Điều gì xảy ra nếu các nước giàu buông lơi trận chiến chống COVID-19?

04/05/2021 - 17:12

PNO - Các nhà lãnh đạo thế giới đã được cảnh báo rằng nếu họ không hành động “cực kỳ khẩn cấp”, đặc biệt là không cung cấp những gói cứu trợ cấp thiết cho các nước nghèo ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, làn sóng mới của đại dịch COVID-19 sẽ nhấn chìm và làm tê liệt dịch vụ y tế của nhiều nước trong vài tuần tới.

Kinh hoàng cảnh hỏa táng thi thể nạn nhân COVID-19 ở New Delhi, Ấn Độ -  Ảnh: Reuters
Kinh hoàng cảnh hỏa táng thi thể nạn nhân COVID-19 ở New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học và chuyên gia y tế thế giới khẳng định, chỉ có hàng tỷ đô la viện trợ và xuất khẩu ồ ạt vắc-xin cho các nước nghèo mới có thể ngăn chặn được một thảm họa đang diễn ra nhanh chóng trên khắp hành tinh.

Họ lo sợ rằng những cảnh tượng khủng khiếp đang diễn ra ở Ấn Độ - nơi nhiều bệnh nhân COVID-19 đang hấp hối trong hành lang bệnh viện, trên đường đi và trong ngôi nhà của họ, khi các bãi đậu xe được sử dụng làm “lò hỏa táng” - có thể sẽ lặp lại ở nhiều quốc gia kinh tế yếu kém khác. Số phận của người dân các nước nghèo tương phản hoàn toàn với tình trạng ở những quốc gia được tiêm chủng tốt như Anh và Mỹ, nơi các lệnh phong tỏa đang được dỡ bỏ.

Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson đã bị chỉ trích gay gắt về quyết định cắt viện trợ nước ngoài trong thời gian đại dịch gần đây của ông. Người ta khẳng định điều này chỉ làm trầm trọng thêm thảm họa đang bao trùm các nước thu nhập thấp và trung bình.

Theo phân tích của tờ Observer - một tờ báo trong nhóm truyền thông của The Guardian - tỷ lệ tử vong tăng vọt của Ấn Độ đang tạo ra một sự chuyển đổi kỷ lục về “gánh nặng tử vong” do COVID-19 trên toàn cầu sang phía các nước nghèo và thu nhập trung bình thấp. Đây có thể là khởi đầu của một sự thay đổi dài hạn theo hướng tập trung nhiều hơn những ca tử vong do đại dịch ở phía Nam, khi các quốc gia giàu có hơn bắt đầu chiến dịch tiêm chủng để thoát cơn khủng hoảng.

Tỷ lệ tử vong tăng vọt của Ấn Độ đang tạo ra một sự chuyển đổi kỷ lục “gánh nặng tử vong” do COVID-19 trên toàn cầu sang phía các nước nghèo và thu nhập trung bình thấp - Ảnh: Observer
Tỷ lệ tử vong tăng vọt của Ấn Độ đang tạo ra một sự chuyển đổi kỷ lục “gánh nặng tử vong” do COVID-19 trên toàn cầu sang phía các nước nghèo và thu nhập trung bình thấp - Ảnh: Observer

Gần 1/3 (30,7%) trường hợp tử vong do COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới hiện đang xảy ra ở các nước nghèo và thu nhập trung bình thấp - trong khi trước đó một tháng, họ chỉ chiếm 9,3% số ca tử vong toàn cầu.

Các nước khác có tỷ lệ tử vong cao hơn - như Kenya (tỷ lệ tử vong tăng 674% kể từ cuối tháng 1), Djibouti (550%) và Bangladesh (489%) - cũng góp phần quan trọng vào tình hình bi đát ở phía Nam toàn cầu.

Là người chủ trì cuộc họp G7 vào tháng tới, Thủ tướng Johnson hiện đang chịu áp lực rất lớn trong việc đảm bảo các gói cứu hộ, vắc-xin và thuốc men được gửi từ các quốc gia giàu có để ngăn chặn tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở các nước đang phát triển.

Hôm 1/5, Jeremy Farrar, giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo nguồn cung cấp vắc-xin được gửi đến các quốc gia dễ bị tổn thương như là một vấn đề cấp bách.

Ông nói: “Nếu chúng ta không ngăn chặn được sự lây truyền virus trên toàn cầu vào thời điểm sinh tử này, thế giới của chúng ta sẽ trở nên bất bình đẳng, phân mảnh và chịu nguy hiểm hơn nhiều, nó đúng vào thời điểm chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức chung của thế kỷ 21”.

Quan điểm này được cựu thủ tướng Anh Gordon Brown ủng hộ. Ông Brown nói với tờ Observer: "Chúng ta đứng trước nguy cơ có một thế giới bị chia cắt hoàn toàn, nơi một nửa được tiêm chủng và một nửa không được tiêm chủng - đây là sự sống và cái chết. Nếu chúng ta không hành động và không thực hiện khẩn cấp, dịch bệnh sẽ lây lan, nó sẽ đột biến, và sẽ quay trở lại các nước giàu, cũng như các nước nghèo trên toàn thế giới".

Những cảnh báo khẩn cấp như trên được đưa ra khi Nam Mỹ, nơi sinh sống của 5,5% dân số thế giới, đã ghi nhận 32% tổng số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo. Bộ trưởng Y tế Argentina - Carla Vizzotti - tuyên bố: “Những gì đang xảy ra (ở Nam Mỹ) thực sự là một thảm họa”.

“Chúng tôi chỉ đang cố gắng tồn tại”: Châu Phi đứng trước nhiều mối nguy nghiêm trọng từ làn sóng mới của COVID 19 - Ảnh: Guardian
“Chúng tôi chỉ đang cố gắng tồn tại”: Châu Phi đứng trước nhiều mối nguy nghiêm trọng từ làn sóng mới của COVID-19 - Ảnh: Guardian

Trong khi đó, các chuyên gia y tế ở châu Phi đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ sẽ sớm được nhân rộng ra khắp lục địa của họ. John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cảnh báo: “Chúng tôi không có đủ nhân viên y tế, chúng tôi cũng không có đủ oxy”. Đây là những quốc gia có thu nhập trung bình thấp có con số tử vong tăng mạnh nhất trong những tháng gần đây (tăng 400% - theo phân tích của Observer về con số trung bình trong bảy ngày).

Phó giáo sư Krutika Kuppalli, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Nam Carolina (Mỹ), cho biết số liệu ở một số quốc gia châu Phi có thể tồi tệ hơn những gì đang được báo cáo, do hệ thống giám sát y tế kém phát triển.

Tại Ấn Độ, một số chuyên gia đã cáo buộc nhà chức trách báo cáo thiếu nghiêm túc. Murad Banaji, một nhà toán học đã lập mô hình rộng rãi về đại dịch COVID-19 của Ấn Độ, cho biết số người chết của Ấn Độ có thể cao hơn ít nhất 3 lần so với số liệu chính thức.

Các nước giàu được kêu gọi cung cấp nhiều hơn vắc-xin và các thiết bị y tế cho các nước nghèo - Ảnh: AP
Các nước giàu được kêu gọi cung cấp nhiều hơn vắc-xin và các thiết bị y tế cho các nước nghèo - Ảnh: AP

David Nabarro, giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Imperial College London (Anh) và là phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19, nhấn mạnh về mức độ của cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng gia tăng. Ông nói với tờ Observer rằng người dân ở nhiều quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do COVID-19 gây ra, bao gồm Nepal và Bangladesh cũng như Ấn Độ, các quốc gia ở Đông Á bao gồm Indonesia và Papua New Guinea, cũng như các quốc gia ở các khu vực khác bao gồm Mỹ Latinh, Caribe và Trung Đông.

Ông lập luận, “thực sự không hài lòng khi hàng tỷ liều vắc-xin được cung cấp để tiêm chủng cho người dân các nước giàu. Sự lệch pha trong phân phối này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những sinh mạng đang gặp nguy hiểm ở những nơi không có vắc-xin”.

Các chuyên gia y tế toàn cầu cũng công kích chính phủ Anh vì đã cắt giảm đáng kể viện trợ nước ngoài đúng vào thời điểm chưa bao giờ họ “cần đến mức tuyệt vọng như thế”.

“Điều này có nghĩa là chúng ta đang đi ngược lại tất cả những tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm đối với những căn bệnh của đói nghèo, chẳng hạn như bệnh sốt rét”, giáo sư Trudie Lang, Đại học Oxford tuyên bố.

“Việc cắt giảm viện trợ nước ngoài của Anh đang gây nhiều khó khăn, các chương trình khoa học cực kỳ quan trọng đã bị hủy bỏ và năng lực nghiên cứu quan trọng này sẽ rất khó phục hồi hay được xây dựng lại”, ông nhấn mạnh.

Nam tước Liz Sugg - chính trị gia đã từ chức bộ trưởng sau khi chính phủ Anh công bố việc cắt giảm viện trợ nước ngoài - chia sẻ: “Với việc virus đang gia tăng ở một số khu vực nghèo nhất trên thế giới, đây là thời điểm tồi tệ nhất để nước Anh cắt giảm viện trợ cho các nước dễ bị tổn thương nhất. Rõ ràng việc này sẽ khiến các quốc gia (nghèo) khó ứng phó với làn sóng mới của đại dịch COVID-19, khi chúng ta chứng kiến ​​việc đóng cửa các trung tâm y tế và hủy bỏ các chương trình nước sạch”.

Cẩm Hà (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI