Con dâu là... khách

16/11/2018 - 08:44

PNO - Chị buồn, tự hỏi tại sao mình đã cố gắng yêu thương mà con dâu vẫn không thoải mái khi sống cùng.

Gia đình đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con. Vậy nên, chị dang rộng vòng tay, yêu thương con dâu như con gái. Chị không để con làm bất cứ việc gì trong nhà, chỉ cần “vợ chồng nó” hạnh phúc bên nhau là đủ.

Rước dâu về chưa bao lâu, thấy con có ý thích căn phòng rộng rãi hơn, chị không ngần ngại nhường phòng của mình. Thôi kệ, chị chỉ một mình, ở có bao nhiêu. Sắp nhỏ mai này còn sinh con cái, để chúng sống trong căn phòng lớn cũng hợp lý.

Hằng ngày, các con đi làm, chị ở nhà cơm nước và lo tất cả việc nội trợ. Rồi con dâu có bầu, sinh con. Một tay chị bồng bế chăm nom cho cả mẹ và con. Cứ tưởng sự tận tụy của mẹ chồng khiến con dâu cảm thấy thoải mái. Nào ngờ một hôm, chị loáng thoáng nghe vợ chồng tranh luận. Vợ muốn sau này ra riêng. Chồng bảo không được, ra riêng rồi mẹ một mình với tuổi già, phải làm sao. Hai đứa cãi nhau một trận.

Con dau  la... khach
Ảnh minh họa.

Chị buồn, tự hỏi tại sao mình đã cố gắng yêu thương mà con dâu vẫn không thoải mái khi sống cùng. Ban ngày đi làm, chiều về đã có sẵn cơm nước, chỉ việc ngồi ăn, sau đó ở bên cạnh chồng con. Nhiều đêm loay hoay dọn rửa sau bữa ăn, nghe con dâu cười nắc nẻ khi nựng con, chị thở dài. Có được mấy người làm dâu sướng như vậy? Ba năm nay, con chưa từng nấu một bữa ăn, rửa chén hay lau dọn nhà cửa. Mỗi khi cần một vật dụng gì đó, con không biết để ở đâu, dù chị sắp xếp nhà cửa rất ngăn nắp. Con cứ như một vị khách lạ trong ngôi nhà của mình.

Có lẽ con là khách thật, bởi con không có ý định sống ở đây lâu dài. Tất cả là tạm thời, chỉ vì con cần có người trông cháu. Hôm qua, con đã bóng gió nói những dự định của mình. Khi nào đứa bé đến tuổi đi nhà trẻ, vợ chồng con sẽ dọn ra sống riêng.

Chị không có ý trói buộc các con, tuổi trẻ cần có tự do. Nhưng hai vợ chồng thu nhập chỉ tương đối, lại xài sang, đã tiết kiệm được bao nhiêu mà đòi bay nhảy. Chị hỏi, con trai gãi đầu rồi thành thật nói gia đình bên vợ sẽ cho một khoản, chị có thể bán căn nhà mặt tiền hiện tại rồi mua một căn khác rẻ hơn, để con lấy một phần... Thấy chị im lặng, con nói thêm, con chỉ muốn lấy phần tài sản của con, thật ra con không muốn làm như vậy, nhưng vợ ép quá. Nếu con không thuận theo, vợ chồng có thể đổ vỡ.

Tối đó, chị trằn trọc khó ngủ. Mảnh đất này được truyền từ đời ông nội chồng. Ngày xưa, ngôi nhà chỉ là mái tranh ọp ẹp, chị về làm dâu bữa đói bữa no. Thành phố mở rộng, đường sá thông thương, vợ chồng chị chí thú làm ăn cả đời mới xây được ngôi nhà khang trang. Nó không chỉ là ngôi nhà, nó còn là nơi kết nối bao thế hệ, chị nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm của những người thân thương. Bán đi là mất gốc, là có lỗi với tổ tiên. 

Nhìn con trai rầu rĩ, chị càng buồn. Con chị là đứa sống tình cảm và hơi yếu đuối. Chị biết con rất khổ sở, đã đấu tranh với nhiều mâu thuẫn rồi mới dám ngỏ lời xin mẹ bán nhà. Dường như con không thể thuyết phục được vợ trong mọi vấn đề.

Buồn rầu mấy hôm, chị sinh bệnh, không ngồi dậy nổi nhưng vẫn cố gắng chăm sóc cháu. Thằng nhỏ đã quen hơi bà nội, dù cuối tuần có mẹ ở nhà nhưng vẫn chỉ đòi bà. Quần áo dơ không có ai cho vào máy giặt, nhà cửa không quét, bếp núc không lau. Chị tự nhủ thôi kệ, vài hôm khỏe lại sẽ dọn sau.

Cái gì cũng có thể đợi nhưng mấy chậu kiểng thì không. Thiếu nước, cây cối vàng vọt, héo lá. Thấy con dâu đang đứng ở sân, chị lên tiếng nhờ tưới giúp. Con ậm ừ rồi không làm, có lẽ con quên. Lúc vào phòng vệ sinh, thấy nền gạch không sạch, con lật đật xỏ đôi dép dù gia đình không có thói quen đi dép trong nhà. Thà đi tìm dép chứ nhất định không dọn rửa cho sạch, chị không ngạc nhiên về hành động đó của con dâu. Nó cũng giống như thỉnh thoảng con lau sàn nhà chỉ trong khu vực phòng ngủ riêng. Con không hề có một chút trách nhiệm nào với phạm vi ngoài căn phòng ấy.

Nằm bệnh với nỗi lòng trĩu nặng, chị ứa nước mắt hoài. Lẽ nào việc bán ngôi nhà này là điều không thể tránh? 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI