Đàn bà du xuân

28/02/2018 - 09:31

PNO - Chuyện chồng con những ngày du xuân, tạm gác lại, mọi lo lắng nhường chỗ cho những háo hức, phấn khởi.

Đàn bà nội trợ, nếu chỉ quẩn quanh bếp núc, coi như xong đời. Du xuân phương xa, là một trong những cơ hội để trải nghiệm nhiều điều mới lạ, để khám phá, hưởng thụ, tìm thấy sự bình an trong suốt một năm dài. 

Năm nào cũng vậy, ăn theo… tháng ăn chơi, “hội chị em bạn dì” chúng tôi lại lên lịch hẹn hò ra giêng sẽ đi cho đủ mười mấy cái chùa, cầu bình an cho gia đình. Những chùa ở tỉnh xa thì phải có kế hoạch ở lại, vừa đi vừa rong ruổi làng mạc, phố xá, có khi cả tuần mới hết.

Dan ba du xuan
 

Chúng tôi là những phụ nữ làm việc tự do - không quá gò bó thời gian ở một đơn vị nào; có chăng ngại mấy ông chồng, dù dễ tính cỡ nào, cũng mong vợ sớm trở về, để rồi hờn trách “sao em đi lâu thế”. Đàn ông mà, có mấy ai ham chuyện bếp núc. Hơn nữa, xưa nay, chúng tôi quán xuyến việc nhà, nên chỉ cần một ngày làm quản gia, mấy ổng cũng cảm thấy vất vả. Nhưng cứ đến hẹn lại lên, hội chúng tôi bỏ chồng con ở nhà, vừa rong ruổi chùa chiền, vừa kết hợp du lịch. Năm thì chọn đi miền Tây, năm thì chọn đi các tỉnh Đông Nam bộ, có năm lại đi các tỉnh Tây nguyên.

Những năm đầu đi chơi xa, mấy ông chồng không quen cảnh vắng vợ lâu nên cứ suốt ngày gọi điện thoại hối thúc trở về với lý do cực kỳ “chính đáng”: việc nhà không ai lo. Nhưng chị em tôi đã quyết, một khi đã đi thì không ngoảnh lại, trừ khi xảy ra những sự cố không thể không về. Tự nhủ, phải “dạy” cho mấy ổng một thói quen: cứ ra giêng, chồng phải canh nhà ít nhất một tuần lễ cho vợ chùa chiền, đi chơi xa. Phải làm cho chuyện ấy trở thành “luật” trong nhà, để sau này ra đi, vợ không phải lăn tăn, chồng ở nhà cũng xác định “thân phận” những ngày vắng vợ.

Phụ nữ nội trợ mà không chịu dứt áo ra đi, không biết tận dụng những ngày xuân hãy còn nồng nàn, để bù lại hơn 300 ngày quẩn quanh với bếp núc, thì thiệt thòi ráng chịu. Thế là đi.

Mà, có những ông chồng hư thật. Có ông chẳng biết cách ướp cá, kho thịt ra sao; có ông chẳng biết cách giặt áo quần, chỉnh máy giặt thế nào; có ông thậm chí không biết cái chổi quét nhà vợ để đâu, nên phải cầu cứu vợ.

Trong số đó, có vài người chọn giải pháp mua cơm suốt tuần cho khỏe. Xem ra đàn ông có vợ nội trợ, phần nhiều không khéo việc nhà. Việc con cái cũng thế - họ thiếu kiên nhẫn khi chăm sóc, dạy bảo con; nên vợ vừa đi xa, họ thường “mượn” con than thở, nào là con nhớ mẹ, nào là ba ở nhà nấu ăn dở quá.

Ngày trước, đã nhiều chị em mềm lòng trước những cuộc nói chuyện với con mà bỏ bê cả hội, một mình quay về “chăm cho chúng nó”; nhưng chúng tôi đã động viên nhau, con ăn dở vài bữa cũng chẳng sao, nhớ mẹ vài hôm cũng không vấn đề gì, mình phải nạp năng lượng đầu năm, phải lễ chùa bài bản, để mong một năm bình an, vui vẻ mới được. Nhờ “vô tâm” thế mà mấy đức ông chồng đã tiến bộ dần. Về sau, thay vì than thở hay hỏi han như người lạ trong nhà, cứ tối tối là các ông gọi điện, báo cáo công việc trong ngày, nào là hôm nay cho con ăn gì, mấy cha con ngày nay ở nhà làm gì…

Với phụ nữ nội trợ, đây là dịp mặc quần áo đẹp, nhất là áo dài chẳng mấy khi khoác lên mình. Bao nhiêu đồ đẹp, chúng tôi tranh thủ cho vào túi xách, rồi giày dép, phấn son, trang sức… cũng đồng hành với chúng tôi trong những cuộc du xuân. Trên những chuyến du xuân ấy, chúng tôi không quên mang theo lời nhắc của chồng: nhớ mua đặc sản về làm quà. Chúng tôi biết rằng, những ông chồng khi đã nói thế, hẳn đã chấp nhận vợ đi chơi xuân. Điều đó cho thấy, sự quyết tâm của chị em đã bắt đầu hiệu quả.

Một cuộc hành trình những ngày đầu năm mới chỉ toàn đàn bà với nhau, lòng ai cũng nhẹ nhàng, không một chút lo toan, kể ra cũng thật thú vị. Đàn bà vốn chi tiết, lo xa, chưa kể kế hoạch du xuân đã có từ đầu năm, nên chuyến đi toàn đàn bà cũng vui theo những cách rất đàn bà. Chẳng thế mà cứ mỗi khi xuân về, hội phụ nữ chúng tôi vô cùng háo hức. 

 Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI