Giảm tải áp lực học hành: Hãy cho con một điểm tựa

27/09/2017 - 08:45

PNO - Diễn tiến tâm lý của con người sau một khát vọng chưa được đáp ứng, nếu thiếu bản lĩnh, họ sẽ bị rơi vào khủng hoảng rồi chuyển sang chán nản - buông xuôi hay các hoạt động vui chơi - quậy phá...

Vụ việc một học sinh THCS tại TP.HCM tự tử sau khi nhận điểm 3 môn tiếng Anh có thể xem là một cú sốc lớn với ngành giáo dục, để lại nhiều trăn trở cho các phụ huynh. Đã có rất nhiều luận bàn trên các góc độ, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và một người từng là nạn nhân của sức ép học hành.

Giam tai ap luc hoc hanh: Hay cho con mot diem tua
Không việc gì vì một giấc mơ học vấn mà sống trong lo lắng, sợ hãi và gặp ác mộng cả đời - Ảnh minh họa: P.Huy

“Lơ tơ mơ”, chán sống vì học 

Từ thực tế tư vấn tâm lý, tôi nhận thấy có khá nhiều học sinh bị áp lực học tập đến mức căng thẳng và không thiết sống. Minh T. - học sinh một trường THCS ở TP.HCM thường xuyên bị giáo viên phê bình trong lớp về việc phát âm tiếng Anh kiểu ngậm hột thị, kiểu nhát gừng…

Không chỉ căng thẳng bởi thầy cô, cha mẹ, những lời chọc ghẹo từ bạn bè đã khiến T. thêm tủi hổ, mặc cảm. Khi thấy trên mạng xã hội có ai đó làm nick ảo với hình của T., để đăng những câu nói tiếng Anh nhại giễu, T. đã muốn bỏ đi thật xa, muốn hủy hoại bản thân. Từ ít nói, lầm lì, sợ sệt… em trở nên trầm cảm nặng. Trong suy nghĩ của em, luôn tồn tại ý nghĩ: mình sinh ra để làm trò cho người khác, mình chết đi thì tốt hơn…

Trường hợp khác là một học sinh tiểu học bị mẹ ra tối hậu thư: “Con nhìn Tú mà xem. Cha mẹ Tú chỉ bán vé số, kiếm từng đồng... Còn con muốn ăn gì cũng có, muốn mua gì mẹ cũng cho, muốn đi đâu mẹ cũng chiều. Nếu con không đạt điểm tuyệt đối kỳ thi này thì đừng nói chuyện với mẹ”.

Kỳ thi kết thúc cũng là lúc em học sinh này rơi vào tình trạng “lơ tơ mơ”. Em học cả trong giấc ngủ, đọc cửu chương trong giấc mơ và nói tiếng Anh khi thức dậy đi toilet một mình giữa khuya... Cũng may, tình trạng này được phát hiện sớm nên chưa có hậu quả đáng tiếc.

Rèn bản lĩnh đón nhận thất bại

Không thể phủ nhận việc đánh giá là những yêu cầu căn bản của học hành. Thế nhưng, khả năng nhận thông tin, cấp độ cảm xúc tiêu cực và stress ở mỗi cá nhân lại khác nhau. Áp lực từ bản thân, áp lực từ bên ngoài làm cho những đứa trẻ yếu đuối không thể chịu đựng, chúng rơi vào trạng thái bức bách, khó chịu, mệt mỏi, chán chường… 

Giam tai ap luc hoc hanh: Hay cho con mot diem tua
 

Hành động giải thoát bản thân là hành động dù tiêu cực nhưng mang đến cho trẻ cảm giác “thế là xong” và nó phản ánh sự tự vệ. Chúng ta không có quyền buộc con trẻ phải bản lĩnh, nhưng chúng ta có quyền tập cho con trẻ bản lĩnh. Hơn hết, chúng ta không cần mang đến cho con trẻ những gánh nặng quá lớn hay sự ảo tưởng. Và đương nhiên, người lớn cần đồng hành, đồng cảm với con thay vì những biểu hiện lạnh lùng, chất vấn hay phê phán...

Không chỉ phụ huynh, một số trường học vẫn gây sức ép, buộc học sinh phải có kết quả học tập tốt, không được phép có điểm kém hay điểm dưới trung bình, không cho phép rớt tốt nghiệp... Nhiều nhà trường có những quy định thiếu tính giáo dục như: không chấp nhận một tình huống học tập không tốt, khuyến khích rút hồ sơ nếu như có nguy cơ rớt tốt nghiệp... những điều này khiến tâm lý của trẻ thật sự nặng nề và không thể “mỗi ngày tới trường là một ngày vui”.

Cuộc sống là những mảng màu đan xen nhau. Diễn tiến tâm lý của con người sau một khát vọng chưa được đáp ứng, nếu thiếu bản lĩnh, họ sẽ bị rơi vào khủng hoảng rồi chuyển sang chán nản - buông xuôi hay các hoạt động vui chơi - quậy phá...

Theo nguyên lý của sự “chuyển di” năng lượng và những “dồn nén” nội tại, không ít cá nhân đã chọn lựa cách giải thoát rất tiêu cực và nguy hiểm. Vì thế, sự đồng cảm, sát cánh, chấp nhận tạm thời và hết lòng của người xung quanh trở thành điểm tựa quan trọng và cần thiết với nạn nhân…

Thực tế cuộc sống cho thấy có khá nhiều thách thức cho mỗi người. Thi không đỗ hay thất bại với mục tiêu cũng chỉ là một thách thức, không phải tất cả. Nếu không vững tin vào chính mình, không biết đối diện với sự thật, nhiều bạn trẻ sẽ không thể tìm ra được lối đi. 

Nếu không muốn con cái ngã quỵ sau thất bại thì hãy dạy con bài học thất bại một cách an toàn. Nếu không muốn con ảo tưởng thì cần dạy những thách thức để có sự thành công. Hành trình đứa trẻ lớn lên là hành trình phát triển. Hành trình này cần có thời gian và đó là sự cố gắng lâu dài. Không thể đòi hỏi một học sinh, một đứa trẻ hoàn thiện mà không cần thời gian…

Và cuộc sống này minh chứng rằng hãy cho ai đó một điểm tựa, người ta sẽ thấy mình mạnh mẽ diệu kỳ. Điểm tựa ấy không gì khác hơn là tình thương, sự chấp nhận, sự yêu cầu vừa  sức và đậm chất nhân văn của người lớn dành cho con trẻ. 

Cần định nghĩa lại thành công

Cần thay đổi nhận thức về sự giỏi giang và thành công của con cái. Sự thành công của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay kiến thức mà trẻ đang có. Sự thành công của con người phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống hay trí tuệ xã hội.

Để giải quyết điều này, đừng biến con mình thành nô lệ của kiến thức mà hãy giúp con trở thành ông chủ của tri thức. Hãy tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách bình thường mà không phải trở thành những “nạn nhân học tập”.

TS Huỳnh Văn Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI