Con ghét cơm nhà!

03/10/2020 - 05:27

PNO - Tất cả những ưu điểm của cơm nhà, đối với trẻ con mà nói, chẳng có gì hấp dẫn cả.

Tôi đang lúi húi trong bếp thì nghe tiếng lao xao ở cửa. Ba cha con vừa đi bơi về. Giọng thằng nhóc vọng vào phía sau: “Hôm nay nhà mình đi ăn ngoài, phải không mẹ?”.

Chưa kịp trả lời con thì đã thấy chồng tôi giải thích. Là trời mưa, và tối ba có việc phải làm trên máy tính, nên hôm nay cả nhà mình ăn cơm nhà cho tiện. Ngay lập tức, con trai tôi dằn dỗi nói, ba mẹ đã hứa đi ăn tiệm mà sao không giữ lời. Người lớn gì kỳ vậy?

Ba của con tôi, sau một hồi thuyết phục, đã… đổ quạu. Cả hai đứa trẻ đều nem nép tắm rửa rồi ngồi vào bàn. Bữa cơm chiều cuối tuần vì thế mà kém vui. 

Con tôi, chắc cũng như nhiều đứa trẻ khác thời bây giờ, không thích ăn rau, rất kỵ hành ngò, chỉ ưa thịt, món chiên và đặc biệt mê mẩn với các lời hứa hẹn “ra ngoài ăn tiệm”. Từ các loại thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, bánh pizza sang món Nhật, món Thái, rồi hải sản hay thậm chí chỉ là cơm tấm sườn bì, chúng đều tha thiết hơn hẳn cơm nhà mẹ nấu. 

Các con tôi rất thích các món ăn hiện đại và công nghiệp. Ảnh minh họa
Các con tôi rất thích các món ăn hiện đại và thức ăn công nghiệp. Ảnh minh họa

Tôi đã dành nhiều thời gian và tâm trí để nói với con về việc này. Từ vấn đề an toàn thực phẩm, rồi tốn kém mắc mỏ, rồi “yêu biết bao bữa cơm gia đình” này nọ nhưng lũ nhóc cũng có lý lẽ của chúng. Nào là vui hơn, ngon hơn (đoạn này tôi tất nhiên cũng có đôi chút tự ái!), rồi mẹ đỡ vất vả nấu nướng dọn dẹp, rồi thay đổi không khí, phải ra ngoài trải nghiệm cho biết với người ta. Đâu phải ngày nào mình cũng ăn tiệm mà mẹ sợ độc hại, tốn kém. Cả ngày mình ăn… mì gói, rồi ăn một bữa ở ngoài, được không mẹ ơi? 

Không cực đoan tới độ cấm đoán mỗi khi con đòi ra ngoài ăn nhà hàng, thực tế tôi cũng cân đối giữa hai sự lựa chọn ấy. Phải thừa nhận rằng, hàng quán bên ngoài bây giờ có hấp lực ghê gớm với lũ trẻ. Chúng thích không khí sôi động hiện đại, có người phục vụ, được check-in để khoe với bạn bè là mình sành sỏi đã đặt chân tới đây, những món mới có mặt trên thị trường đều nếm thử… 

Ở nhà, chúng ta có gì? Thức ăn lành sạch, nguyên vật liệu tươi ngon, bổ dưỡng. Chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng. Rẻ tiền, tiết kiệm hơn nhiều. Không khí gia đình riêng tư, ấm cúng… Tất cả những điều ấy, đối với trẻ con mà nói, chẳng có gì hấp dẫn cả. 

Tôi đã xài vài chiêu cần kha khá kiên nhẫn, là rủ chúng xem các clip, chương trình nấu nướng vui vẻ. Rồi tiến tới rủ con cùng đi chợ, cùng vào bếp, tin tưởng giao cho chúng đôi đũa bếp chính, bất chấp mình sẽ phải “xử lý hậu quả”. Tôi hướng dẫn con nấu mấy món chúng ưa thích trước: trứng chiên, mì gói xào, xúc xích. Nướng pizza, làm xốt cà chua. Chớ bao giờ đơn điệu cơm canh cá chiên thịt kho truyền thống khó “thắng” nổi bọn trẻ.

Con tôi cũng như những đứa trẻ mê ăn ngoài
Con tôi cũng như những đứa trẻ mê ăn ngoài

Cứ mạnh dạn lên thực đơn hiện đại. Tôi chọn cách thỏa hiệp: không tiếc lời khen ngợi, chịu khó nếm thử các món “ác mộng” mà con sáng tạo ra. Chấp nhận cho chúng tùy ý chế biến các thử nghiệm. Không chê bai, la mắng, thậm chí là giữa chừng con bỏ dở, vì… hết thích.

Những bài viết về tác hại của thực phẩm bẩn, các trường hợp đi ăn hàng rồi bị ngộ độc, mấy câu chuyện về bệnh tật “do miệng mà vào” được tôi chủ ý đưa cho con xem. Tôi không nhận xét kết luận, chỉ “định hướng” cho bọn trẻ tự đưa ý kiến, nhân tiện đề cao việc ăn uống lành sạch tại nhà.

Làm gì cũng nên có “chiến lược” cẩn thận, tránh… thua đau. Nên tôi vẫn thi thoảng lên kế hoạch cho cả nhà đi ăn ở các hàng quán tươm tất để đổi bữa. Cho con cùng tham gia vào quá trình chốt địa điểm, gọi món, cân nhắc lợi hại để con biết.

Tôi đưa ra con số ước lượng: “Với chừng này tiền, nhà mình có thể mua được bao nhiêu con gà ta, vài ký thịt bò, bao nhiêu quả trứng, rau sạch. Ăn được mấy ngày bằng chi phí bữa nhà hàng này”. Rồi thì tẩm ướp, đun nấu nhiều hóa chất ra sao. Tôi chỉ cho con thấy sự khác biệt ở cùng một món ăn “cơm nhà” và “cơm hàng”. Từ chế biến, phụ gia, trình bày, giá cả. Con tôi trưởng thành hơn hẳn sau vài lần được cùng bố mẹ bàn bạc, thống nhất “bố ơi nhà mình ăn gì đó”. 

Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI