Cuộc chơi nhẹ nhàng của công nghệ

28/12/2019 - 12:41

PNO - Nhiều người cho rằng một năm trôi qua, thời gian không thêm không bớt, nhưng khi sa vào mạng ảo thấy ngày qua nhanh khủng khiếp.

Một con số thống kê có thể dễ dàng tìm thấy khi tra cứu Google: đến tháng 5/2019 Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook. Chi tiết hơn, 80% người Việt Nam cho rằng mạng xã hội là tích cực, chỉ 6% nghĩ là tiêu cực. Điều này nói lên rằng, phần lớn công chúng vẫn coi mạng xã hội là nền tảng cần thiết. 

Cuoc choi nhe nhang cua cong nghe
Ảnh minh họa

Bây giờ gần như ai cũng có tài khoản Facebook. Một người lập nhiều tài khoản, với nhiều mục đích. Nick này bán hàng online, nick kia để tán nhảm, nick nọ theo dõi, bình luận và cãi nhau mà không muốn cho ai biết... Chưa kể các fanpage mà theo thông báo mới nhất của Facebook thì có hơn 90 triệu trang đang kinh doanh trên Facebook.

Tính chia sẻ tuyệt vời của Facebook khiến mọi người đọc thông tin và biết về nhau. Tuy nhiên, với số lượng kết bạn cho phép tối đa 5.000, việc người chơi không biết nhau là bình thường. 

Bạn tôi kể, một lần anh muốn sàng lọc lại bạn bè trên Facebook, xóa bớt những nick ảo, những người không bao giờ tương tác, hoặc những nick toàn đăng những vấn đề tiêu cực...  Để làm việc này, anh mất khá nhiều thời gian, vì phải xem kỹ, tránh xóa nhầm gây mích lòng.

Hành động hủy kết bạn đơn giản chỉ bằng hai cú nhấp chuột, nhưng sẽ để lại nhiều thắc mắc cho bên kia, mối giao hảo (nếu có) ngoài đời bỗng trở nên lạnh nhạt... Rồi anh phát hiện có nick chả bao giờ tương tác, dù đã kết bạn với nhau sáu năm rồi, hình đại diện là một cô gái khá xinh. Trước khi hủy kết bạn, chần chừ một lúc, anh nhắn cho cô rằng anh rất tiếc phải hủy kết bạn với cô, vì cả hai chưa từng tương tác với nhau.

Lập tức anh nhận được tin nhắn hồi đáp: “Xin cậu đừng hủy kết bạn. Tôi là mẹ của cô ấy. Con gái tôi mất đã hai năm nay rồi. Con tôi có để lại mật khẩu, nên hằng ngày tôi vẫn vào trang của cháu, nhìn bạn bè cháu cho nguôi nỗi nhớ con. Vui vì bạn bè con vẫn thường xuyên vào thăm hỏi mỗi khi thấy tôi trực tuyến. Cũng ấm lòng cậu à!”.

Đọc xong tin nhắn, anh vội vàng xin lỗi vì dù là bạn bè của nhau trên Facebook, nhưng anh không hề biết chuyện này. Kể từ đó anh quan tâm đến bạn bè ở thế giới ảo hơn, không làm công việc "rà soát" nữa, và chỉ hủy kết bạn với những ai bất đồng quan điểm. 

Cuoc choi nhe nhang cua cong nghe
Ảnh minh họa

Nhiều người cho rằng, không cần phải xóa nick người đã khuất, vì người ấy vẫn hiện diện trên thế gian bằng những dòng trạng thái tuy đã cũ, nhưng cũng là cách gợi nhớ đã có một thời họ là bạn bè của nhau, và hiện tại vẫn thế.

Thật ra, khi tham gia thế giới ảo, con người phải luôn tỉnh táo để hiểu nó có bao nhiêu phần trăm sự thật. Có những người xem nó như một trò đùa vui, ở đó họ đóng nhiều vai, nhiều cảnh đời, họ thích thú vì lừa được nhiều người. Nguy hiểm nhất là họ xem điều đó hoàn toàn bình thường. 

Có người thắc mắc, chỉ những dòng chữ và những bức ảnh trong một tài khoản cá nhân, thì làm sao biết được bao nhiêu phần trăm sự thật? Con người sống với nhau cả đời còn chưa chắc đã hiểu nhau. Không ai đoán biết được trong tương lai, con người sẽ tạo ra những trò chơi ảo nào nữa. Thế giới thật lúc đó sẽ ra sao? Và thế giới ảo sẽ còn ảo đến đâu?

Tuy nhiên, cũng có người phản biện, tuy là ảo, nhưng đọc riết rồi hiểu tính ý nhau, biết người ấy dễ chịu hay khó chịu, thậm chí có những người rất vô duyên, mỗi lần họ bình luận thiếu điều “bụm miệng không kịp”. Xóa ngay thì ngại mích lòng, thôi thì lơ đi, rồi từ từ xóa bình luận sau vậy. Nếu lặp lại nhiều lần như vậy thì đành thôi “chia tay sớm bớt đau khổ”.

Tuy vậy, hãy cứ tận hưởng những tiện ích của công nghệ mang lại cho con người trong hiện tại. Đừng băn khoăn, lo lắng hay tưởng tượng thái quá về những cuộc chơi mà không ai biết nó sẽ có những gì tiếp theo. Quan trọng là chúng ta cư xử với nhau thật lòng, tử tế, tạo dựng niềm tin cho chính mình và người khác, thì cuộc chơi mới nhẹ nhàng, lành mạnh và tích cực. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI