COVID-19 chỉ là “cô”, còn mình là “bà”

24/08/2020 - 09:30

PNO - Với một bà cụ 70 tuổi như mẹ tôi, chuyến đi thăm con cháu gặp dịch COVID-19 đã diễn biến quá nhanh, thay đổi quá lớn và vô tiền khoáng hậu. Những sinh hoạt hằng ngày của bà bị đảo lộn hoàn toàn.

Cuối tháng 1/2020, ngay sau Tết âm lịch tại Việt Nam, mẹ khăn gói bay sang Singapore thăm gia đình chúng tôi. Trước đó, bà cũng hay đi đi về về giữa Việt Nam và Singapore, nên hôm tiễn bà ra sân bay Tân Sơn Nhất, anh trai của tôi còn cười nói vui vẻ bảo: “Mấy tuần sau lại gặp mẹ nhé!”. 

Một ngày trước khi bà bay, tôi hối hả gọi điện nhờ bà mua thêm mấy hộp khẩu trang y tế, vì tình hình dịch COVID-19 bên Singapore đang nóng. Qua đến Singapore, bà mới cảm nhận được sức “nóng” của nó là thế nào, vì so với Việt Nam vào thời điểm đầu tháng Hai, thì tình hình ở Singapore căng thẳng hơn nhiều.

Mọi người bắt đầu râm ran nói đến chuyện phong tỏa ở Singapore. Rồi bà nghe vợ chồng chúng tôi thông báo công ty bắt đầu áp dụng chính sách làm việc tại nhà bắt buộc, thay vì chỉ khuyến khích. Đến ngày 24/3, Singapore chính thức đóng cửa biên giới với tất cả khách du lịch hoặc khách vãng lai ngắn hạn.

Tin tức lúc này mỗi ngày một dày đặc, và bà biết bà nằm trong nhóm người có nguy cơ tử vong cao nhất nếu bị nhiễm bệnh. Chính phủ liên tục kêu gọi người lớn tuổi ở yên trong nhà. Ngày 7/4 thì Singapore bước vào 60 ngày phong tỏa nghiêm ngặt với cách gọi nơi đây là “cúp cầu dao” - “Circuit Breaker”. 

Với một bà cụ 70 tuổi như mẹ tôi, sự việc diễn biến quá nhanh, thay đổi quá lớn và vô tiền khoáng hậu. Những sinh hoạt hằng ngày của bà bị đảo lộn hoàn toàn. Bà không còn được thong dong đi bộ ra ngôi chợ truyền thống gần nhà để lựa thức ăn tươi theo ý thích, không được đi bơi mỗi sáng ở cái hồ bơi trong khu căn hộ chúng tôi ở, chiều chiều cũng không được thả bộ ở công viên gần nhà…

 
Dù không rành tiếng Anh, mẹ vẫn hào hứng cùng chúng tôi mời cơm những người bạn nước ngoài
Dù không rành tiếng Anh, mẹ vẫn hào hứng cùng chúng tôi mời cơm những người bạn nước ngoài

Tôi rất lo lắng không biết làm sao để bà không bị buồn chán, hoang mang trong những ngày này. Vì những người lớn tuổi khi ra nước ngoài sống cùng con cháu đã phải nỗ lực “vuợt lên chính mình” để thích nghi với môi trường sống mới, bỏ lại sau lưng rất nhiều thứ thân quen như máu thịt.

Chúng ta đã nghe không dưới 1.001 câu chuyện các cụ ông, cụ bà sang nước ngoài sinh sống, hay đi “nhiệm kỳ” chăm cháu đều than ngắn thở dài, vì họ thấy cuộc sống ở cái xứ công nghiệp thiếu “tình làng nghĩa xóm” và buồn chán quá chừng. 100 cụ thì chắc cũng phải 80-90 cụ nằng nặc đòi về Việt Nam.

Mỗi lần đi “nhiệm kỳ”, nhiều cụ còn bảo cứ như bị “lưu đày”, nhưng đành tặc lưỡi đi vì muốn hỗ trợ, và cũng vì quá nhớ thương con cháu. Những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt thời dịch bệnh buộc hạn chế tiếp xúc giữa người với người - mà đối với những người trẻ như chúng tôi còn thấy khó khăn - thì với một cụ bà U70 càng khó khăn bội phần.

Trong hoàn cảnh các nước đóng cửa biên giới, mà mẹ tôi hoảng sợ trước tình hình dịch bệnh ở Singapore và đòi về Việt Nam (lúc ấy đang được cả thế giới khen là nơi an toàn nhất, chống dịch thành công nhất), thì tôi thật sự không biết phải xoay xở thế nào. 

Thế nhưng, trái với mọi lo lắng của tôi, bà thích nghi rất tốt, thậm chí còn có vẻ thoải mái, nhẹ nhàng hơn mọi thành viên trong gia đình. Bà vốn dĩ là người hướng ngoại và biết cách tự tạo niềm vui cho mình. Bà tuyệt nhiên không có một người bạn cùng lứa tuổi tại Singapore. Chúng tôi cũng phải đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, và các cháu cũng phải đi học. Trong nhà chỉ còn lại bà và cô giúp việc người nước ngoài.

Bà học cách dùng Google Translate để giao tiếp với cô giúp việc, cùng cô ấy đi chợ, và chỉ dạy cô ấy nấu các món ăn Việt Nam. Nhiều lúc không thể diễn tả hết bằng lời, bà còn dùng cả “ngôn ngữ hình thể” với cô.

Tôi không thể đếm hết số lần bà và cô ấy cùng phá lên cười khi phát hiện ra người này nói một đằng mà người kia hiểu một nẻo. Rồi bà dạy cô giúp việc câu “slogan”: “You and me, together”. Đại ý là lúc nào cô giúp việc cũng theo bà, giúp đỡ và cùng làm với bà. 

Dịch bệnh xảy ra với nhiều tác động lên nếp sống thường nhật, thì bà nhanh chóng gạt qua những lo lắng, thể hiện tinh thần hợp tác cao độ cùng chúng tôi. Khi chúng tôi hì hụi mua thêm tủ đông về nhà để hạn chế số lần phải đi chợ, thì bà lo phụ trách việc trồng rau mầm để ở nhà lúc nào cũng có rau xanh ăn. Khi tôi phải lo sơ chế nguyên liệu ăn uống cho cả tuần thì bà cũng bắt tay vào phụ.

Trong thời gian hai tháng phong tỏa tại nhà, và sau đó là ba tháng nới lỏng phong tỏa nhưng vẫn thực hiện giãn cách xã hội ở Singapore, thấy cả gia đình đều ăn ngày ba bữa ở nhà chứ không chỉ có bữa tối như trước đây, thì bà lại hăng hái lên YouTube học cách nấu những món ăn ngon, những món bánh dân dã Việt Nam mà trước đây bà chưa hề thử.

Bà tranh thủ thời gian dạy tiếng Việt cho cháu. Ngày rằm, bà nấu đồ chay, và khi biết bạn tôi có người ăn chay, thì bà muốn nấu gửi bạn ấy ăn cùng cho vui. Bà cứ tự sắp xếp và tìm niềm vui cho mình một cách nhẹ nhàng như thế. 

Khi những biện pháp phong tỏa được nới lỏng, bà luôn đồng hành cùng gia đình tôi trong những chuyến đạp xe khám phá các công viên, những khu rừng, khu dự trữ sinh thái. Bà có mặt trên mọi nẻo đường trong các cuộc đi bộ, trekking dài 5-10 cây số cùng các cháu nhỏ mỗi cuối tuần. Bà làm gì cũng với niềm vui và sự háo hức. 

Dĩ nhiên bà cũng có những lúc mất ngủ kinh niên của người lớn tuổi, bị đau nhức và mệt mỏi “như cái mền rũ”, nhưng sau đó, bà luôn tự tìm cách xốc mình dậy. Khi nhớ gia đình con trai, cháu nội ở Việt Nam, thì bà lại gọi video call về nói chuyện cho khuây khỏa.

Bà chủ động gọi điện “tám” với ông bà thông gia ở Việt Nam để cập nhật tình hình “bên đây” cho “bên kia” được biết. Không có bạn ở Singapore, thì bà làm bạn với bạn bè của con mình trên Facebook, và dùng mạng xã hội kết nối với phụ huynh của bạn bè các con, dù chưa hề gặp mặt nhau ngoài đời. 

Mỗi khi chúng tôi chia sẻ những trải nghiệm của gia đình, của bà trên mạng xã hội, bà lại hào hứng theo dõi và tương tác với bạn của con. Mỗi sáng, bà pha trà, ra ban công ngồi ăn điểm tâm và ngắm dòng xe cộ đi lại dưới đường, tỉa tót cây hoa, hái rau thơm và ớt trong mảnh sân vườn be bé ở ban công. Khi tình hình được nới lỏng, bà lại đi bơi đều đặn mỗi sáng, xách giỏ đi chợ, đạp xe vòng quanh khu nhà, rồi mỗi chiều lại dắt hai cháu xuống hồ, trông cho hai cháu bơi. 

Nỗi lo dịch bệnh không ngăn mẹ bơi lội, tận hưởng cuộc sống
Nỗi lo dịch bệnh không ngăn mẹ bơi lội, tận hưởng cuộc sống

Thấy bà vui và bình yên nhưng tôi vẫn cứ lo, hỏi: “Mẹ có nhớ Việt Nam không? Nếu mẹ muốn về Việt Nam thì con sẽ đăng ký danh sách chờ cho mẹ”. Lần nào bà cũng gạt đi và nói: “Ở đây vui và sướng thấy mồ, có gì đâu mà lo!”.

Có bữa bà còn hỏi vặn lại tôi: “Ủa bộ bây muốn “đẩy” mẹ về Việt Nam lắm hay sao mà cứ hỏi hoài vậy?”. Lâu lâu bà cũng trao đổi với tôi tình hình COVID-19 ở Singapore (ở Việt Nam thì bà theo dõi qua báo mạng mỗi ngày), rồi tự nhủ: “Thôi cứ tự bảo vệ mình với khẩu trang, nước sát khuẩn và rửa tay xà phòng thường xuyên chứ lo lắng quá cũng chả được gì!”.

Khi tôi hỏi bà có sợ COVID-19 không, bà bảo: “Sợ chứ sao không! Nhưng mình là BÀ lận, còn COVID-19 chỉ là CÔ thôi. Bà phải có “chiêu” chứ!”.

Nhiều lúc bản thân tôi cũng chán nản trước viễn cảnh mù mịt thời đại dịch này, nhưng được ở chung với bà cụ U70 “ngầu” thế này, tôi lại nhủ thầm: “Ừ thì cứ go with the flow - lựa dòng mà bơi”. 

Hà Lâm Tú Quỳnh 
(Viết từ Singapore)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI