Dân mong sớm nhận được tiền từ gói hỗ trợ hơn 880 tỷ đồng

08/07/2021 - 06:20

PNO - Sau khi TP.HCM công bố gói hỗ trợ lần hai với người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều người dân muốn biết mình có nằm trong số được hỗ trợ hay không.

Ngày 5/7, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo, công bố việc triển khai gói hỗ trợ lần hai đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng trị giá 886 tỷ đồng. 

Nhiều người sốt ruột hỏi chính quyền

Sau khi UBND TP.HCM công bố gói hỗ trợ, nhiều người dân đã liên hệ với ban điều hành khu phố, UBND phường, xã để biết mình có nằm trong số được hỗ trợ hay không. 

Người thu gom ve chai, buôn gánh bán bưng là những đối tượng được hỗ trợ trong đợt này
Người thu gom ve chai, buôn gánh bán bưng là những đối tượng được hỗ trợ trong đợt này

Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên - 44 tuổi, ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh - cho biết, chị bán rau, củ, quả bên lề đường liên ấp 1 được hai năm nay; chồng chị làm công nhân điện lạnh ở khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân). Khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư, chồng chị ở lại xưởng làm việc, không về nhà, còn chị phải dừng buôn bán. “Năm ngoái, nghe có đợt cứu trợ, tôi làm đơn gửi chính quyền nhưng không được duyệt. Năm nay, đọc báo thấy người buôn gánh bán bưng cũng được hỗ trợ, tôi đã liên hệ trưởng ấp, được báo chờ hướng dẫn ở trên. Hy vọng năm nay, gia đình tôi được xét duyệt” - chị Quyên nói.

Làm nghề hớt tóc, gội đầu 16 năm nay, chị Dương Thị Tài Linh cùng người cô ruột thuê mặt bằng mở tiệm trên đường Thống Nhất, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức. Trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái, TP.HCM giãn cách xã hội, tiệm vắng khách, chị quyết định trả mặt bằng, thuê phòng trọ, đi làm thuê cho tiệm hớt tóc khác. Đến đợt dịch lần này, tiệm đóng cửa, chị và cô ruột thất nghiệp. Chị tâm sự: “Tìm hiểu về gói hỗ trợ, tôi thấy người làm trong tiệm hớt tóc cũng được hỗ trợ. Chủ tiệm cũng đã lập danh sách để gửi chính quyền, nên chúng tôi mong sớm nhận được khoản hỗ trợ để đóng tiền thuê nhà và trang trải trong những ngày chờ trở lại làm việc”. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc triển khai gói hỗ trợ của UBND TP.HCM tại địa phương, ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - cho biết, trong đợt hỗ trợ năm 2020, toàn xã có 3.330 người lao động có hoàn cảnh khó khăn được xét duyệt hỗ trợ với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đợt dịch này, UBND xã đã rà soát, lập danh sách hơn 1.560 trường hợp, phần đông là lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ.

“Từ hôm qua đến nay, UBND xã nhận được nhiều cuộc gọi của người dân hỏi về gói hỗ trợ để làm đơn. Nhưng chúng tôi phải chờ hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM để tiếp tục lập danh sách các đối tượng trong diện được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm để không bỏ sót người nào trong diện được hỗ trợ” - ông Trần Vũ Hữu Duy khẳng định. 

Hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 8/2021

Tại buổi họp báo trưa 5/7, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, gói hỗ trợ lần hai của UBND TP.HCM trị giá gần 886 tỷ đồng, được HĐND TP.HCM phê duyệt bằng Nghị quyết số 09. 
UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai gói hỗ trợ kịp thời, công khai, đúng đối tượng, người được hỗ trợ không phải làm thủ tục.

Theo đó, trừ đối tượng lao động tự do tự kê khai gửi chính quyền xét duyệt, các đối tượng khác sẽ do người sử dụng lao động lập danh sách chuyển qua cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện, sau đó trình UBND cấp huyện xét duyệt; tối đa bảy ngày kể từ khi nhận hồ sơ, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển đến thẳng tài khoản của người được hỗ trợ.

Với các trường hợp làm việc tự do, UBND phường, xã lập danh sách trình UBND cấp quận, huyện phê duyệt. Ông Võ Văn Hoan yêu cầu, việc hỗ trợ phải hoàn thành trong tháng 8/2021. 

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM - thông tin thêm, gói hỗ trợ lần này dành cho sáu nhóm: người bị cách ly tập trung, lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch, người lao động nghỉ việc không lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hộ kinh doanh, thương nhân các chợ truyền thống.

Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày trong 30 ngày đối với người lao động tự do; từ 1,8 - 2 triệu đồng/người đối với người lao động mất việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ mức 300.000 đồng, 210.000 đồng và 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng trong sáu tháng đối với thương nhân các chợ truyền thống hạng 1, hạng 2, hạng 3. 

Ông Lê Minh Tấn thông tin: “Chỉ tính riêng ba nhóm lao động, đã có khoảng 235.000 người thuộc diện được hỗ trợ. Cụ thể, có 80.000 người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 24.500 người chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 230.000 người lao động tự do”. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI