COVID-19: Vì sao có người tái nhiễm, có người chưa nhiễm bao giờ?

04/03/2022 - 06:20

PNO - Giữa làn sóng Omicron, số ca tái nhiễm đang tăng trên toàn thế giới. Dù vậy, vẫn có những người tiếp tục khiến gia đình, bạn bè kinh ngạc khi hoàn toàn “bất khả xâm phạm” trước COVID-19 kể từ đầu đại dịch.

Phoebe Garrett - cô gái 22 tuổi ở Anh - đã đi học bình thường, thậm chí còn tổ chức một bữa tiệc mà sau đó tất cả mọi người đều nhiễm COVID-19, ngoại trừ cô. Vào tháng 3/2021, cô tham gia thử nghiệm lây nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới, bao gồm việc nhỏ virus sống vào mũi và bịt kín mũi trong vài giờ. Kết quả, Phoebe vẫn khỏe mạnh. Cô chia sẻ: “Mẹ tôi nói rằng gia đình tôi không bao giờ bị cúm và tôi luôn tự hỏi liệu có điều gì đặc biệt đằng sau đó hay không”.

Điều kỳ diệu của hệ miễn dịch

Hầu hết mọi người đều biết một ai đó “bất khả xâm phạm” trước COVID-19, mặc cho những người xung quanh đổ bệnh. Nguyên nhân dẫn đến khả năng này vẫn còn là bí ẩn, nhưng các nhà khoa học bắt đầu tìm ra một số manh mối. Có thể, đây là nhờ hệ thống miễn dịch đã nhanh chóng ngăn chặn nhiễm trùng. Giáo sư Christopher Chiu - Đại học Imperial College London (Anh) - cho biết: “Trong các nghiên cứu trước đây với các loại virus khác, chúng tôi nhận thấy các phản ứng miễn dịch sớm ở mũi có liên quan đến việc chống lại nhiễm trùng”. 

Kể từ khi Omicron xuất hiện, số ca tái nhiễm trên toàn cầu bắt đầu tăng - ẢNH: REUTERS
Kể từ khi Omicron xuất hiện, số ca tái nhiễm trên toàn cầu bắt đầu tăng - Ảnh: REUTERS

Các nghiên cứu cũng cho thấy, một số người có thể loại bỏ virus trong giai đoạn nhiễm trùng sớm nhất. Ví dụ, trong đợt đại dịch đầu tiên, tiến sĩ Leo Swadling - Đại học College London (Anh) - và các đồng nghiệp đã theo dõi kỹ một nhóm nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nhưng chưa bao giờ dương tính hoặc phát triển kháng thể. Các xét nghiệm máu cho thấy khoảng 15% trong số họ có tế bào T phản ứng với virus, cộng với các dấu hiệu nhiễm virus khác. Có thể, các tế bào T ghi nhớ khả năng phòng vệ từ những lần nhiễm coronavirus trước đó - chẳng hạn như bệnh cảm lạnh thông thường - và phản ứng chéo với SARS-CoV-2, giúp bảo vệ họ khỏi COVID-19. 

Hiện nay, việc tìm hiểu nhóm đối tượng có khả năng đề kháng COVID-19 sớm trong thời Omicron rất phức tạp, bởi nó đòi hỏi quy trình kiểm tra chuyên sâu giữa lúc rất nhiều người đã được chủng ngừa. Một số ít người thậm chí có thể đề kháng với COVID-19 về mặt di truyền.

Vào tháng 10/2021, các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát động cuộc săn lùng toàn cầu để tìm các cá nhân đặc biệt này, với hy vọng xác định được nguồn gen cung cấp hàng rào bảo vệ. Họ đặc biệt quan tâm đến những người ở chung nhà và ngủ chung giường với bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn âm tính. Khả năng đề kháng tương tự từng được tìm thấy đối với các bệnh khác như HIV, sốt rét và norovirus. Trong những trường hợp này, khiếm khuyết di truyền giúp một số người thiếu thụ thể mà mầm bệnh sử dụng để xâm nhập vào tế bào, do đó họ không thể bị nhiễm bệnh.

Số ca tái nhiễm gia tăng từ giai đoạn Omicron

Kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện, số lượng người bị tái nhiễm đã tăng mạnh trên toàn cầu, một xu hướng chưa từng xảy ra ở các biến thể trước đó. Các nhà nghiên cứu tin rằng, biến thể mới có thể tránh được hệ thống miễn dịch từ lần nhiễm trước. 

Laith Abu-Raddad - nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine ở Doha, Qatar - giải thích: “Tình hình bây giờ đã khác. Chúng ta đang nói về một biến thể có nhiều đặc tính giúp nó vượt qua hàng rào miễn dịch”. Trong một bức thư đăng trên tạp chí y học New England, Abu-Raddad và các đồng nghiệp đo lường mức độ né tránh miễn dịch của Omicron. Họ phát hiện ra rằng, lần nhiễm đầu có hiệu quả khoảng 90% trong việc ngăn ngừa tái nhiễm trước các biến thể Alpha, Beta hoặc Delta, tỷ lệ này đối với Omicron chỉ khoảng 56% và có thể thấp hơn vì có những trường hợp không triệu chứng. 

Một nghiên cứu từ Đại học California, San Francisco (Mỹ) cho rằng, ca nhiễm Omicron nhẹ không tạo ra đủ khả năng miễn dịch để ngăn ngừa nhiễm trùng trong tương lai. Không chỉ vậy, nghiên cứu khác tại Đan Mạch phát hiện biến chủng Omicron thế hệ thứ hai (BA.2) thậm chí còn dễ lây lan và gây tái nhiễm hơn so với nguyên bản (BA.1). Mặc dù các triệu chứng khi nhiễm Omicron được cho là nhẹ, các chuyên gia và những người nhiễm bệnh nhiều lần nói rằng các triệu chứng tái nhiễm vẫn có thể trở nên nghiêm trọng. Theo họ, các triệu chứng nhiễm và tái nhiễm không khác biệt nhiều và nặng nhẹ tùy trường hợp. 

Ngọc Hạ (theo Guardian, Nature, The Times of India, Business Insider, CNBC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI