Chúng ta đang hiểu sai về nạn quấy rối tình dục

26/02/2022 - 06:34

PNO - Thiếu nhận thức có thể là lý do lớn nhất khiến tình trạng quấy rối tình dục có đất sống.

Vừa qua, dư luận chia sẻ nhiều về việc Ngô Hoàng Anh - người vừa lọt vào danh sách những nhân vật tiêu biểu ở độ tuổi dưới 30 của tạp chí Forbes Việt Nam - bị tố cáo đã từng quấy rối tình dục nhiều em nhỏ ở tuổi vị thành niên. Câu chuyện cho thấy một số điểm ta vẫn còn hiểu sai về vấn nạn này.

Nhiều dạng quấy rối tình dục

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Có ba dạng quấy rối tình dục. Thứ nhất là dạng hành vi như sờ mó, động chạm; điển hình như cố tình va chạm trên xe buýt, khoác vai ôm eo mà không xin phép, dụ dỗ ép buộc hẹn hò khi đã bị từ chối. Dạng thứ hai phi lời nói, thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể như phô bày bộ phận sinh dục, trưng ra hành vi dâm ô, gửi tài liệu khiêu dâm. 

Cuối cùng là quấy rối bằng lời nói - thường xảy ra nhất nhưng cũng bị coi nhẹ nhất. Bạn trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục khi bị trêu chọc một cách khiếm nhã, khi phải nghe những lời đùa cợt dung tục, khi bị lôi vào các cuộc nói chuyện về tình dục ngoài ý muốn.

Quấy rối tình dục có thể bị xử lý hình sự 

Hiện nay ở Việt Nam, quấy rối tình dục chưa bị xử lý hình sự mà chỉ bị phạt dân sự, trừ trường hợp quấy rối tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi. Điển hình là câu chuyện cô gái bị cưỡng ép hôn trong thang máy, kẻ tấn công chỉ bị phạt 200.000 đồng. Nhiều nước đã hình sự hóa quấy rối tình dục và tương lai Việt Nam cũng có thể cân nhắc thay đổi.

Giải pháp này có thể giải quyết tình trạng 87% phụ nữ Việt Nam bị quấy rối tình dục, theo một báo cáo của Actionaid năm 2015. 87% là con số cao hơn cả Ấn Độ (79%) - một nước thường bị gắn với định kiến phụ nữ bị tấn công tình dục và cao hơn nước láng giềng Campuchia (77%), thậm chí cao hơn một quốc gia khá bảo thủ theo Hồi giáo là Bangladesh (57%).

Quấy rối tình dục xảy ra cả với đàn ông

Trong chương trình Hành lý tình yêu phát trên ti vi gần đây, một chàng trai chủ quán phở mang theo một tô phở tự nấu. Khi tô phở được bưng ra, diễn viên L. sau khi nếm phở đã sờ nắn bắp tay của chàng trai, khen "bắp ngon", rồi sờ luôn… cả vào ngực của anh. Hầu như không ai cho rằng đó là hành vi quấy rối và hành động sờ soạng phát đi cho hàng triệu khán giả đó hoàn toàn không có sự đồng thuận.

Trong thực tế, nạn nhân nam bị quấy rối và tấn công tình dục chiếm tỷ lệ rất cao. Tại Mỹ, 43% đàn ông từng bị quấy rối (ở nữ là 81%). Tại Úc, gần một nửa các đơn tố cáo quấy rối tình dục là từ phía những nạn nhân nam giới. Một nghiên cứu trên sinh viên tại 32 quốc gia cho thấy, 2,4% đàn ông và 1,8% phụ nữ thừa nhận mình đã từng bị cưỡng hiếp.

Tuy nhiên, định kiến gắn giá trị đàn ông với ham muốn nhục dục lại khiến rất ít người dám lên tiếng. Chỉ 13% đàn ông tố cáo kẻ hãm hại, trong khi con số này ở phụ nữ là 39%. Định kiến này cũng cho phép chúng ta có một tiêu chuẩn kép. Khi phụ nữ bị quấy rối thì ta lên tiếng. Nhưng khi đàn ông bị quấy rối trắng trợn trên ti vi, trong một chương trình phát sóng toàn quốc, thì không mấy ai để ý.

Ấy là vì ta vô tình cho rằng, với phụ nữ thì “cơ thể” = “phẩm hạnh”. Và phẩm hạnh đó được quyết định bằng ý chí nhục dục “của kẻ khác”. Khi cơ thể họ bị tấn công, họ không trở thành nạn nhân mà trở thành tội đồ vì không bảo vệ được phẩm hạnh của mình.

Tuy nhiên, với đàn ông, “cơ thể” = “vũ khí”. Họ phải dùng vũ khí đó để vơ vào, thử cho biết, không thích cũng làm miếng cho vui, giết thừa còn hơn bỏ sót. Giá trị của họ được quyết định bằng thước đo ham muốn dục tính theo khuôn mẫu “của xã hội”. Khi cơ thể họ bị tấn công, họ không thể thanh minh vì logic sau: cơ thể của anh là vũ khí. Làm gì có chuyện kẻ có vũ khí lại không dùng nó để tấn công?

Thủ phạm quấy rối đàn ông có cả nam lẫn nữ. Tại Úc, 4/5 trường hợp thủ phạm là nam. Tức là đàn ông trở thành nạn nhân của chính những người cùng giới tính. Định kiến đàn ông phải "mạnh mẽ" và là "chủ thể" của dục tính khiến họ càng khốn khổ hơn khi bị dồn vào vị thế của cả kẻ bại trận (về mặt nam tính) và nạn nhân (về mặt tình dục).

Cười hoặc im lặng không phải là đồng thuận

Ảnh mang tính minh họa - iStock
Ảnh mang tính minh họa - iStock

Trong một mối quan hệ có tính dục, điều quan trọng nhất là sự đồng thuận. Tuy nhiên, đồng thuận chỉ có ý nghĩa khi:

1. Đồng thuận có thể dừng bất kỳ lúc nào, thậm chí ngay cả nửa chừng khi hành động đang diễn ra.

2. Đồng thuận phải liên tục lặp lại. Bạn đồng ý hôn một lần không có nghĩa là lần sau người kia có quyền tiếp tục. Họ phải xin phép bạn. 

3. Đồng thuận chỉ có ý nghĩa khi những người liên quan hiểu về hậu quả của nó. Chính vì thế, lời đồng thuận của trẻ vị thành niên, trẻ em không có giá trị.

4. Đồng thuận phải được đưa ra với một sự khẳng định rõ ràng thay vì những câu nói mập mờ như “Em nghĩ thế”, “Anh đoán vậy”. Đó phải là những câu như: "Vâng, em ok", "Được, anh đồng ý". Im lặng hay thả biểu tượng mặt cười không phải là đồng thuận.

5. Đồng thuận được đưa ra với một thái độ hào hứng. E dè, e thẹn, nghi ngại, dùng dằng, không dứt khoát… tức là không có đồng thuận.

6. Cuối cùng, đồng thuận phải được đưa ra mà không có bất kỳ áp lực nào. 

Không phải nạn nhân nào cũng có thể nói không với quấy rối tình dục

Điểm thứ sáu ở trên liên quan mật thiết tới sự chênh lệch quyền lực, tác động tiêu cực đến khả năng phản kháng của nạn nhân. Họ lo sợ hậu quả nên phải suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc. 

Chênh lệch quyền lực có thể đến từ sự khác biệt trong tuổi tác, khả năng chuyên môn, vị trí và kết nối xã hội, giới tính, sắc tộc, sự giàu có… Chính vì thế, trong nhiều vụ án về quấy rối tình dục, tòa án đôi khi bác bỏ sự đồng thuận vì cho rằng nạn nhân bị buộc phải tỏ ý đồng thuận trong tình trạng bị áp lực, ví dụ như giữa sếp và nhân viên.

Nói về quấy rối tình dục không phải là chỉ đường cho hươu chạy

Thiếu nhận thức có thể là lý do lớn nhất khiến tình trạng quấy rối tình dục ở Việt Nam tệ như vậy. Một xã hội văn hóa trọng nam khinh nữ khiến ta có nguy cơ coi nhẹ việc phụ nữ trở thành trò mua vui, bị dục hóa, vật hóa. Đó là những câu nói cửa miệng như “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”; "có thích mới trêu", "trêu tí gì mà căng"…

Đó cũng là định kiến coi thường đàn ông, nhìn họ như một giống loài nghiện sex, nông cạn, lý trí yếu kém nếu phải đối mặt với ham muốn nhục dục. Trong câu chuyện của Ngô Hoàng Anh, một em học sinh chia sẻ, em được cô giáo giải thích kẻ quấy rối có nhiều “ẩn ức tình dục”, “nam tính quá mạnh”. Lời giải thích đó đã hạ thấp đàn ông trong việc họ hoàn toàn có khả năng dùng bản lĩnh con người văn minh để chiến thắng bản năng. 

Bộ luật Hình sự, điều 146 quy định tội dâm ô và điều 147 quy định tội dụ dỗ trẻ em với mục đích khiêu dâm đều có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu một giáo viên có thể trở thành nạn nhân của định kiến, thì tức là chính người có trách nhiệm “chỉ đường cho hươu chạy đúng” sẽ chỉ đường sai. Như vậy, giải pháp phải mang tính toàn diện. Việt Nam khá tụt hậu trong việc đưa giáo dục giới tính vào trường học. Đó không thể chỉ là các tài liệu cho học sinh, vài buổi nói chuyện đơn lẻ mà phải là một hệ thống hoàn chỉnh gồm cả tập huấn cho giáo viên, các quy trình để nạn nhân khai báo, các cơ chế hỗ trợ tinh thần, sự cộng tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ trẻ em…

Nếu vụ việc này gây được tiếng vang, nó sẽ có thể tạo ra sự thay đổi nhận thức cho cả hệ thống giáo dục. Thực tế, đây cũng là một cơ chế phổ biến để hình thành luật dựa trên các trường hợp cụ thể (case law/common law). Nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Úc, Canada, Singapore…) dùng các vụ việc cụ thể để điều chỉnh luật, hình thành luật mới và xử các vụ án trong tương lai.

Giáo dục giới tính cần phải là một nền tảng quan trọng trong giáo dục, nhằm tạo ra một thế hệ người Việt văn minh.

PGS-TS. Nguyễn Phương Mai

(Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI