Không thể cũ trong thế giới luôn mới

09/07/2025 - 07:07

PNO - Chúng ta không thể cũ nếu muốn đi tiếp, và cũng không thể cũ trong một thế giới luôn mới.

Tôi làm việc với AI gần 1 năm nay, không phải theo cách ra lệnh rồi chờ một kết quả trọn vẹn mà xem AI như đồng nghiệp. Tôi gõ ra những dòng ý tưởng, AI phản biện lại bằng những dòng chặt chẽ. Tôi gửi đi một dàn ý, AI trả lại cho tôi gợi ý cách sắp xếp hợp lý, mạch lạc hơn. Chúng tôi trao đổi, điều chỉnh, học từ nhau để cả trí tuệ người và trí tuệ nhân tạo cùng tiến bộ.

Nhiều người hỏi “hẳn là tiết kiệm được nhiều thời gian”. Với tôi, điều đó ngược lại: AI không giúp tôi viết nhanh hơn, càng không thể viết thay tôi. Nhưng nhờ AI, tôi học được cách nhìn một vấn đề từ nhiều chiều hơn, tư duy phản biện tốt hơn. Trong quá trình trao đổi, tranh luận với AI, tôi thấy mình sáng tạo hơn, đào vấn đề được sâu hơn, sắc hơn. Và tôi vẫn giữ được cảm nhận về câu chữ, giá trị của chi tiết - điều mà AI vẫn chưa thể làm được.

Tôi kể điều này để nhắn những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng chọn ngành rằng: AI không cướp công việc của chúng ta nhưng nếu chúng ta không thay đổi, không học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời thì chính chúng ta sẽ tự bỏ lại mình. Chọn ngành ngày nay không còn đơn giản là chọn thứ đang “hot” hay dễ kiếm việc bởi thế giới đang đổi thay từng ngày cùng AI; những công việc lặp lại, thiếu sáng tạo, thiếu linh hoạt sẽ dần bị thay thế. Ngược lại, những ngành nghề tích hợp công nghệ, có khả năng liên ngành và nuôi dưỡng tư duy phản biện lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở “ngành nào hot” mà nằm ở chỗ mình có chịu học tiếp hay không. Trước kia, học đại học là để có một nghề và kiến thức chuyên môn. Ngày nay, học tập còn là để rèn một “bộ lọc” đủ dày, đủ nhạy giữa biển thông tin và cơn sóng dữ liệu khổng lồ mà AI mang đến. Tri thức nền là thứ giúp chúng ta không trôi đi, không dễ dàng bị thuyết phục, không sáng tạo một cách mù mờ. Trong thời đại mới, con người càng phải có nền tri thức vững vàng để chọn lọc cái đúng, hay, phù hợp. Vậy nên, nếu còn băn khoăn về chọn ngành một phần thì có lẽ phải chắc chắn nhiều phần về việc học suốt đời bởi chỉ có người học tập không ngừng là không bị bỏ lại.

Trong dòng chảy đó, có một nghịch lý đẹp đẽ là: AI càng phát triển, giá trị của con người càng nổi bật và cần thiết. AI có thể xử lý hàng ngàn dữ liệu trong vài giây nhưng không có cảm xúc, không thấu cảm, không sống trong ngữ cảnh văn hóa. AI mạnh về phân tích nhưng sức mạnh phán đoán lại nằm ở con người. AI có thể mô phỏng giọng nói, có thể đưa ra những dòng chữ bóng bẩy nhưng không thể rung động thay một trái tim. AI có thể viết một đoạn văn suôn sẻ nhưng không thấy được vì sao một câu lệch nhịp lại khiến người đọc dừng lại lâu hơn.

AI học từ cái đã có nhưng ý tưởng đầu tiên vẫn là “đặc quyền” của con người. Càng làm việc với AI, tôi càng phải mới hơn từng ngày. Không phải để chạy đua với nó, mà để cùng nó làm tốt hơn công việc của mình.

Mỗi người có lựa chọn nghề nghiệp riêng. Dù làm nghề gì, AI cũng không chờ chúng ta. Nhưng chúng ta có thể chọn học tiếp để không bị bỏ lại. Thay vì chạy theo điểm số, có thể bắt đầu từ việc đọc kỹ chương trình đào tạo xem cụ thể mình sẽ học những môn gì, nội dung ra sao, có đúng là điều mình mong muốn không. Trước khi lựa chọn, có thể tìm hiểu kỹ ngành nghề thay vì nghe lời khuyên của ai đó. Mỗi người đều cần tập làm quen với công nghệ, học cách sử dụng các công cụ số hiệu quả nhưng cũng cần biết rõ mình là ai trong thế giới ấy, và đâu là những giá trị không thể thay thế được.

Chúng ta không thể cũ nếu muốn đi tiếp, và cũng không thể cũ trong một thế giới luôn mới.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI