. Cho đến nay, chỉ có hai cơ sở sản xuất dược ở EU và một nhà máy dự phòng ở Mỹ sản xuất thành phần vắc-xin AstraZeneca cho đơn hàng của EU. Hai nhà máy khác của AstraZeneca tại Anh không tham gia quá trình này. Kết quả, Anh hiện đã tiêm hơn 48 triệu liều vắc-xin cho dân, trong khi quốc gia có số người cần tiêm chủng nhiều nhất khối EU là Đức chỉ mới tiêm được gần 29 triệu liều.

Phát triển y tế công cộng là hướng đi đúng

Trọng tâm can thiệp của y tế công cộng là phòng bệnh thông qua việc theo dõi tình trạng và điều chỉnh hành động bảo vệ sức khỏe của người dân. Việc tự phát triển nền y tế công cộng cùng với việc nâng cao nhận thức trong dân chúng là chìa khóa quan trọng trong việc ứng phó đại dịch. 

Tự hào là một trong những quốc gia có mật độ bác sĩ cao nhất trên thế giới (8,2 người trên 1.000 dân, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), Cuba trở nên nổi bật như là một trong những quốc gia có khả năng chống lại đại dịch COVID-19 tốt nhất với chỉ 664 trường hợp tử vong và 108.000 trường hợp nhiễm bệnh. Không thể tiếp cận nguồn vắc-xin và nhiều loại dược phẩm từ nước ngoài do lệnh cấm vận của Mỹ, Cuba đã dành nhiều thập niên phát triển hệ thống y tế công cộng, tạo ra một liên minh vững chắc giữa hệ thống y tế, cơ sở sản xuất dược phẩm, các viện nghiên cứu và trường đại học để nhanh chóng phát triển năm loại vắc-xin COVID-19 cho riêng mình, hai trong số đó hiện đang được sử dụng và ba loại còn lại chuẩn bị kết thúc thử nghiệm giai đoạn III. 

Tương tự, khoảng 3,8 triệu người Nga đã nhận được cả hai liều vắc-xin Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya phát triển, tính đến ngày 31/3. Loại vắc-xin COVID-19 này được cho là có hiệu quả đến 91,6% trong việc phòng, chống các ca bệnh nặng và là quân bài chủ lực của Moscow trong chiến thuật ngoại giao vắc-xin, với các chuyến viện trợ tiếp cận khoảng 70 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo số liệu của hãng tin AFP, cho đến nay, gần 1,2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới nhưng chỉ 0,2% trong số đó được phân phối cho 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số toàn cầu. Sáng kiến phân phối vắc-xin công bằng COVAX đang suy yếu khi nguồn cung cấp vắc-xin cạn kiệt. Vì vậy, dễ nhận thấy là, qua đại dịch, việc phát triển hệ thống y tế công cộng và đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất dược phẩm là chiến lược của mỗi quốc gia, trước khi trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. 

Tấn Vĩ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI