Con gái nhờ “đức cha”

22/07/2020 - 06:00

PNO - “Đức cha” mà ông bà mình nói đến, chính là cách sống của người cha để con cái nhìn theo và từ đó được hưởng đức.

Hôm qua chị kế gửi tôi xem hình kỷ niệm 15 năm ngày cưới của chị. Nhìn chị hạnh phúc bên chồng con và các thành viên khác trong gia đình mình, tôi thấy lòng thật bình an và may mắn vì có người cha dày phước đức như ba.

Ba má tôi có bốn người con, ba gái một trai. Ba tôi là giáo viên, má tôi mất sớm. Sau này lớn khôn, tôi mới hiểu hết những trăn trở của ba khi má mất ngay lúc mấy đứa con gái đang bước vào tuổi mới lớn. Lúc đó, tôi chỉ thấy trước mắt là những nỗi lo liên quan đến cơm ăn, áo mặc, tiền học, tiền sinh hoạt hằng ngày dựa vào đồng lương giáo viên của ba. Tôi nào biết ba còn lo và tiếc vì má chưa kịp chỉ dạy hết sự khéo léo của mình cho đàn con gái.

Chị cả và chị kế còn học được ít nhiều tài nội trợ của má, tôi hầu như “trắng tay” trong kinh nghiệm bếp núc và may vá. Hẳn ba đã phải lo lắng làm sao cho các con gái của mình có thể tề gia nội trợ, để giữ ngọn lửa hạnh phúc cho gia đình.

Cũng nhờ lớn khôn mà tôi hiểu rằng, “đức cha” mà ông bà mình nói đến, chính là cách sống của người cha để con cái nhìn theo và từ đó được hưởng đức.

Gia đình con cái đề huề của ba tôi
Gia đình con cái đề huề của ba tôi

Ba tôi sinh ra trong một gia đình có cha là thẩm phán. Ông nội tôi mất sớm, nên tôi chỉ được nghe kể về ông qua các câu chuyện, và biết rằng ông vô cùng thanh liêm chính trực. Ông từ chối mọi bổng lộc chỉ để được làm một ông quan thuần túy. Vì thế, trong các câu chuyện kể về gia đình, tôi hầu như chưa bao giờ biết gia đình bên nội có sung túc khá giả hay không, chỉ biết rằng ông bà nội mình rất liêm khiết, và hai chữ liêm khiết đã truyền xuống ba tôi và cả thế hệ chị em tôi.

Chính vì thế, ba tôi chỉ theo mỗi nghề giáo, dù có những cơ hội đổi nghề. Từ giáo viên tiếng Anh, ba tôi được thăng chức hiệu phó, rồi hiệu trưởng. Những lần thăng chức đó, đều nhờ vào tài năng và đạo đức của một người thầy, chứ không hề nhờ đến mối quan hệ nào khác. Đó là điều luôn làm tôi cảm thấy hãnh diện và học theo sau này, khi đã ra đời và đi làm. 

Lúc ba tôi lên chức hiệu trưởng, cũng nhằm lúc căn hẻm nhà tôi giải tỏa thành đường lớn, nhà tôi ra mặt tiền. Lúc này, chị cả đã lấy chồng ra riêng, thằng em tôi tếu táo nói trong bữa ăn: “Từ nay nhà mình đã thành “nhà mặt phố, bố làm to“ rồi nhé, hai chị cố gắng lấy chồng đi nha”, làm hai chị em tôi ký đầu nó cùng một lúc. 

Nhà có “bố làm to“, nhưng không thấy bổng lộc hay thay đổi gì cả. Chỉ thấy ba bận hơn, vì trường ba làm hiệu trưởng mới thành lập, chỉ là một cơ sở nhỏ nằm trong khu cư xá bình lặng. Ba không chỉ lo cho học sinh, xây dựng trường lớp, mà còn lo cho đời sống giáo viên. Chính vì thế, sau này khi đã về hưu, lễ tết và đặc biệt là ngày 20/11, nhà tôi luôn đầy hoa và quà của giáo viên cũ tặng ba.

Lần duy nhất ba “lạm dụng chức quyền” khi còn làm hiệu trưởng, là lần ba ký giấy nhập học cho một học sinh lớp một. Nghe kể, ba thấy một phụ nữ ngồi buồn rầu trên ghế đá sân trường, hỏi chuyện mới biết chị đơn thân, bận buôn bán, trường đúng tuyến thì xa nhà, trường của ba gần nhà nhưng trái tuyến, không thuận đường đưa đón con. Chị thử nộp đơn cho con học nhưng bị từ chối. Ba tôi liền ký giấy nhập học cho con chị, và dặn chị tuyệt đối không được gửi tiền hay quà cảm ơn. 

Có lẽ, lúc làm những chuyện như thế, ba cũng không nghĩ rằng đây là phước đức mình để lại cho đám con gái. Vậy nhưng, chị em tôi lần lượt đi lấy chồng trong sự nhẹ nhõm thường thấy của các bậc cha mẹ có đến “ba quả bom” trong nhà. 

Cũng nhờ “đức cha“ mà cuộc sống gia đình của chị em tôi tương đối nhẹ nhõm. Những cuộc nói chuyện của mấy chị em không phải là nhà cửa, xe cộ, mà là mọi việc có ổn không. Con cái lớn khôn học hành như thế nào? Cuộc đại dịch vừa rồi, kinh tế thế giới và Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nhưng tôi không nghe một ai trong gia đình mình than vãn.

Có lẽ, chúng tôi học được ở ba rằng, ở đời biết đủ là đủ, liệu cơm gắp mắm. Các ngành nghề trong gia đình đều là những ngành cơ bản, không ai làm giàu, thu lợi nhanh chóng, nên dù có sóng gió của đại dịch, gia đình tôi cũng cố vững tay chèo. 

Giờ đây, chị kế, người lập gia đình trễ nhất trong mấy chị em, đã qua chặng đường 15 năm hạnh phúc, tức là mấy chị em tôi cũng đã có hơn 15 năm trong ấm ngoài êm với gia đình nhỏ của mình, tôi mong cuộc sống của chúng tôi mãi được như thế để đền đáp công ơn phước đức của ba dành cho chúng tôi, để chúng tôi luôn được nhìn thấy nụ cười bình an trên khuôn mặt ba. 

Phan Quỳnh Dao

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI