Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn:

Con đường ngắn nhất, chỉ có một số nhà

15/12/2020 - 15:00

PNO - Đường Đinh Lễ (quận 4) là một trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn, con đường ấy chỉ có một số nhà nhưng trong kí ức của nhiều người, nó có quá nhiều kỷ niệm.

Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn

Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã  thân quen nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, suy tư, tìm hiểu vẫn thấy còn bao điều chưa biết. Báo PNO sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về những con đường "quen mà lạ" Sài Gòn. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc.

Nằm trước chợ Xóm Chiếu, đường Đinh Lễ là một trong những chứng nhân của ngôi chợ sầm uất này.

Theo lời kể của các tiểu thương buôn bán lâu năm trong chợ, con đường này trước kia là một bờ kênh. Khu vực chợ Xóm Chiếu lúc trước chỉ là một bãi sình lầy, nơi tập trung buôn bán của tàu thuyền từ bến Vân Đồn vào.

Đường Đinh Lễ và chợ Xóm Chiếu nhìn từ đường Lê Thạch

Đường Đinh Lễ và chợ Xóm Chiếu nhìn từ đường Lê Thạch

Chợ Xóm Chiếu từng là nơi tụ tập của nhiều băng đảng, đàn anh, đàn chị. Tuy nhiên, sau những biến chuyển của thời cuộc, nơi đây ngày càng yên bình.

Theo lời chú Biểu (80 tuổi) bán mắt kính ở chợ cho biết, trước đây vị trí của chợ Xóm Chiếu là một nhà tù của Pháp. Rồi nhà tù không còn, người dân mới nhóm họp, lập chợ trời để buôn bán. 

Chú Biểu - một trong những cư dân lâu năm tại khu vực chợ Xóm Chiều

Chú Biểu - một trong những cư dân lâu năm tại khu vực chợ Xóm Chiếu

Ngày trước, chợ Xóm Chiếu lụp xụp mái lá, mái tôn. Dân cư xung quanh chủ yếu là lao động nghèo. Trong ký ức của nhiều người, những ngôi nhà gỗ, nhà sàn và con đường lúc nào cũng sình lầy vẫn là kỷ niệm không bao giờ quên. Từ khi chợ được cất lại, nơi đây ngày càng sạch sẽ, khu chợ bây giờ được xây bằng đúng khu chợ của ngày xưa.

Trước chợ Xóm Chiếu giờ là cao ốc Đinh Lễ. Đặc biệt, tòa cao ốc này được đánh số 1 và cũng là số nhà duy nhất trên con đường này. Nơi đây từng là một nhà thương có từ thời Pháp. Là địa chỉ tin cậy của người dân lao động nghèo.

Cô Hạnh (68 tuổi) - chủ một tiệm tạp hóa ở đây cho biết, nhà thương này có kiến trúc khá đặc biệt. Khi đập bỏ để xây dựng cao ốc, người ta không tìm thấy bất kỳ thanh thép hay sắt nào trong kết cấu của nhà thương.

Ngoài ra, theo lời chú Biểu kể, gần bệnh viện có một cái bốt lính canh gác được xây từ thời Pháp bằng đá, dưới có hầm. 

Cô Hạnh (trái) và cô Thoa (phải) hiện đang sinh sống trong cửa tiệm nhỏ của mình

Cô Hạnh (trái) và cô Thoa (phải) hiện đang sinh sống trong cửa tiệm nhỏ của mình

Trong ký ức của cô Thoa (70 tuổi), hơn ba mươi năm trước, ngày đó cô bán bánh cuốn ở đường Lê Thạch (cắt đường Đinh Lễ) thì chợ Xóm Chiếu ngày ấy rất sôi động và đáng nhớ.

Trên đường Lê Thạch đoạn cắt Đinh Lễ từng có quán ăn Tư Sang với món bò kho ngon số dách. Chiều chiều, thực khách đến đây ngoài món bò kho, họ còn kêu thêm bia hơi. Đây là một trong những quán nhậu nổi tiếng nhất khu vực này. Cạnh quán Tư Sang còn có quán Nguyệt Hồng cũng ngon không kém.

Khu vực này cùng từng rất nhộn nhịp với nhiều bệnh viện và trường học. Cô Hạnh cho biết, nhà thương Đại Đồng và bảo sanh Hữu Đức nổi tiếng nhất khu này. Còn trường Công Tâm lúc nào cũng nườm nượp học sinh vì có thầy giáo giỏi.

Cô Hạnh cho biết, trước đây theo lời kể của những người lớn, trong chợ từng có rạp chiếu bóng, lúc nào cũng chật kín chỗ. Phía ngoài Hoàng Diệu là khu vực ngã tư, lâu lâu lại có trò mô tô bay - môn xiếc khuynh đảo một thời. Khu vực này cũng từng có rất nhiều người Hoa làm ăn, sinh sống.

Sau năm 1975, các địa điểm nổi tiếng này cũng mất dần. Các con đường xung quanh cũng lần lượt thay tên.

Đường Đồ Thành Nhân đổi thành Đoàn Văn Bơ, đường Trịnh Minh Thế đổi thành Nguyễn Tất Thành…

Thế nhưng, cụm đường danh tướng thời Lê xung quanh chợ Xóm Chiếu là Đinh Lễ, Lê Thạch, Lê Quốc Hưng và Lê Văn Linh vẫn không thay đổi. 

Tấn Đồng

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI