Công – Dung – Ngôn - Hạnh: Mạ, ba…và tôi

29/04/2014 - 17:30

PNO - PNO - Mạ tôi nấu ăn ngon, thêu thùa, đan, móc… đều đẹp, cắm hoa khỏi chê, kiếm tiền giỏi. Nhưng, có lẽ vì Công – dung – ngôn – hạnh đủ đầy nên mạ tôi luôn cầu toàn và không vừa ý với bất kỳ ai.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi nhớ ba tôi là người đàn ông rất thương vợ và có ý thức chia sẻ công việc gia đình cùng vợ, nhưng mạ tôi thường không hài lòng với bất kỳ điều gì ba làm. Này nhé: Ba tôi cắm hoa cúng Phật: Thôi, thôi, ông để đó tui, cắm hoa kiểu chi mà cắt hoa ngang một phát rồi dộng hết cả vô bình, xấu. Ba tôi trổ tài nấu món cháo giò heo, mạ tôi la thất thanh: Trời ơi, thịt cả mỡ ri mà nấu cháo ai ăn cho nổi?... Bị la miết, ba tôi không dám làm gì ngoài việc ngồi chờ…vợ phục vụ.

Cong – Dung – Ngon - Hanh: Ma, ba…va toi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi nhớ mạ tôi luôn hì hục quét dọn nhà cửa sau khi mâm cơm đã được dọn ra. Tôi nhớ ba tôi luôn giục: Thôi, em để đó ăn xong rồi dọn dẹp luôn. Và mạ luôn bảo: Cả nhà cứ ăn trước đi, để mạ quét dọn xong đã rồi ăn sau. Mạ tôi hiểu từng sở thích của các cô, chú, bác, con cháu bên nhà nội. Mạ tôi nhớ từng giọng nói của bà con bên nhà nội, dù là bà con xa, dù bao nhiêu năm không gặp. Mạ tôi nhớ ngày giỗ của cả ba mẹ bạn ba tôi…Nhưng, mạ tôi chưa bao giờ có một bữa ăn trọn vẹn cùng gia đình, chưa bao giờ cùng chồng con đi chơi bất kỳ nơi đâu, dù gần hay xa…
Khi lớn lên, tôi thường nghe ba bảo: Sau này có gia đình, con hãy học mạ con…

Lập gia đình, tôi mang theo lời dạy của ba và kinh nghiệm rút ra từ mạ để xây dựng hạnh phúc. Với tôi, mạ tôi là người phụ nữ lý tưởng, nhưng từ nhỏ tôi đã kiên quyết: nhất định không làm người phụ nữ lý tưởng như mạ tôi…

Ba tôi dạy, “dung” không phải là sắc đẹp mà là sắc mặt, người phụ nữ phải giữ sắc mặt luôn tươi tắn thì người khác mới cảm thấy dễ chịu. Nếu sắc mặt không tươi, nghĩa là trong lòng không vui, thì làm sao có ngôn hay, làm sao có hạnh tốt và làm sao công (công ở đây là cả công việc cơ quan và công việc gia đình) trôi chảy?

Tôi, cũng như mạ, chăm sóc chồng con và quán xuyến việc nhà chu đáo. Nhưng tôi không hùng hục làm việc luôn tay luôn chân như mạ. Tôi chỉ làm việc khi tôi cảm thấy vui và khỏe. Nếu không vui, không khỏe, tôi sẽ nhờ chồng tôi làm giúp. Với tôi, việc chăm sóc chồng con là hạnh phúc chứ không phải trách nhiệm. Đơn giản, vì mỗi người phải tự có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình trước.

Cong – Dung – Ngon - Hanh: Ma, ba…va toi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong gia đình tôi, vợ chồng mỗi người một việc: tôi nấu ăn, chồng tắm cho con hoặc chơi đùa cùng con; tôi rửa chén bát, chồng lau nhà hoặc phơi quần áo…Vợ chồng cùng làm việc nhà, cùng thưởng thức những bữa ăn ngon và cùng nghỉ ngơi, trò chuyện. Gia đình tôi luôn chăm sóc nhau bằng tình yêu và hạnh phúc như thế nên không ai cảu nhảu càu nhàu ai, không ai than khó kể khổ…Niềm vui và sự đầm ấm vì vậy luôn bền vững…

Tại sao người ta ví von phụ nữ là “nội tướng”? Vì “tướng” thì không cần xắn tay áo lên làm tất tần tật mọi việc, mà chỉ cần biết cách điều hành sao cho mọi thành viên trong gia đình, ai cũng cảm nhận được sự đầm ấm, dễ chịu, vui vẻ, từ đó đồng sức đồng lòng xây dựng hạnh phúc cùng nhau.Với tôi, chỉ cần làm được như vậy là phụ nữ đã làm tròn 4 chữ Công - Dung - Ngôn - Hạnh rồi.

HỒNG VŨ

Ông bà ta xưa kia đã đề ra tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ, đó là “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Người phụ nữ phải chu toàn những nghĩa vụ với gia đình, lời nói phải như hoa như gấm, đức hạnh vẹn toàn, còn phải biết giữ gìn vẻ đẹp của riêng mình cho đẹp mặt chồng con… Bốn tiêu chuẩn đó đã là những “định mức” quá khó khăn dưới một thời đại phong kiến, khi người phụ nữ chỉ biết việc nhà và sống cho gia đình.

Ngày nay, khi vai trò của người phụ nữ đã vượt ra khỏi giới hạn gia đình, tham gia những hoạt động xã hội, đóng góp cho kinh tế gia đình… thì “Công Dung, Ngôn, Hạnh” có còn là điều để người phụ nữ Việt phấn đấu và đạt được hay không?

Liệu điều đó có tạo thêm những áp lực nặng nề cho phụ nữ khi họ đã phải bình đẳng với đàn ông trong xã hội về mặt sự nghiệp, tài chính, lại vừa phải là người phụ nữ theo kiểu mẫu xa xưa?

Hay “Công, dung, ngôn, hạnh” vẫn cần và vẫn là nét đẹp không thể thiếu đối với người phụ nữ?

Rất mong các bạn chia sẻ suy nghĩ của mình về chủ đề này.

Mời các bạn gởi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

-Trang chủ của PNO, vào mục Gửi bài ở cuối trang
-Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
-Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI