Muốn đi xa, phải đi cùng nhau

13/07/2025 - 10:51

PNO - Thương mại điện tử (TMĐT) mở ra một cánh cửa lớn cho người kinh doanh, nhưng với các làng nghề truyền thống, cánh cửa ấy vẫn chỉ mở hờ. Một số nghệ nhân, hộ làm nghề đã bước đầu mở fanpage, live stream nhưng con số vẫn còn quá ít và phải tự học, tự xoay xở, dò dẫm.

Phiên phát sóng trực tiếp quảng bá làng nghề ở Phú Xuyên,
Phiên phát sóng trực tiếp quảng bá làng nghề ở Phú Xuyên (cũ), TP Hà Nội - Ảnh: Sơn Tùng

Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu người lao động nông thôn, đóng góp tới 30 - 40% tổng thu nhập của khu vực nông thôn. Làng nghề góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, giảm nghèo. Chưa khai thác hết tiềm năng của làng nghề là một sự lãng phí lớn.

Cơ hội từ TMĐT phải đi kèm với hạ tầng vững chắc, đào tạo bài bản và định hướng rõ ràng. Không thể kỳ vọng một người thợ cả đời quen với cưa, đục nhanh chóng làm quen với dựng video, live stream bán hàng. Một cá nhân có thể nỗ lực học hỏi nhưng cả cộng đồng thì cần có sự tổ chức.

Nghệ nhân không bảo thủ nhưng cần một hệ sinh thái khuyến khích họ thử sức. Hiện nay, người thợ trong các làng nghề vẫn lúng túng, loay hoay với những thao tác đơn giản như chỉnh sửa ảnh, video và đưa chúng lên mạng. Làng nghề cần được nhìn nhận như một chủ thể phát triển chứ không phải là di sản trưng bày. Chuyển đổi số làng nghề là bài toán về tổ chức. Người thợ sẽ không thể tự giải được bài toán này.

Vai trò “dẫn nhịp” của Nhà nước là rất quan trọng. Đó phải là một quá trình kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ, từ đường truyền internet ổn định, máy móc phù hợp, nền tảng bán hàng đáng tin cậy đến đội ngũ chuyên môn sẵn sàng gỡ rối. Những điểm sáng như ở huyện Phú Xuyên (cũ) của TP Hà Nội vẫn là ngoại lệ trong bức tranh chung. Vấn đề đặt ra là làm sao để nhân rộng những mô hình hiệu quả này. Nhiều địa phương đã thành công trong việc khôi phục làng nghề, nhưng chỉ dừng lại ở việc giữ nghề là chưa đủ. Làng nghề không chỉ cần bảo tồn mà cần phát triển, có đầu ra ổn định, có khả năng mở rộng thị trường và đời sống của người làm nghề bền vững. TMĐT là một chiếc chìa khóa.

Chính phủ nhiều nước đã xác định chuyển đổi số nông thôn như một chiến lược quốc gia. Ở Trung Quốc, hàng triệu nông dân, nghệ nhân đã được chính phủ hỗ trợ để nhanh chóng “lên sàn”. Trí thức trẻ về quê khởi nghiệp, đưa nghề truyền thống lên nền tảng số không chỉ có trong văn bản chính sách mà hiện diện trong các bộ phim truyền hình ăn khách. Họ tuyên truyền không chỉ bằng khẩu hiệu mà bằng những câu chuyện chạm tới lòng người.

Tình trạng làng nghề “lạc nhịp số” không chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để Việt Nam đi trước một bước nếu có tầm nhìn chiến lược và hành động kịp thời. Phổ cập TMĐT cho cư dân làng nghề không chỉ là chuyện sinh kế mà phải là chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo gắn với bản sắc văn hóa. Chúng ta thường nói về phát triển “công nghiệp văn hóa”, nên việc bỏ quên các làng nghề chính là bỏ quên những “xưởng sáng tạo”. Gian hàng trực tuyến không chỉ là nơi bán sản phẩm mà còn là nơi để kể chuyện, là “sân khấu” để văn hóa truyền thống được sống tiếp trong không gian mới.

Bản giao hưởng TMĐT cho làng nghề Việt Nam vẫn còn dang dở, có những nghệ nhân tài hoa nhưng thiếu dàn nhạc, thiếu người phối khí, thiếu sân khấu phù hợp. Nếu tiếp tục để nghệ nhân đơn độc, chúng ta không chỉ làm mất nghề truyền thống mà còn mất đi những cộng đồng làm nghề - những “xưởng sáng tạo sống” đang giữ hồn cho văn hóa Việt. Muốn đặc sản làng quê đi xa, làng nghề phát triển, cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ. Muốn đi xa, phải đi cùng nhau là vậy.

Nếu được tổ chức bài bản, TMĐT, chuyển đổi số sẽ là phương tiện hữu hiệu giúp làng nghề sống tiếp trong thời đại mới bằng chính nhịp điệu truyền thống của mình.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI