Chớ dại mà ép con

06/04/2023 - 09:48

PNO - Rất nhiều bà nội bà ngoại tưởng mình hết chăm con, giờ lại lo cho cháu mới chứng tỏ tình thương vô bờ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con cái khi trong vòng tay cha mẹ, ta sống sao, chúng theo vậy. Song càng lớn con cái bắt đầu cưỡng lại cha mẹ và thích sống theo ý chúng, làm cho cha mẹ bực bội, thậm chí còn gay gắt.

Thời cha mẹ còn trẻ, chỉ lo có được miếng ăn là đủ nhọc nhằn nên khi đời sống khá lên, cha mẹ nào cũng muốn con được hưởng. Nhà cửa và các phương tiện cá nhân cha mẹ lo cho con quá đủ, thậm chí còn dư thừa nên cha mẹ cứ hát tiếp “bài ca con cá ngày xưa” của mình, con không theo đâu.

Hiện nay có một lớp trẻ thích du lịch về nơi hoang dã không có tiện nghi, cảm giác được khám phá làm mới chính mình hơn là sống với những thứ cha mẹ cho sẵn, thậm chí làm trái với những điều cha mẹ mong muốn. Điều đó là sự ức chế kinh khủng đối với cha mẹ.

Nhiều gia đình xuất hiện những “trận chiến” không ai chịu ai. Kết cục là cha mẹ giận, tuyên bố “kệ xác bây” và cắt những cung ứng trước đó. Con trẻ phản ứng thoát ra khỏi nhà như một sự giải phóng tự do bất chấp hậu quả. Bà mẹ đang chăm con từng chút, ngay cả khi con đã trưởng thành, bỗng một ngày con ăn kiêng, chê bai thức ăn mẹ nấu độc hại hoặc hướng theo bạn bè với những quan niệm khác về thẩm mỹ, công việc… Cha mẹ buồn chứ. Thế là một cuộc tấn công âm thầm diễn ra. Cha mẹ càng tìm cách lôi con mình về theo cách mình, con càng phản kháng mạnh.

Câu hỏi: “Tại sao mình thương yêu chúng, quên cả bản thân để lo cho chúng mà sao chúng không thấy, không hiểu và phủ nhận mình?”. Cảm giác bị con bạc đãi lớn dần trong cha mẹ, hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con càng xa.

May mắn nhất là cha mẹ sớm nhận ra rằng ta cứ quá lo cho con trong khi chúng không cần mình quan tâm nữa. Tại sao chúng ta không chăm sóc đến chính chúng ta, khi tuổi già đã xộc đến?

Sao cha mẹ không nghĩ đến việc tự kéo dài cuộc đời khỏe mạnh, vui vẻ của mình bằng việc chơi thể thao, đi chăm sóc sắc đẹp, ăn những món ăn mình thích, gặp bạn bè và người mình cần gặp. Cứ nhìn vào con cái đâu làm chúng giỏi hơn, chúng cũng không thích, chỉ rước phiền muộn vào thân.

Vẫn còn rất nhiều bà tưởng mình hết chăm con, giờ lại lo cho cháu mới chứng tỏ tình thương vô bờ. Điều đó chưa hẳn đúng. Tuổi già mà vẫn phải chăm cháu là quá sức với bộ xương và cái đầu của mình, quanh quẩn trong nhà để đi chợ nấu cơm cho con về có ăn sẵn, con coi đó là chuyện thường, mà tối về người nhức mỏi, con không biết, chồng không hay lại thấy tủi thân, ấm ức. Sao ta lại mãi chọn vòng luẩn quẩn đó?

Ta cần khỏe mạnh lâu dài cả về thể chất lẫn não bộ để làm chủ chính cuộc đời của ta và tránh được việc sớm bệnh tật, đau yếu phải nằm một chỗ, lúc đấy có thương con đứt ruột cũng chẳng làm được gì. Cha mẹ bệnh tật sớm, con lại cực và vất vả hơn.

Con cái lớn khác biệt cha mẹ, chúng ta chấp nhận và sớm tách ra. Cuộc đời ai cũng có ý nghĩa. Nên xác định sinh con là sinh thêm cuộc đời khác, con dính dáng đến ta, nhưng nó sẽ có một cuộc đời độc lập, rất khác ta. Sự trái ngược là bình thường. Bất thường ở đây là chúng ta cứ xung đột với chúng. Thế giới càng hiện đại bao nhiêu thì càng nhiều sự mới lạ có thể hay và không hay do cách chọn lựa của từng người.

Điều tốt nhất là ta chỉ lo cho con đủ trưởng thành rồi quay về chính cuộc sống của mình. Vừa hưởng thụ, vừa an nhiên vì chúng ta xứng đáng được như vậy, con cũng thích ta như vậy. Cứ để con sống với cách của chúng, rồi sẽ đến một lúc tất cả sẽ hài hòa, nhận ra nhau và yêu thương nhau hơn. 

Phi Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI