COVID-19 khiến 77 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực

13/04/2022 - 11:24

PNO - Ngày 12/4, Liên Hiệp Quốc cho biết, năm 2021 đại dịch đã đẩy thêm 77 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực và nhiều quốc gia đang phát triển không thể phục hồi vì chi phí trả nợ quá cao.

Báo cáo từ Liên Hiệp Quốc cho biết, các nước giàu có thể hỗ trợ cho các nước để phục hồi sau đại dịch bằng các khoản vay kỷ lục với lãi suất cực thấp. Nhưng các nước nghèo nhất thì không thể vay mượn thêm nữa vì nợ quá nhiều, điều này đã làm ảnh hưởng việc cải thiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và giảm bất bình đẳng.

Theo Liên Hiệp Quốc, 812 triệu người sống trong cảnh nghèo cùng cực - với thu nhập 1,90 USD (khoảng 40.000 đồng) một ngày hoặc ít hơn - vào năm 2019. Đến năm 2021 trong bối cảnh đại dịch, con số nghèo đói đã tăng lên 889 triệu người.

Báo cáo do Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ phối hợp với hơn 60 cơ quan quốc tế, bao gồm hệ thống LHQ và các tổ chức tài chính quốc tế thực hiện.
Báo cáo trên do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc phối hợp với hơn 60 cơ quan quốc tế và các tổ chức tài chính quốc tế thực hiện

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bà Amina Mohammed cho biết toàn cầu đang tiến đến thời điểm quan trọng đối với nhân loại và đói nghèo làm tăng thêm các cuộc khủng hoảng phức tạp do khí hậu, làm đại dịch COVID-19 kéo dài.

Thêm vào đó, theo bà  Amina Mohammed, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến cho việc phục hồi toàn cầu ảnh hưởng. "Một phân tích của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng, 1,7 tỷ người đang phải đối mặt với việc chi phí lương thực, năng lượng và phân bón tăng cao do hậu quả của cuộc xung đột trên", bà Mohammed nói.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, GDP bình quân đầu người ở một số nước đang phát triển sẽ không trở lại như trước năm 2019 vào cuối năm sau. Riêng các nước nghèo nhất, do phải chi từ 14% doanh thu để trả lãi cho các khoản nợ, vì thế họ buộc phải cắt giảm ngân sách về giáo dục, cơ sở hạ tầng, khí hậu...

Báo cáo cũng cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và sẽ khiến giá năng lượng, hàng hóa cao hơn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng mới kéo theo lạm phát... "Sẽ là một thảm kịch nếu các quốc gia giàu có tăng chi tiêu quân sự mà cắt viện trợ cho các nước đang phát triển và giảm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, giảm thiểu đói nghèo", bà nói.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước giàu đẩy mạnh việc xóa nợ, tạo điều kiện cho các quốc gia có thu nhập trung bình, điều chỉnh hệ thống thuế quốc tế để giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng trong việc cung cấp vắc xin COVID-19 và tiếp cận các sản phẩm y tế, tăng tốc đầu tư vào năng lượng bền vững...

Trọng Trí (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI