Khả năng xảy ra một đại dịch tiếp sau COVID-19?

16/09/2021 - 06:06

PNO - Nghiên cứu từ Mỹ và Singapore trên hàng ngàn ca lây nhiễm tương tự cách mà SARS-CoV-2 truyền sang người, dự báo nguy cơ xảy ra một đại dịch tiếp theo.

Các nhà nghiên cứu của Tổ chức EcoHealth Alliance (Mỹ) và Trường Y khoa Duke-NUS (Singapore) cho biết mỗi năm tại Trung Quốc và Đông Nam Á có trung bình 400.000 người nhiễm bệnh truyền từ động vật mang virus.

Dơi quá nguy hiểm cho người

Hầu hết các ca nhiễm nói trên không được phát hiện hay ghi nhận bởi vì mầm bệnh chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, và cũng ít lây từ người sang người. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo mỗi ca nhiễm có thể là "cơ hội" để virus thích ứng và dẫn đến một sự bùng phát tương tự như COVID-19.

Cấu trúc của betacoronavirus, một trong bốn biến thể của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters
Cấu trúc của betacoronavirus, một trong bốn biến thể của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - Ảnh: Reuters

Nguy cơ mà các nhà nghiên cứu đưa ra rất gần với chủ đề gây tranh cãi về nguồn gốc virus gây ra dịch COVID-19 mà đến nay vẫn còn tranh cãi. 

Một nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ có bằng chứng cho thấy dơi là vật chủ chính của các loại virus như SARS-CoV-2 và những người sinh sống, sinh hoạt gần chuồng dơi đã bị lây nhiễm.

Theo nhà sinh vật tiến hóa Edward Holmes (thuộc Đại học Sydney, Úc), nghiên cứu từ Mỹ có lẽ là nỗ lực đầu tiên nhằm ước tính tần suất con người bị nhiễm các loại virus liên quan đến SARS từ loài dơi.

“Người ta liên tục tiếp xúc với virus SARS của dơi. Khi gặp điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nó có thể dẫn đến sự bùng phát một dịch bệnh”, ông nói.

Hiện có gần 20 loài dơi có thể mang virus giống với SARS-CoV-2 đang tồn tại ở châu Á gồm. Khu vực miền Nam Trung Quốc và các khu vực thuộc Myanmar, Lào và Indonesia... được xem có nguy cơ lây lan cao.

Ông Peter Daszak và cộng sự tại EcoHealth Alliance đã sử dụng mô hình phân bố dơi, dữ liệu sinh thái và dịch tễ học để ước tính nguy cơ phơi nhiễm với virus liên quan đến SARS, cũng như tỷ lệ lây nhiễm từ dơi sang người chưa từng được báo cáo tại Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á.

Châu Á có nguy cơ cao bùng phát các dịch bệnh mới?

Theo các chuyên gia, nghiên cứu của Peter Daszak đã cung cấp bằng chứng cho khái niệm đánh giá rủi ro có hệ thống về các sự kiện truyền virus từ động vật hoang dã sang người, đồng thời đưa ra được chiến lược xác định các khu vực địa lý cần ưu tiên giám sát mục tiêu đối với động vật hoang dã, vật nuôi và con người.

"Với thách thức xác định nguồn gốc của COVID-19 và các con đường mà SARS-CoV-2 lây sang người có thể hỗ trợ các nỗ lực định vị địa lý nơi đầu tiên xảy ra sự cố bùng phát virus”, nghiên cứu của EcoHealth Alliance nêu.

Gần hai năm từ khi COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán và tàn phá khắp thế giới, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của đại dịch. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào ủng hộ giả thiết virus đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Tháng 8/2021, tình báo Mỹ cũng đã loại trừ khả năng SARS-CoV-2 được Trung Quốc phát triển như một vũ khí sinh học.

Tính riêng ở Đông Nam Á, nghiên cứu của Peter Daszak ước tính trung bình hàng năm có 50.000 ca nhiễm virus từ dơi truyền sang người và cho biết con số này còn có thể lên đến hàng triệu.

Dơi - loài mang nguy cơ phơi nhiễm vi-rút cao hơn tất cả các loài động vật trung gian khác - được bày bán tại các chợ truyền thống ở Indonesia. Ảnh: Insider
Dơi - loài mang nguy cơ phơi nhiễm virus cao hơn tất cả các loài động vật trung gian khác - được bày bán tại các chợ truyền thống ở Indonesia - Ảnh: Insider

Theo quan điểm của Edward Holmes, các vật trung gian làm cho nguy cơ tiếp xúc với virus trong tự nhiên cao hơn rất nhiều so với bất kỳ sự tiếp xúc nào có thể xảy ra trong phòng thí nghiệm.

Và dơi là loài mang nguy cơ phơi nhiễm virus cao hơn tất cả các loài động vật trung gian khác như chồn, cầy hương, chó, gấu trúc và các loài động vật có vú khác thường được nuôi, buôn bán như thực phẩm tươi sống hoặc lấy lông ở châu Á.

Nghiên cứu của EcoHealth Alliance cho hay, chỉ riêng ở Trung Quốc trong năm 2016, có đến 14 triệu người làm việc trong chuỗi chăn nuôi động vật hoang dã - một ngành công nghiệp trị giá 77 tỷ USD/năm.

Tính chung tại châu Á, có khoảng 478 triệu người sống trong những khu vực có loài dơi mang mầm bệnh tương tự virus gây bệnh COVID-19 bao gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Nepal, Bhutan, Malaysia, Myanmar, vùng đông nam Trung Quốc và các đảo phía tây của Indonesia.

Nam Anh (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI