Con nhiều chuyện, ác ý, cha mẹ xử sao?

10/07/2018 - 16:00

PNO - Khi con trẻ tập trung lại nói xấu một bạn khác, thêm thắt, bịa đặt câu chuyện cho vui, mà không quan tâm đến việc sẽ làm hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị nói đến thì cha mẹ cần phải chấn chỉnh ngay.

Vẫn biết việc trò chuyện về người này, người kia là bình thường, nhất là đối với trẻ đang học cách tương tác với nhau trong quan hệ bạn bè. Nhưng khi trẻ nói với vẻ ác ý, phóng đại và thêm thắt sai sự thật chuyện người khác chỉ để làm trò đùa cho vui thì không thể coi là chuyện bình thường nữa. 

Con nhieu chuyen, ac y, cha me xu sao?
Trẻ rất thích túm năm tụm ba tám chuyện về bạn bè. Hình minh họa

Đó là biểu hiện của sự xúc phạm, làm hại đến thanh danh người khác và cần phải dạy trẻ nhận lỗi, cam đoan không vi phạm. Bằng tất cả sự kiên quyết và nhất quán của mình, cha mẹ phải giải thích, thuyết phục cho trẻ hiểu thói “buôn dưa lê” này sẽ gây tổn hại cho người bị đặt điều cũng như chính bản thân trẻ.

Dưới đây là cách giúp khắc phục thói nhiều chuyện từ gốc:

Cha mẹ gương mẫu: Nếu bạn đã từng tham gia bàn tán với người khác về những mẩu tin thiếu nguồn gốc thật sốt dẻo trước mặt trẻ… thì từ nay bạn hãy kiềm chế cảm xúc và hành vi của mình. Con trẻ có thể tập nhiễm thái độ này từ người trực tiếp giáo dục chúng rất nhanh.

Dạy con biết đặt mình vào tình huống của người khác: Hãy cho con cảm thấy thế nào khi con có thể là nạn nhân của những lời đồn thổi để con có thể đặt mình vào tình cảnh của người khác. 

Hướng con bày tỏ sự cảm thông. Thuyết phục trẻ hiểu được thói “buôn dưa lê” là không tốt, vừa lãng phí thời gian, vừa làm mất lòng tin của người khác đối với mình. 

Việc đồn thổi sẽ gây hậu quả rất lớn đến người bị đề cập đến. Hãy chỉ ra cho trẻ thấy khi rơi vào tình cảnh bị người khác đặt điều sẽ cảm thấy xấu hổ, bị xúc phạm vì bị coi như trò đùa. 

Chỉ cho trẻ thấy hậu quả: 

Nếu trẻ thường xuyên buôn chuyện, đặt điều về người khác cũng sẽ gặp rắc rối và nguy cơ bị tẩy chay, xa lánh. Một số bạn thân sẽ rời xa con vì họ không còn tin tưởng. Sẽ đến lúc không còn ai muốn chia sẻ những điều quan trọng cho con. 

Họ cảm thấy e ngại, vì sợ thông tin sẽ sớm bị đồn thổi đến nhiều người khác. Như thế, vì những chuyện đùa cợt mà con có thể bị mất uy tín.

Mạnh dạn yêu cầu con nhận lỗi: 

Trẻ đồn thổi, bịa đặt chuyện riêng tư của người khác có thể do thiếu hiểu biết hoặc nhận thức chưa thấu đáo. Những trẻ có ý xấu ít khi dừng lại để suy nghĩ về những cảm xúc của nạn nhân do chúng gây ra. 

Hãy tận dụng ngay sự nhạy bén của con để giúp con biết suy xét tới những hậu quả tâm lý nghiêm trọng của thói buôn chuyện; giúp trẻ hiểu mình đã sai, thấu hiểu sự tổn thương mà con gây ra và quyết tâm không tái phạm.

Giải thích cho trẻ hiểu đặt điều cho người khác gây tổn thương đến mức nào. Câu chuyện con đặt điều về một người nào đó có thể bị phóng đại lên nhiều lần sau khi được truyền từ người này sang người khác và sẽ khiến cho người đó đau khổ, thậm chí gây thiệt hại về tinh thần nghiêm trọng.

Con nhieu chuyen, ac y, cha me xu sao?
Hãy dạy trẻ biết đặt mình vào người khác. Hình minh họa

Dạy trẻ biết sống trung thực và chính trực: 

Con sẽ trở thành người nói dối khi đặt điều bịa chuyện về người khác. Chắc chắn con sẽ không muốn mình trở thành người như thế. 

Do đó, “không nói xấu người khác trong bất cứ tình huống nào” - là nguyên tắc sống cần giáo dục cho trẻ ngay từ nhỏ. Một đứa trẻ ngoan là biết tôn trọng người khác, biết sống trung thực và chính trực. 

Nếu có điều gì chưa đồng ý về bạn của mình thì hãy gặp riêng để bày tỏ thái độ một cách tế nhị. Hãy đối xử với người khác theo cách mình muốn được đối xử. 

 Lê Phạm Phương Lan 
(Giảng viên tâm lý học Trường đại học Nguyễn Huệ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI