Chưa có câu trả lời

19/06/2013 - 15:43

PNO - PN - Chúng ta đã biết, quan hệ sống chung trong hôn nhân là một quá trình thích nghi về mọi mặt với cả người vợ và người chồng. Trong quá trình chung sống, các khác biệt về quan niệm sống, về hành vi của hai cá nhân có nền tảng văn...

Chua co cau tra loi

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng, hôn nhân cũng là một quá trình liên tục phải thích nghi và chung sống với những khác biệt. Trong cuộc sống hiện đại, các khác biệt trong lối sống của hai vợ chồng có rất nhiều cơ hội để nảy sinh: do các cơ hội khác nhau về nghề nghiệp, do di cư, do cơ hội tiếp cận các giá trị văn hóa từ bên ngoài gia đình… Để các khác biệt này không biến thành mâu thuẫn, dẫn đến những tranh cãi triền miên trong cuộc sống gia đình, cả người vợ và người chồng đều phải liên tục điều chỉnh lối sống của mình. Trong những trường hợp các khác biệt này trở thành những mâu thuẫn không thể hóa giải thì ly hôn sẽ trở thành lối thoát cho cả hai người. 

Trong cuộc sống hiện đại, cùng với việc gia tăng số người chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân đã làm tăng khả năng ngoại tình của những người đã có gia đình. Ngoại tình khiến cuộc sống gia đình bị chao đảo dữ dội nhưng số gia đình tan vỡ vì ngoại tình chỉ đứng thứ hai sau số gia đình tan vỡ vì vợ chồng mâu thuẫn về lối sống. Với những gia đình có hiện tượng ngoại tình, ly hôn có phải là lối thoát? Trong xã hội chúng ta, vẫn còn cách đánh giá thiên lệch về các gia đình ly hôn, thường thì người phụ nữ bị đổ lỗi. Do vậy, nhiều phụ nữ có chồng ngoại tình đã không coi ly hôn là lối thoát cho cuộc hôn nhân của mình. Bởi lẽ, ngoại tình có thể chỉ là “sự say nắng nhất thời” của người chồng, hay ngoại tình cũng có thể được “che giấu trong âm thầm”. Trên hết còn là vì lợi ích của con cái nếu việc duy trì hôn nhân được cân nhắc trong mối tương quan so sánh với việc phá vỡ hôn nhân. Đó cũng là lời giải thích cho hiện tượng vì sao số gia đình tan vỡ vì ngoại tình chỉ đứng thứ hai sau lý do chung chung “mâu thuẫn về lối sống”.

Như vậy, có thể thấy, khi có các mâu thuẫn xảy ra giữa vợ và chồng, không phải tất cả các trường hợp ly hôn đều là sự giải thoát. Xoay quanh các trục chính của cuộc sống gia đình là quan hệ vợ chồng còn có quan hệ của cha mẹ với con cái, quan hệ của vợ chồng với các thành viên gia đình khác mà khi ly hôn những mối quan hệ này đều chịu tác động.

Và cuối cùng, để trả lời câu hỏi ly hôn có phải là lối thoát không trong xã hội Việt Nam một cách thấu đáo, chúng ta phải cân nhắc đến một thực tế nữa là trong khi tác động của ly hôn lên con cái trong các gia đình có cha mẹ ly hôn đã được rất nhiều nhà nghiên cứu, báo chí đề cập tới thì chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra tác động của việc ly thân, của tình trạng mâu thuẫn giữa cha mẹ tới sự chăm sóc và phát triển của con cái họ. Cần có những nghiên cứu rõ ràng về vấn đề đó, chúng ta mới có câu trả lời đầy đủ và chính xác cho câu hỏi đặt ra ở đây.

ThS Nguyễn Thị Ngân Hoa
(Trung tâm Nghiên cứu Giới và gia đình Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ)
Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: lyhonlaloithoat@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI