Bị quấy rối tình dục, hãy khai tử… đổ lỗi

22/07/2020 - 07:26

PNO - Từ vụ việc đình đám ở Seoul (Hàn Quốc), Báo Phụ Nữ TPHCM phỏng vấn tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) về vấn đề quấy rối tình dục - một bi kịch không biên giới, len lỏi cả trong tầng lớp bình dân hay quyền cao chức trọng.

 

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

* Việc cô cựu thư ký cáo buộc ông thị trưởng quấy rối tình dục (QRTD), nhưng mãi bốn năm trôi qua mới tố cáo, quan điểm của tiến sĩ thế nào về “điểm rơi” muộn này?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Nhiều vụ kiện đình đám thế giới, nạn nhân bị QRTD mười mấy năm, hay hàng chục năm mới lên tiếng mà vẫn điều tra, phạt tù. Có thể vì ngay lúc đó nạn nhân rất sợ hãi, lo lắng, không dám lên tiếng, sợ bị trả thù, sợ gia đình tan nát…

Có thể với cô cựu thư ký, với vị trí hiện tại của thị trưởng thì tạm thời bỏ qua được, còn vị trí lãnh đạo đất nước thì chắc chắn là không xứng đáng và không thể chấp nhận, nên lúc này cô mới lên tiếng. Có thể cô đoán biết búa rìu dư luận, nhưng cô vượt lên tất cả vì trách nhiệm với bản thân và với xã hội.

Những chứng cứ, tin nhắn cô giữ lại trong suốt bốn năm, chứng tỏ những điều đấy làm cho cô đau khổ, dằn vặt, ám ảnh. Nạn nhân có quyền tố cáo bất cứ lúc nào, bốn năm hay bốn mươi năm sau, khi đủ dũng khí.

* Khi người bị tố giác đã chết, có nghĩa là mối hiểm họa không còn, việc tiếp tục điều tra hành vi QRTD có cần thiết không, và có nhân văn không?

- Cái chết không làm phai mờ nỗi đau, nỗi ám ảnh. Cơ quan chức năng có thể điều tra hoặc không điều tra, nhưng hành động sai trái là không thể bỏ qua. Tuy người bị tố giác không còn khả năng gây hiểm họa, nhưng cũng phải làm sáng tỏ vụ việc.

Nếu người bị tố giác có những hành vi vi phạm, thì đấy cũng là những bài học cho người khác về hậu quả của việc quấy rối, không tôn trọng phụ nữ. Nạn nhân đã bị thiệt thòi, kẻ “gieo gió” cũng phải bị trừng phạt. 

Còn trong trường hợp người ấy hàm oan, thì phải điều tra để giải oan, trả lại thanh danh cho họ. Đó là công bằng, đó cũng là nhân văn. 

* Ở Việt Nam, vấn đề phòng chống QRTD sẽ được cải thiện bắt đầu từ điều gì thưa tiến sĩ?

- Thực tế ở Việt Nam, mọi người thường đổ lỗi cho nạn nhân hơn là bênh vực. Điều này kìm hãm mọi nỗ lực. Cộng với độ phổ biến của vấn nạn này, nên người ta xem việc phụ nữ bị quấy rối là bình thường, hiển nhiên. Họ không tin nạn nhân, nhất là phụ nữ trưởng thành rồi mà còn để bị quấy rối.

Đi tố cáo có khi còn bị chê trách, sỉ vả: “Cô này làm sao mới bị quấy rối? Sao người ta không quấy rối người khác mà lại quấy rối cô?”.

Nhiều nạn nhân sau khi cân nhắc, thôi thà im lặng chịu đựng còn hơn phải lên tiếng, có khi mất nhiều hơn được, thậm chí mất hết. 

* Hai chữ “lên tiếng” ấy, được hiểu là một tờ đơn gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra hay người phụ nữ có thể chủ động lên tiếng sớm hơn và tự bảo vệ mình tốt hơn?

- Nạn nhân nên sớm lên tiếng hoặc vào thời điểm thích hợp nhất với họ. Mới đầu, mình cứ xem như họ chỉ vô tình để đỡ mất mặt. Ví dụ, người ta gửi vào một tin nhắn ỡm ờ, hình ảnh phản cảm, mình nhắn lại: “Chắc là anh gửi nhầm rồi”.

Thế mà họ vẫn ngoan cố gửi tiếp, mình nên trả lời thẳng thắn: “Em/tôi không thích những tin nhắn như thế này”. Tỏ rõ thái độ nghiêm nghị, không tán thành.

Nếu bỏ qua, người ta nghĩ mình dễ dãi, dễ bị bắt nạt.

Kẻ nào trơ tráo, làm tiếp thì nạn nhân có những phản ứng mạnh mẽ hơn, cho họ biết: “Nếu còn tiếp tục, tôi sẽ kêu lên, sẽ đi nói với người khác”.

Không “giăng bẫy” để thu thập chứng cứ. Việc cố tình bẫy sẽ không giấu được, rất dễ “gậy ông đập lưng ông”. Chỉ cần thu thập, ghi chép rõ ràng, đầy đủ ngày giờ, hành vi, sự kiện, mô tả đối tượng, có ai gần đấy không. 

Với người sợ hãi, lúng túng, đối tượng càng lấn tới và nghiện dần thói xấu ấy. Xã hội Việt Nam luôn nghĩ phụ nữ là để người ta trêu chọc. Thực ra, xử trí chủ động, từng bước, là cách phụ nữ tự tháo vòng vây cho mình, mà cũng giúp chủ thể sực tỉnh, nhìn nhận lại hành động sai lệch và chuyển biến tích cực. 

Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 của Việt Nam đã có nhiều điều khoản chống quấy rối tại nơi làm việc. Chính phủ đang xây dựng quy định hướng dẫn thực hiện để ngăn ngừa hiệu quả.

Xã hội cũng đã có và nên có những cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề này, giúp người dân nhận diện và chủ động phòng chống. Quan trọng nhất là xã hội ủng hộ cho nạn nhân, khi họ lên tiếng thì bênh vực họ, không quay ra đổ lỗi hay nghi ngờ.

* Xin cảm ơn bà!

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI