Con nói hỗn

13/05/2016 - 10:00

PNO - Không phải mọi đứa trẻ nói hỗn đều hư mà phần lớn do trẻ chưa ý thức được lời nói của mình là xấu, không nên...

Con gái tôi vốn hiền lành, lễ phép, nhưng không biết cháu học được ở đâu mà gần đây thường cãi lại người lớn. Bà ngoại nhắc phải rửa tay trước khi ăn cơm, cháu hếch mặt lên “con biết rồi, bà không phải nhắc, nghe mệt lắm”. Hôm rồi chị giúp việc lên dọn phòng ngủ của cháu, lỡ tay làm đổ lọ mực, tuy không dính vào sách vở nhưng mặt bàn dính mực chùi mãi không hết. Thế là cháu gào lên “cô là đồ vô tích sự, phá hoại” khiến cả nhà sửng sốt.

Tôi hỏi “sao con dám ăn nói với người lớn như vậy? Con có biết như thế là hỗn hào không?”. Cháu tỉnh bơ: “Con nói vậy thì có gì là sai? Mẹ chỉ làm lớn chuyện”. Cháu mới 10 tuổi mà đã tỏ ra thiếu tôn trọng người lớn, ăn nói xấc xược, ngang ngược như vậy thì lớn hơn chút nữa sẽ thế nào? Tôi lo lắm.

Chị Nguyễn Minh Kiệm (H.Bình Chánh, TP.HCM)

Con noi hon
Ảnh minh họa - Shutterstock

Anh Ngyễn Tấn Chương (đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận): Người lớn cần phải bình tĩnh

Khi đứa con 12 tuổi hậm hực nói với tôi rằng “ba thích thì cứ đi mà học, tại sao cứ ép con học thêm hết môn này môn khác. Con bỏ!”, tôi đã thẳng tay tát nó một cái. Mặt hằn rõ dấu ngón tay của ba nhưng thằng nhỏ không thèm khóc, mà lầm lì bỏ vào phòng, cả ngày sau không nhìn tôi. Mẹ thằng nhỏ cằn nhằn: “Anh chỉ được cái nóng như lửa. Sao không dừng lại 10 giây mà nghĩ xem con nói đúng hay sai. Học ở lớp đã mệt lắm rồi, anh còn bắt con học thêm mỗi tối hai môn. Chạy sô như thế ai mà chịu nổi. Thái độ gắt gỏng của con như thế là không được, nhưng anh phải nghe con nói, hỏi xem nó bức xúc điều gì rồi cùng tháo gỡ. Như vậy thì con mới biết anh quan tâm đến nó. Tát thằng nhỏ như vậy, liệu nó có ngoan hơn không?”.

Vợ tôi nói đúng. Trẻ có quyền nổi giận, nói hỗn khi chúng thấy thất vọng. Cha mẹ phải bình tĩnh, không nên tranh luận ngay với trẻ, và cho con biết mì nh sẽ cùng con giải quyết vấn đề. Cha con tôi đã làm huề với nhau. Thằng nhỏ không phải đi học thêm nhiều nữa. Giờ nó rất nghe lời bố.

Chị Tôn Nữ Ngọc Quỳnh (đường số 7, P.16, Q.Gò Vấp): Cùng con xin lỗi

Tôi đã bắt con gái quỳ ở góc nhà 15 phút, tuần đó không được ăn kem như thường lệ vì cháu dám nói bác bảo vệ ở trường là “hôi và đen như đồ ăn xin”, chỉ vì bác ấy không cho cháu ra ngoài cổng trường mua đồ ăn vặt. Tôi cùng con đến trường xin lỗi bác bảo vệ, giải thích cho cháu thấy thái độ thiếu lễ phép, không tôn trọng người lớn của cháu là rất xấu. Bác ấy muốn điều tốt cho con (không nên ăn quà vặt thiếu vệ sinh bày bán trước cổng trường, chấp hành quy định của trường là không được ra ngoài trong giờ học…) nên càng phải kính trọng, vâng lời.

Cách hành xử của con khiến bác ấy buồn, mẹ cũng rất xấu hổ, và quan trọng hơn là khiến hình ảnh của con trở nên xấu xí khi gây tổn thương cho người khác. Theo tôi, cha mẹ cần kịp thời uốn nắn ngay khi trẻ có biểu hiện nói hỗn, nói bậy, thiếu tôn trọng người khác. Như vậy sẽ giúp trẻ hiểu được đúng - sai và điều chỉnh cách ứng xử của mình.

Mi Hân (thực hiện)

Trẻ chưa ý thức về lời nói của mình

Khi con trẻ nói bậy, nói hỗn, phản ứng tức thời của cha mẹ là nổi giận, la mắng, đánh phạt mà quên mất điều quan trọng là phải tìm hiểu căn nguyên, nhắc nhở, uốn nắn trẻ. Bởi không phải mọi đứa trẻ nói hỗn đều hư mà phần lớn do trẻ chưa ý thức được lời nói của mình là xấu, không nên.

Nếu bạn la mắng, đánh trẻ, chỉ làm gia tăng cơn tức bực, bất mãn của con, càng khiến con thấy mình bị đối xử bất công và trở nên hỗn hào hơn. Đó cũng là cách trẻ phản ứng để tự vệ, để khẳng định mình không làm gì sai. Do vậy, cha mẹ cần bình tĩnh, nói cho con biết cảm giác buồn, thất vọng của mình khi con ứng xử thiếu lễ phép. Giải thích cho trẻ hiểu lời nói của con như vậy là rất xấu, gây tổn thương cho người khác. Nếu ai đó nói với con như vậy, con có vui không? Nếu con biết tôn trọng, ứng xử lễ phép thì mọi người sẽ lắng nghe và tôn trọng con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI