Người trẻ và trăn trở thư viện hoa văn thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam

07/12/2020 - 17:52

PNO - Với mong muốn bảo tồn và ứng dụng hoa văn thổ cẩm vào cuộc sống, Ethnicity - dự án thư viện hoa văn thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam đã được lập ra bởi một nhóm bạn trẻ tại TPHCM.

Số hóa để bảo tồn hoa văn thổ cẩm

Năm 2018, trong một lần đi chơi tại Bảo Lộc, nhận thấy các làng nghề dệt vải của dân tộc K’Ho và Mạ ngày càng mai một, Phan Văn Quyền và nhóm bạn quyết định thành lập dự án bảo tồn nét độc đáo của hai dân tộc này.

Chuyến đi năm 2018 của Ethnicity
Chuyến đi năm 2018 của Ethnicity

Hành trình đi tìm chỉ dấu của cộng đồng thiểu số nơi đây vô cùng khó khăn. Theo Bùi Đức Tài – đại diện dự án, người dân nơi đây không còn mặn mà với sợi dệt khung cửi. Thế hệ trẻ cũng chẳng đoái hoài đến nghề thủ công này.

Ban đầu, nhóm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cũng như giao tiếp với đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, các hiện vật ở đây cũng không còn nhiều. Ngoài những hoa văn thổ cẩm trên quần, áo hay các dụng cụ thì các hình ảnh đặc trưng của cộng đồng chỉ còn lại khá ít.

“Người Mạ có hoa văn đặc trưng là ma tơ ghe. Đó là một bông hoa biểu trưng cho sự may mắn mà mọi người thường tặng nhau vào mùa gặt hoặc mua thi. Trong quá trình kiếm tìm, nhóm may mắn được tận mắt chứng kiến một tấm chăn dài của một cặp vợ chồng ở Bảo Lộc. Đó là món quà họ được tặng trong ngày cưới. Nó rất đẹp, hoa văn rất độc đáo”, Tài cho biết.

Tấm thổ cẩm của người dân tộc K'Ho
Tấm thổ cẩm của người dân tộc K'Ho

Tìm kiếm đã khó, số hóa còn khó hơn. Nguyễn Linh -  thành viên dự án cho biết nhóm phải nghiên cứu rất kỹ về khung cửi, cách lên dây, đường chỉ từ các nghệ nhân.

“Tụi mình phải thiết kế khung cửi số sao cho y hệt thực tế, cách vận hành nó cũng giống như khung cửi thật. Bên cạnh đó, màu sắc của các sợi dệt cũng được nhóm chú ý vì từ ban đầu, mục tiêu của nhóm là tái hiện lại vẻ đẹp nguyên bản hoa văn thổ cẩm của hai dân tộc này”, Linh chia sẻ.

Các hoa văn sau khi được số hóa sẽ được gửi lại người dân để đánh giá kết quả. Ngoài ra, nhóm còn lập một nhóm giám sát là các già làng, các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu về văn hóa thổ cẩm để đánh giá, nhận xét các hoa văn.

Tính đến tháng 11/2020, thư viện Ethnicity đã có hơn 200 hoa văn thổ cẩm của hai dân tộc Mạ và K’Ho. Đây được xem là thư viện hoa văn thổ cẩm đầu tiên tại Việt Nam.

Thư viện của mọi người

Việc tạo được thư viện số là thành công bước đầu của nhóm. Tuy nhiên, theo Bùi Đức Tài, chỉ bảo tồn mà không ứng dụng thì cũng như không.

Tháng 11/2020, trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, các hình ảnh của thư viện Ethnicity đã được sử dụng phục vụ cho phần hình ảnh. Trước đó, nhóm cũng đã trình làng các sản phẩm ứng dụng từ kho hoa văn thổ cẩm này như áo thun, template CV, powerpoint…

Trở lại với câu chuyện bảo tồn, theo Nguyễn Linh, sau khi thư viện đã hoàn tất, những người tham gia trực tiếp xây dựng thư viện không chỉ là nhóm mà là cả cộng đồng.

“Nhóm sẽ phát triển theo từng cộng đồng dân tộc. Người dân sẽ chụp và gửi lại các hoa văn thổ cẩm của họ. Việc của Ethnicity là số hóa và đưa lên thư viện. Công việc này là của toàn thể 54 dân tộc anh em và đây là thư viện chung của mọi người”, Linh chia sẻ.

Song song đó, Tài cho rằng nếu mô hình này được nhân rộng thì thư viện sẽ ngày càng có giá trị. Anh cho rằng một phần dự án sẽ được đưa vào chương trình giáo dục hay việc xem nó là tư liệu học tập dành cho thiết kế đồ họa là hoàn toàn khả thi.

Vừa qua, trong đợt tập huấn "Nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ dân tộc thiểu số và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa thông qua việc phục hồi nghề dệt truyền thống", ngoài mang đến những điều mới lạ, Ethnicity còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có nghệ nhân Hà Thanh Dương đến từ Thanh Hóa. Ông từng đốt khung cửi từ 15 năm trước nhưng chính hoài bão của Ethnicity đã khiến nghệ nhân người Mường này cam kết trở lại với nghề.

Nguyễn Linh và nghệ nhân Hà Thanh Dương nói chuyện về nghề dệt thổ cẩm
Nguyễn Linh và nghệ nhân Hà Thanh Dương nói chuyện về nghề dệt thổ cẩm

Chia sẻ về hành trình phát triển tiếp theo của Ethnicity, Tài cho rằng dự án sẽ không bao giờ dừng lại.

“Ethnicity không chỉ muốn nhân rộng mô hình này ở Việt Nam mà còn muốn mang nó ra thế giới”, anh chia sẻ.

Ethnicity và hành trình mang thổ cẩm ra thế giới
Ethnicity và hành trình mang thổ cẩm ra thế giới

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI