Hãy để phụ nữ làm kiến trúc sư của chuyển đổi xanh

16/07/2025 - 07:02

PNO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản của quốc gia - đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình sang mô hình tăng trưởng xanh thì kinh tế xanh, nông nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu sống còn.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã khởi động các chương trình phát triển nông nghiệp xanh, du lịch sinh thái và sản xuất công nghiệp sạch. Các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã khẳng định tính khả thi và hiệu quả kinh tế. Đã có nhiều hợp tác xã (HTX) nhân rộng mô hình lúa - tôm, tôm - rừng, nông nghiệp hữu cơ để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính.

Mặc dù quy mô còn nhỏ lẻ nhưng các HTX đã chứng minh việc liên kết nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương là giải pháp hiệu quả. Hệ thống điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối, điện gió được đầu tư, khai thác nhiều hơn, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tăng hàm lượng xanh hóa sản phẩm. Các tour du lịch miệt vườn hay các tour du lịch mùa nước nổi thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.

Trong quá trình phát triển kinh tế xanh hay sản xuất nông nghiệp xanh, phụ nữ là nhân tố tích cực, luôn giữ vị trí trung tâm trong chuỗi giá trị nông sản. Chương trình “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” (năm 2019), “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm OCOP” (năm 2022), “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” (năm 2023) và “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh” (năm 2024)… không chỉ là các cuộc thi mà còn là diễn đàn kết nối ý tưởng, hỗ trợ tìm kiếm “hạt giống” cho hàng ngàn dự án khởi nghiệp xanh do phụ nữ lãnh đạo.

Tuy nhiên, định kiến giới và rào cản thể chế vẫn cản bước phụ nữ trên con đường xanh hóa kinh tế. Khó khăn lớn nhất là thiếu tài sản thế chấp vay vốn, hạn chế tiếp cận công nghệ cao, thiếu kỹ năng quản trị chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tục hành chính rườm rà, thiếu cơ chế tín dụng riêng cho doanh nghiệp do nữ làm chủ khiến tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác triệt để. Sự thiếu đồng bộ trong liên kết vùng, việc quản trị điểm đến chưa chuyên nghiệp, việc đào tạo hướng dẫn viên thiên về kỹ thuật hơn là câu chuyện văn hóa, sinh thái khiến nhiều tour du lịch xanh chưa phát huy các tiềm năng phong phú.

Để kinh tế xanh, nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL thực sự cất cánh, cần sự quyết tâm chính trị và hành động đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Trước hết, nên xây dựng nghị định chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp xanh, HTX xanh và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, với các ưu đãi về thuế, phí. Cần thiết chế hóa quỹ Phát triển kinh tế xanh ĐBSCL, huy động ngân sách nhà nước, vốn ODA và trái phiếu xanh địa phương, dành riêng nguồn vốn vay ưu đãi cho các mô hình nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái và khởi nghiệp xanh do phụ nữ lãnh đạo. Cần hình thành các trung tâm khởi nghiệp xanh ở các trường cao đẳng, đại học trong vùng; dành học bổng STEM cho nữ sinh, mở lớp tập huấn quản trị chuỗi giá trị xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát triển xanh là con đường sống còn để ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân, giải quyết sinh kế cho phụ nữ và gìn giữ giá trị văn hóa, môi trường đặc trưng. Với vai trò chủ thể trong sản xuất, khởi nghiệp và truyền thông, phụ nữ cần được trao quyền mạnh mẽ hơn để trở thành “kiến trúc sư” của sự chuyển đổi xanh.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI