Cho sai cách

21/06/2013 - 17:02

PNO - PN - Từ ngày xóm tôi có phong trào karaoke, chẳng hiểu sao cái bài hát có lời là “cho, cho rất nhiều” luôn là bài mở đầu chương trình văn nghệ tự phục vụ nặng nề tâm trạng, khiến bà con nghe riết phát ngán. Hôm đi đám giỗ, có...

Chính xác, nguyên lời bài hát đó là vầy: “Cho, cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng có bao nhiêu, người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết…”. Nói đến cỡ đó mà người ta không hiểu, chắc chắn là phải có lý do. Câu này là chồng tôi nói khi tôi hỏi anh, tại sao đàn ông vô tâm dữ vậy. Mà lý do vì sao thì mấy bà tự tìm hiểu mới nhớ lâu, chớ “đọc cho chép” thì còn gì là hay ho nữa. Nghe mà phát tức. Thời may, chú em họ ghé thăm, nói đúng ra là tính rủ ông xã tôi lai rai ba sợi cho đỡ buồn, ai dè ổng không có nhà. Thấy bộ dạng chú em không vui, tôi gặng hỏi mấy lần, nghe trả lời không có chuyện gì, là biết ngay nhà chú em đang có chuyện. Vợ chồng xích mích? Chú em cười khì, sao chị biết, hay thiệt, chiến tranh lạnh cả tháng nay, ở nhà ra vô nghe than thân trách phận, thấy cảnh đá thúng đụng nia riết mệt quá, phải xách xe đi vòng vòng. Mà chuyện có lớn lao gì cho cam. Lại nhà bạn nhậu, đang hồi vui thì hết bia, nhờ bạn khác lấy xe mình mua thêm bia, bạn xỉn, tự té lọt cống gãy chân, xe hư, sửa tốn một mớ, phụ thêm cho bạn tiền cơm thuốc một mớ nữa vì gia đình bạn khó khăn. Vợ tiếc của, khóc lóc, giận dỗi, hỏi mỗi khi đi nhậu, có bao giờ anh nhớ đến em (câu này hình như cũng trong bài ca nào đó)? Trời, nhớ vợ thì ở nhà, đi nhậu làm chi cho tốn bia, tốn mồi. Dường như chỉ chờ câu này, mọi uất hận của vợ tuôn ra. Nào là để chồng có bia có mồi nhậu, vợ phải nhịn ăn nhịn mặc ra sao, phải tính toán chi tiêu gia đình mỗi tháng thế nào, phải xoay xở tìm việc làm thêm v.v... Rồi từ hôm đó đến nay, vợ không thèm đếm xỉa gì đến chồng, mọi chuyện đều thông qua trung gian là hai đứa con.

Cho sai cach

Tôi thắc mắc, vợ nói đúng sao không xin lỗi cho nhà cửa ấm êm. Chú em trợn mắt, đúng đâu mà đúng, nhịn ăn là tại sợ mập, nhịn mặc là mua quần áo giảm giá, mà mua mỗi lần một đống, hỏi mua chi nhiều, nói tại rẻ. Cách tính toán chi tiêu, xoay xở làm thêm của bà ấy là bỏ thời gian đi săn hàng giảm giá rồi về kiếm người gạ gẫm bán lại, không bán được thì tấn cho người này, tặng người kia vào dịp này dịp nọ, mà toàn những thứ người ta không xài được. Cụ thể như chuyện chồng làm nghề xây dựng mà vợ mừng sinh nhật bằng một lúc năm cái quần kaki màu sáng trưng, còn bắt chồng phải giữ gìn cái quần luôn “sạch như mới”. Bực bội nhất là chuyện cho con ăn. Thằng con bốn tuổi, răng cỏ mọc tùm lum rồi, vậy mà vợ cứ hầm cháo rau củ hải sản, xong rồi còn đem xay nhuyễn bắt ăn, con không ăn, phun phèo phèo, mẹ chửi, con khóc, rồi còn xỉa xói luôn qua chồng. Màn trình diễn đó cứ lặp đi lặp lại riết cho đến khi chồng nổi khùng quăng nguyên tô cháo của thằng con ra sân, quát ầm ầm: Cô ăn thử coi có được không mà bắt thằng nhỏ ăn hoài. Đàn bà lạ thiệt, không biết người khác thích gì, nghĩ gì.

Câu này tôi đã nghe nhiều lần từ miệng của nhiều người mà ba tôi là một, mỗi khi thấy má cứ quay cuồng tìm đủ mọi cách kiếm tiền, rồi biện bạch những cố gắng đó chỉ để chồng con nở mày nở mặt với người ta. Ba tôi vốn an phận, chỉ cần kiếm đủ tiền nuôi vợ con ngày ba bữa no bụng là được, mọi chuyện phó mặc má tôi muốn làm gì thì làm. Vui thì thôi, buồn, má hết than thân trách phận đến đay nghiến chồng con. Rồi tới cậu Năm tôi, ông nói câu đó khi mợ tôi cứ thích ôm đồm hết mọi việc trong ngoài về mình. Mợ giỏi giang, vén khéo, chỉ mỗi tội quá khó tính, ai làm gì cũng không vừa ý. Và cũng như má tôi, mợ suốt ngày kêu ca cả đời mợ sống vì chồng, vì con mà không ai biết thương mợ, đỡ đần giúp mợ một tay, rằng số mợ cô độc, có chồng con mà cũng như không.

Tối nay, không một miếng gió, hàng xóm lại mở karaoke. Dọn dẹp bếp núc đâu đó, tôi ra phòng khách định xem ti vi thì nghe cha con nằm trò chuyện râm ran ngoài sân. Thằng nhỏ hỏi cha: “Tại sao cho rất nhiều mà chẳng nhận bao nhiêu hả ba? Nó rớt đi đâu?”. Cha nó trả lời: “Rớt đâu mà rớt, tại cho thứ mình không thích thì coi như mình không nhận được gì”. Thằng con nằm im một chút rồi cười he he, con hiểu rồi, như hồi má mua cho con cây đàn điện tử, đóng tiền biểu con đi học đàn, con nói con không thích, má hỏi tại sao con của bạn má thích mà con lại không, má làm tất cả vì con mà sao con không thương má hả, hả. Cha: “Đúng rồi, đúng rồi”.

Trời đất, đàn ông họ nghĩ vậy sao? Ý nghĩa câu hát của người ta một đằng đi hiểu một nẻo. Mà sao hiểu trật mà ngẫm lại thấy hình như cũng đúng ta?

 BẠCH HẠC

Từ khóa Cho sai cách
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI