Cưới vợ cho cha

16/05/2025 - 17:30

PNO - Chuyện con cái đi cưới vợ cho cha nghe có vẻ ngược đời. Thế nhưng, ở ấp Long Hòa 1, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sự lạ lùng này lại khởi đầu cho một cuộc tình đẹp ở tuổi xế chiều, tạo nên một đại gia đình sống đầm ấm, hạnh phúc gần 30 năm qua.

“Phi vụ” đặc biệt

25 năm trước, chị Đỗ Thị Kim Xuyến ở tuổi 34 đã nhờ người mai mối và mang trầu cau đi “hỏi vợ” cho cha mình.

Nhớ lại quyết định táo bạo năm xưa, chị Xuyến cười, rổn rảng kể: “Ngày đó, nhiều người nói tôi khùng. Em gái cũng trách tôi không thương người mẹ đã khuất. Tôi nghĩ khác. Cha tôi quá đơn độc và vất vả”.

29 năm trước, mẹ chị Xuyến đột ngột qua đời. Cùng nỗi đau mất người bạn đời, ông Đỗ Văn Nhệ (SN 1938) còn phải gánh trách nhiệm nuôi 3 con thơ dại (3 người con lớn đã yên bề gia thất) và chăm sóc người mẹ già yếu. Những năm dài đằng đẵng trôi qua. Mỗi ngày, ông Nhệ tất bật cơm nước, giặt giũ, dạy con, đút cơm, vệ sinh, tắm rửa cho mẹ và lo chuyện cày cấy trên mấy chục công ruộng… Nhiều người khuyên đi bước nữa nhưng ông một mực lắc đầu.

Sự chối từ của cha làm chị Xuyến day dứt không yên. Chị tâm sự: “Gia đình riêng của tôi càng đầm ấm, tôi càng thương cha vò võ một mình. Nhìn ông lủi thủi bưng thau đồ đi giặt, tôi rớt nước mắt”.

Vợ chồng ông Nhệ với chị Xuyến - người đi cưới vợ cho cha - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vợ chồng ông Nhệ với chị Xuyến - người đi cưới vợ cho cha - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Xuyến âm thầm thuyết phục em gái là chị Đỗ Thị Kim Chi cùng mình thực hiện một “phi vụ” đặc biệt. Ban đầu, khi chị Chi phản ứng mạnh, chị Xuyến thuyết phục: “Nếu chị với em cứ ích kỷ giữ cha cho riêng mình, cha sẽ sống cô đơn tới hết đời. Tại sao mình sống hạnh phúc lại không cho cha xây dựng hạnh phúc?”.

Nhớ lại hành trình tìm vợ cho cha, chị Xuyến bật cười: “Tôi xách chiếc xe đạp cà tàng, chạy đầu trên xóm dưới ròng rã nhiều ngày. Tôi cũng được giới thiệu mấy mối nhưng không ưng, đến khi người quen chỉ “trong ngọn Xà Mách (xã Long Kiến) có bà Hai Kềm 52 tuổi hiền lành, giỏi giang, thôi chồng mười mấy năm, không con cái”, tôi tìm tới”.

Cuộc gặp gỡ với bà ngoại (chị Xuyến gọi mẹ bà Hai Kềm bằng bà ngoại) cũng đầy bất ngờ. Chị Xuyến kể: “Bà ngoại hỏi đi đâu, tôi kể thiệt đi tìm vợ cho cha. Bà ngoại hỏi nhà tôi ở đâu, con ai. Khi tôi trả lời “Con ông Tư Nhệ ở gần đình Long Kiến” thì bà ngoại nói “Người khác không được, còn thằng Nhệ thì bà gả. Cha bây với con Hai nhà này có lạ gì nhau”. Khi đó, chị Xuyến mới biết sự thật: bà Hai Kềm chính là mối tình đầu dang dở của cha chị năm xưa.

Chị còn lén ra ruộng “coi mắt” nhân lúc bà Hai Kềm đang xúc tro trấu, người dính lọ đen thui nhưng nụ cười hiền ơi là hiền. Biết ý nhà gái đã ưng, chị Xuyến bắt đầu tính chuyện nhà mình.

Dù với bà Hai là tình xưa nghĩa cũ nhưng ông Nhệ không chịu đi bước nữa vì định kiến: “Già còn cưới vợ, họ hàng cười chê”. Chị Xuyến phải thuyết phục, nài nỉ mãi. Cuối cùng, ông Nhệ xiêu lòng.

Tháng 7/2000, chị Xuyến mua 1 cây vàng, 4 mâm sính lễ, cùng người thân đến nhà gái dạm ngõ và 1 tuần sau chính thức rước dâu cho cha.
Vòng tròn yêu thương

“Ngay ngày đầu tiên về nhà, sắp nhỏ đã kêu tôi bằng má. Tôi mừng lắm” - bà Hai mở đầu câu chuyện. Như bao buổi sáng của 25 năm qua, vợ chồng ông Nhệ, bà Hai ngồi quanh chiếc bàn tròn trước nhà vừa uống trà, vừa nói chuyện. Câu chuyện rộn ràng hơn khi chị Xuyến đi ruộng về ghé thăm cha má.

Chị thiệt bụng nói: “Dì cũng một tiếng gọi, má cũng một tiếng gọi, chị em tôi quyết định gọi má từ đầu và coi đây là người mẹ thứ hai. Tôi tin mình thương má thì má cũng thương mình như ruột thịt”.

Thật ra, trước ngày cưới, chị em chị Xuyến đã nghe bao lời đồn thổi, lo ngại về “mẹ ghẻ” hà khắc, về sự khác biệt hoàn cảnh có thể nảy sinh mâu thuẫn. Ngược lại, bà Hai cũng bị người quen hù về mâu thuẫn mẹ kế - con chồng, gánh nặng chăm sóc mẹ chồng nằm liệt giường. Thế nhưng, trước những lo lắng ấy, chị em chị Xuyến và bà Hai đều chung câu trả lời, chung niềm tin: “Mình thương người ta thì người ta thương lại”.

Chị Xuyến chọc bà Hai: “Má sướng quá trời, không mất công đau đẻ mà có nguyên bầy con”. Bà Hai cười gật gù “Đúng thiệt chớ, giờ có mấy chục đứa con cháu dâu rể lo cho mình luôn”. Mắt bà Hai rưng rưng niềm hạnh phúc. Bà kể: “Hồi trước tết, tôi bị bệnh một trận. Khi tỉnh lại trong bệnh viện lúc nửa đêm, tôi thấy con bé Bảy (chị Xuyến), thằng Hiền (con trai áp út), vợ thằng Hiếu (dâu út), vợ chồng thằng Khoa (cháu ngoại), con Kiều (cháu họ chồng)… Tôi nằm viện cả chục ngày, sắp nhỏ thay nhau lo từng chút, không ai biết đó không phải con ruột tôi”.

Đại gia đình ông Nhệ - bà Hai trong ngày cưới của cháu ngoại - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đại gia đình ông Nhệ - bà Hai trong ngày cưới của cháu ngoại - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Xuyến nhớ lại một kỷ niệm: “Lần đầu tôi nuôi má bệnh cách đây mấy năm, má cứ nằm khóc hoài làm tôi lo bệnh má trở nặng. Tôi hỏi bác sĩ thì biết sức khỏe má tôi tốt lên. Tôi lại nghĩ hay mình chăm không tốt nên làm má buồn. Tôi hỏi: “Con thấy má khóc hoài, má mệt trong mình hay con chăm má không tốt? Có chuyện gì làm má buồn, má nói ra để con sửa”. Câu hỏi chân thành ấy càng khiến bà Hai xúc động. Bà nghẹn ngào: “Má khỏe, má không buồn gì con hết. Chỉ là má không đẻ con, không chăm sóc con, mà giờ con phải đổ bô, tắm rửa, đút má ăn… quá cực khổ với má”.

Đến lúc đó, chị Xuyến mới hiểu nỗi lòng của má. Những ngày qua bà ăn uống ít không phải vì “lạt miệng” như bà nói mà vì sợ làm con cái thêm vất vả. Chị Xuyến trấn an để bà không áy náy: “Tụi con chăm má cho má mau khỏe để về chăm cha”. Lời nói giản dị ấy chứa đựng cả tấm lòng biết ơn và sự quan tâm sâu sắc của những người con.

25 năm chung sống, định kiến “mẹ kế” đã được xóa bỏ hoàn toàn trong gia đình ông Nhệ. Trong nhà, những khung hình gia đình chụp khi má ruột chị Xuyến còn sống và hình gia đình sau này có bà Hai được đặt trang trọng cạnh nhau. Trong đám cưới gả con cháu, bà Hai luôn được giới thiệu trang trọng là người mẹ, người bà kính yêu.

Nguyễn Thanh Khoa - cháu ngoại bà - kể: “Cha mẹ tôi ở trong ruộng, gửi tôi ở nhà ngoại đi học. Bà ngoại thương tôi, nấu ăn, giặt đồ và chà từng đôi giày cho tôi”. Còn chị Chi chia sẻ: “Nếu không có má chăm sóc chắc cha tôi không sống được tới giờ này. Chị em tôi thương và biết ơn má lắm”.

Ông Nhệ - người đàn ông mẫu mực và kiệm lời - cũng chân tình nói: “Bà nhà tôi chăm sóc cho má chồng, các con, rồi các cháu nội, ngoại đầy yêu thương, trách nhiệm. Gia đình trên thuận dưới hòa, tôi không mong cầu gì hơn”.

Mỗi sáng, ông lão U90 đạp xe 5km tập thể dục, bà ở nhà đi chợ, chờ chồng về cùng ăn sáng, uống trà. Cuộc sống ông bà nhẹ nhàng, êm đềm qua ngày tháng. Câu chuyện “cưới vợ cho cha” của chị Xuyến đã kết nối những trái tim tưởng chừng xa lạ, tạo nên vòng tròn yêu thương bền chặt.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI