Đường trùng tên, biết đâu mà lần?

17/07/2025 - 06:43

PNO - TPHCM có nhiều tuyến đường trùng tên. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, sắp xếp lại phường, xã, số đường trùng tên, trùng số lại càng nhiều, cần sớm đặt lại tên đường cho khoa học, hợp lý.

Đường trùng tên tăng mạnh sau sáp nhập

Bà Trần Thị Thanh (phường Cầu Kiệu) cho biết, khu phố nơi bà sinh sống có 2 con đường mang tên Hoa Lan khiến người dân phải gọi là “Hoa Lan lớn” và “Hoa Lan bé” để tránh nhầm lẫn. Thậm chí, bưu điện từng phát nhầm thư do không phân biệt được “lớn, bé”. Mỗi khi có người muốn đến nhà chơi, bà Thanh phải dặn kỹ: “Hoa Lan bên phải, gần chùa”. Theo bà, để tránh nhầm lẫn, thuận tiện cho việc tìm địa chỉ, cơ quan phụ trách việc đặt tên đường có thể giữ nguyên tên đường nhưng bổ sung thêm định danh địa lý, như tên phường hoặc địa danh gắn liền.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hằng (phường An Đông) cũng nhiều lần bị nhầm lẫn khi đặt xe ôm công nghệ hoặc giao hàng bởi đường Phan Văn Trị qua phường An Đông bị nhầm với đường Phan Văn Trị qua phường Chợ Quán. “Nhiều lần, tài xế gọi điện báo đã tới nhưng lại đang đậu xe ở phường khác. 2 đoạn đường cùng tên nằm gần nhau quả thật đã gây nhiều phiền toái cho dân” - chị Hằng nói. Ngoài ra, còn có đường Phan Văn Trị qua hàng loạt phường Bình Thạnh, Gia Định, Gò Vấp, An Nhơn, Hạnh Thông cũng rất dễ gây nhầm lẫn cho người đi đường. Chị đề xuất ghi tên đường là “Phan Văn Trị - An Đông” hay “Phan Văn Trị - Chợ Quán” trong địa chỉ chính thức để dễ nhận diện, tránh gây nhầm lẫn.

Nguyễn Văn Cừ và Phan Văn Trị là 2 trong số các tuyến đường bị trùng tên nhiều nhất trước và sau khi sáp nhập địa giới hành chính
Nguyễn Văn Cừ và Phan Văn Trị là 2 trong số các tuyến đường bị trùng tên nhiều nhất trước và sau khi sáp nhập địa giới hành chính

Chị Lâm Thị Mỹ Dung (phường Phú Thọ) cho biết, gia đình chị từng gặp không ít phiền toái vì trùng tên đường. “Nhà tôi ở đường Nguyễn Thị Nhỏ, nhưng lại trùng tên với một đoạn khác cũng mang tên này ở phường Minh Phụng. Không chỉ người giao hàng, mà cả người thân từ tỉnh đến chơi cũng từng nhầm lẫn, đi lạc mấy lần” - chị Dung kể. Để tránh nhầm, chị luôn phải hướng dẫn rất kỹ: “Nguyễn Thị Nhỏ đoạn gần chợ phường Phú Thọ, đừng chạy qua phường Minh Phụng là lạc đó”.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Hồng - Hội Khoa học lịch sử TPHCM - trong giai đoạn 2019-2020, TPHCM có 311 tuyến đường trùng tên, với 132 tên gọi. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, số tuyến đường trùng tên dự báo sẽ tăng cao. Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM - cho biết, sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM có diện tích hơn 6.700km² và dân số gần 14,6 triệu người, được chia thành 168 phường, xã và đặc khu.

Ông cũng xác nhận hiện tượng đường trùng tên đã tồn tại trước khi sáp nhập tỉnh, thành, phường, xã, như đường Nguyễn Văn Cừ phân chia ranh giới quận 1 và quận 5 cũng có ở huyện Bình Chánh; đường Nguyễn Trường Tộ có ở quận 4, Phú Nhuận và Tân Phú… “Sau sáp nhập, dự báo tình trạng trùng tên sẽ tăng mạnh. Trong đó, những tên đường quen thuộc như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo… xuất hiện đồng thời tại TPHCM cũ và các tỉnh mới hợp nhất” - ông Nguyễn Minh Nhật nhận định.

Tên đường nên gắn với bản sắc địa phương

Việc trùng tên đường trước hoặc phát sinh sau sáp nhập địa giới hành chính đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý đô thị. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng, sự trùng lặp tên gọi không chỉ gây khó khăn trong xác định địa chỉ, ảnh hưởng đến các thủ tục pháp lý, hoạt động bưu chính, vận chuyển hàng hóa mà còn làm giảm hiệu quả xử lý các tình huống khẩn cấp như cứu hộ, cứu nạn. Sự trùng lặp này cũng dẫn đến sự chồng chéo, bát nháo trong hệ thống dữ liệu quản lý đất đai, thuế, hộ khẩu và các công cụ định vị bản đồ hiện đại.

Cũng theo ông, từ góc nhìn văn hóa, xã hội, việc có nhiều đường mang cùng tên sẽ làm giảm ý nghĩa biểu tượng của tên gọi. Tên đường vốn là cách để ghi nhớ danh nhân, di tích hay những ký ức tập thể gắn với lịch sử địa phương nên khi bị trùng lặp, giá trị tinh thần và cảm giác gắn bó, tự hào của cư dân với nơi mình sống bị phai nhạt.

TPHCM đang xây dựng một đô thị có bản sắc nên việc đặt tên đường là khá quan trọng. Trong việc này, cần đặt yếu tố văn hóa địa phương ở vị trí trung tâm. Cụ thể, nên ưu tiên những tên gọi phản ánh rõ lịch sử hình thành, các di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống, đặc điểm địa hình hoặc những nhân vật có mối gắn bó mật thiết với từng vùng đất. Đây là cách để vừa lưu giữ ký ức cộng đồng, vừa khẳng định dấu ấn riêng biệt của từng khu vực đô thị, từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào và tăng sức hấp dẫn của địa phương trong mắt người dân lẫn du khách.

Về đề xuất giữ nguyên tên đường nhưng bổ sung địa chỉ hành chính hoặc đánh số phân biệt, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng đây là giải pháp khả thi. Nhưng ông lưu ý, biện pháp này chỉ phù hợp khi các tuyến đường trùng tên nằm cách xa nhau về mặt địa lý. Đối với những tuyến đường nằm gần nhau hoặc giáp ranh các phường, xã, việc giữ nguyên tên dễ dẫn đến nhầm lẫn, do đó cần đổi tên một cách có chọn lọc dựa trên đánh giá khoa học và lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng dân cư cũng như giới chuyên môn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, việc đổi tên đường cần được cân nhắc thận trọng để tránh những tác động tiêu cực đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp bởi việc này kéo theo hàng loạt thủ tục cần điều chỉnh như giấy tờ nhà đất, hộ khẩu, căn cước công dân, giấy đăng ký kinh doanh, tài khoản ngân hàng, hợp đồng thương mại, dữ liệu định vị GPS… Do đó, cần xây dựng nguyên tắc đổi tên đường, trong đó ưu tiên đổi tên các tuyến mới hình thành, chưa có mối liên kết sâu với cộng đồng dân cư. Với những tuyến đường lớn buộc phải đổi tên, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như miễn phí các thủ tục pháp lý, hỗ trợ cập nhật giấy tờ cá nhân và tổ chức truyền thông rộng rãi, minh bạch, giúp người dân kịp thời nắm bắt và chủ động thích nghi với sự thay đổi.

Tên đường phải giúp định hình rõ vùng không gian sống

TPHCM được định hướng là đô thị năng động, sáng tạo nhưng vẫn gìn giữ bản sắc riêng. Vì vậy, việc đặt tên đường cần được xem là một hoạt động mang tính chiến lược, không chỉ phục vụ cho mục đích hành chính mà còn là công cụ thể hiện chiều sâu văn hóa, lịch sử của địa phương.

Tên đường nên gắn với không gian thật, dễ nhận diện, tức là liên quan đến đặc trưng địa hình, địa mạo hoặc các yếu tố vật thể như rạch, kênh, cầu, chợ, ga, phủ, dinh… để tạo cảm giác gần gũi và giúp người dân định hình vùng không gian sống rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên những tên gọi gắn với di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, nhân vật huyền thoại, danh xưng dân gian hay sản vật đặc trưng địa phương, nhằm tôn vinh bản sắc vùng đất. Việc đặt tên cũng nên tái hiện ký ức văn hóa, lịch sử qua các danh nhân, sự kiện hoặc công trình tiêu biểu có giá trị về lịch sử cách mạng, văn hóa, văn nghệ, góp phần lưu giữ ký ức cộng đồng. Đặc biệt, trong một đô thị hiện đại, hội nhập quốc tế như TPHCM, cần chú trọng đến việc tôn vinh các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do, bình đẳng, hòa bình… thông qua những tên gọi mang tính nhân văn.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM)


Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI