Có gì trong công trình giúp cố giáo sư Ca Văn Thỉnh được đề cử xét Giải thưởng Hồ Chí Minh?

28/10/2020 - 07:01

PNO - Với độ dài hơn 400 trang, “Hào khí Đồng Nai” nêu bật nhiều nét đẹp trong văn hoá, con người Nam Bộ.

Vừa qua, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cấp cơ sở tỉnh Bến Tre đã thông qua việc đề nghị xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước cho cố giáo sư Ca Văn Thỉnh với công trình Tuyển tập Hào khí Đồng Nai, với sự tán thành của 19/19 thành viên hội đồng. Cố giáo sư Ca Văn Thỉnh là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu về Nam Bộ.

NSƯT Ca Lê Hồng, con gái của cố giáo sư Ca Văn Thỉnh cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi quê hương của cha đã thông qua hồ sơ. Tuy nhiên, trong khi chờ đến vòng xét cấp Nhà nước vẫn không thể nói trước điều gì. Chúng tôi chỉ mong những điều tốt đẹp nhất”.

NSƯT Ca Lê Hồng lần giở những tài liệu của cha để thực hiện thành tuyển tập Hào khí Đồng Nai
NSƯT Ca Lê Hồng lần giở những tài liệu của cha để thực hiện thành tuyển tập Hào khí Đồng Nai

Hào khí Đồng Nai là tuyển tập được ông Nguyễn Long Trảo (chồng của NSƯT Ca Lê Hồng) tổng hợp lại từ nhiều bài nghiên cứu hoàn chỉnh trước đó của cố giáo sư Ca Văn Thỉnh với bút danh Ngạc Xuyên (có nghĩa là rạch Cá Sấu, một địa danh ở tỉnh Bến Tre, quê hương ông). Trong đó, có cả những di cảo chưa từng được công bố.

Hào khí Đồng Nai gồm 20 chương, với hơn 400 trang, nói về mảnh đất, con người Nam Bộ: đất và người Nam Bộ từ chuyện cổ tích, dân gian, Khổng học ở đất Đồng Nai, Nguyễn Văn Thoại với sự tích đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế... Hào khí Đồng Nai là chí khí, sự gan dạ của người Việt thời đi mở cõi và cũng là sự tiếp biến, phát triển từ Hào khí Đông A. 

Trong 20 chương, có 1 chương về tác giả - cố giáo sư Ca Văn Thỉnh do ông Nguyễn Long Trảo viết. Ông Trảo cho biết, tuyển tập Hào khí Đồng Nai từng được đề xuất xét Giải thưởng Nhà nước cho cố giáo sư Ca Văn Thỉnh, nhưng gia đình mong muốn được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sở dĩ ông tin tưởng điều này bởi có nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã dành những lời khen và đánh giá cao giá trị những tài liệu mà cố giáo sư Ca Văn Thỉnh để tại.

Bìa và một số mục trong tuyển tập Hào khí Đồng Nai
Bìa và một số mục trong tuyển tập Hào khí Đồng Nai

NSƯT Ca Lê Hồng đã liên hệ với Thư viện Khoa học Xã hội để trích lục lại một số tài liệu, may mắn vẫn còn lưu trữ. Phần lớn công trình này được hoàn thiện bởi công sức của chồng bà. Ông Nguyễn Long Trảo cho biết, sau khi cố giáo sư Ca Văn Thỉnh qua đời năm 1987, ông bắt đầu tổng hợp tài liệu, nhưng đến năm 1994, sau khi về hưu mới bắt đầu thực hiện công trình Hào khí Đồng Nai

“Ông cụ (cố giáo sư Ca Văn Thỉnh - PV) viết chữ rất nhỏ, và viết trên rất nhiều loại giấy, chất liệu nên quá trình tổng hợp lại rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Nhưng gia đình chúng tôi luôn hiểu được giá trị của chúng nên cố gắng. Đó là thành quả của những chuyến đi của ông để làm rõ về văn hoá, con người Nam Bộ trước những nhận định phiến diện, không đúng đắn, để từ đó hậu bối có quyền tự hào về nơi mình sinh ra, lớn lên với những giá trị văn hoá rất đẹp”, ông Nguyễn Long Trảo chia sẻ.

Đến năm 2014, tuyển tập được hoàn thành, in 500 bản, với kinh phí hoàn toàn từ gia đình. Sau đó, Nhà xuất bản Trẻ xin tổng hợp lại một số tư liệu để cho ra đời Đất và người Nam Bộ, đoạt giải B trong Giải thưởng Sách quốc gia 2018. 

Ông Nguyễn Long Trảo, người đã thu thập tài liệu và thực hiện thành tuyển tập
Ông Nguyễn Long Trảo, người đã thu thập tài liệu và thực hiện thành tuyển tập Hào khí Đồng Nai

Thành uỷ TPHCM từng cấp kinh phí để gia đình cố giáo sư Ca Văn Thỉnh hoàn thành tổng tập về ông, do Nhà xuất bản Tổng hợp xuất bản năm 2015, dài khoảng 1.000 trang. Tổng tập này cũng bao hàm nhiều thông tin từng xuất hiện trong 2 quyển sách kể trên.

Nhận định về tổng tập này, giáo sư Vũ Khiêu nói: “Tổng tập Ca Văn Thỉnh sẽ trở thành tư liệu tham khảo quý báu cho các nhà nghiên cứu khoa học trong việc tìm hiểu những đặc trưng văn hoá của vùng đất Nam Bộ. Từng trang của cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc nhữn ký ức đầy tự hào về một thời lịch sử vẻ vang, hào hùng của nhân dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung”.

Đất và người Nam Bộ có nhiều nội dung nằm trong Hào khí Đồng Nai
Đất và người Nam Bộ có nhiều nội dung nằm trong Hào khí Đồng Nai
Một số tài liêu gia đình sưu tầm và photocopy để lưu giữ
Một số tài liệu gia đình sưu tầm và photocopy để lưu giữ

Cố giáo sư Ca Văn Thỉnh sinh năm 1902, ở tỉnh Bến Tre. Năm 17 tuổi, ông đậu Thành chung và lên Sài Gòn học Trường Trung cấp Sư phạm. Từ 1925- 1927, ông học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội. Thời sinh viên, cố giáo sư hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Hà Nội. 

Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Bến Tre. Giai đoạn 1928 -1945, giáo sư Ca Văn Thỉnh sống tại Bến Tre vừa dạy học vừa tham gia các hoạt động yêu nước. Từ tháng 6/1945, ông tích cực tham gia nhiều phong trào yêu nước.

Hình ảnh hiếm hoi của cố giáo sư Ca Văn Thỉnh
Hình ảnh hiếm hoi của cố giáo sư Ca Văn Thỉnh

Giáo sư Ca Văn Thỉnh từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo như: Quyền bộ trưởng Bộ Giáo dục, ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm ủy viên Ủy ban Liên Việt Nam bộ, phụ trách Vụ Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao… Sau 30/4/1975, ông được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội miền Nam, đại diện Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tại TPHCM.   

Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng I, Huân chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng I, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.

Các con của ông đều là những người nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật: NSƯT Ca Lê Hồng, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến).

Ngày 11/11/2013, UBND tỉnh Bến Tre công nhận Khu lưu niệm giáo sư Ca Văn Thỉnh ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI