Cho con tự tin vào lớp Một

19/10/2018 - 19:00

PNO - Có phải chỉ cần cho con rèn chữ trước là đã chuẩn bị chu đáo để con tự tin bước vào trường tiểu học?

Một điều dễ thấy ở các trường mầm non hiện nay, nhất là ở quận nội thành, các lớp lá bao giờ cũng được phụ huynh đến đón sớm hơn các lớp cơm nát, mầm, chồi… Bởi đa số các bé tiếp tục được cha mẹ chở đi học rèn chữ để chuẩn bị năm sau vào lớp Một. 

Cho con tu tin vao lop Mot
Ảnh minh họa.

Thật ra, rèn chữ là hành vi rập khuôn, thụ động không khó đối với trẻ so với những tình huống mà trẻ phải đối mặt, xử lý khi thay đổi môi trường từ mầm non chơi là chính sang tiểu học với hoạt động học hành nền nếp hơn. 

Từ đầu năm học, chị Tố Uyên (Q.5, TP.HCM) sốt ruột vì cậu con trai chưa thích nghi được môi trường lớp Một. Vào trường, bé không biết tự đi vệ sinh do ở nhà được người lớn dắt vào phòng vệ sinh, đứng canh cửa, bé đi xong thì người lớn vào gạt nước. Trong trường, nhà vệ sinh ở cuối dãy lớp, bé ngại đi, cứ thế rỉ ra quần, bốc mùi. Bị bạn bè chọc, bé khóc, không chịu đến trường. Việc ăn trưa cũng khổ sở do ở nhà quen được đút, chị Uyên phải bồi dưỡng tiền cho cô để đút bé ăn. 

Con chị Hồng Ánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì chọn im lặng. Ở nhà, hễ bé định nói điều gì là chị đoán ý nói thay và bé chỉ cần gật đầu thừa nhận. Vì vậy, cơ hội mở miệng của con đã bị “đánh cắp”. Tuần rồi, chị Ánh tá hỏa khi thấy vết trầy ở chân con lúc đón bé về nhà. Chị hỏi, bé mới kể bạn trong lớp bắt bé lấy tiền xuống căng-tin mua tô mì đem lên cho bạn. Bé không có tiền nên không đi thì bị bạn xô té. “Vậy à? Ủa mà mẹ có cho tiền, chẳng lẽ lúc đó con đã xài hết?”, chị Ánh dò hỏi. Bé nói có hai anh lớp trên lục cặp bé xé tập, lấy tiền. Hai anh còn dọa không được nói ai biết. Nghe con kể tới đâu chị giận run tới đó. Chị hỏi con sao không nói với mẹ hoặc cô giáo, bé lắc đầu, mếu.

Phụ huynh lắm khi chủ quan cho rằng, con mình hiền chắc ai cũng thương hoặc ngược lại là con “cáo già” ra đường không sợ thua ai. Nhiều bé lớp Một vẫn chưa thuộc số điện thoại cha mẹ, địa chỉ nhà mình. Có bé đi lạc, người lạ định đưa về nhà. Hỏi “con tên gì?”, trả lời “Tí Mập”. Hỏi “ba mẹ ở đâu, làm gì?”, trả lời “ở gần nhà thằng Bo, ba mẹ con đi làm”...

Có bé hễ ai cho bánh, cho đồ chơi là đi theo. Có bé vào lớp cứ đứng hoặc chạy lên chạy xuống, cô giáo bực mình “khép tội” chống đối, bất hợp tác. Mất vài tuần căng thẳng, cuối cùng mẹ đưa bé đi khám, phát hiện bé bị cận thị, ngồi bàn chót không thấy được chữ trên bảng nên cứ phải nhốn nháo. 

Sức khỏe, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng học tập… ở trẻ được cha mẹ chuẩn bị đầy đủ thì trẻ sẽ bước vào lớp Một thuận lợi và giảm thiểu những nguy cơ. 

Chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho con

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (15 năm công tác tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định nên chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho trẻ vào lớp Một từ bậc mầm non. 

Trẻ cần được người lớn giúp phát triển toàn diện sáu lĩnh vực: vận động thô - tinh; nhận thức, ngôn ngữ (tiếp nhận - diễn đạt); kỹ năng tự phục vụ; hành vi (sự sẵn lòng; khả năng ngồi yên để thực hiện một yêu cầu và chú ý tập trung theo độ tuổi để thực hiện một thông tin mới) và kỹ năng tiền học đường - học đường (toán, đọc, viết và kiến thức)…

Trẻ ở tuổi đầu tiểu học sẵn lòng làm theo lệnh, hiểu tại sao phải tuân theo luật, khả năng nhớ luật và làm sao phù hợp luật. Luật ở trường là những nội quy cụ thể như giờ học, ăn, ngủ, bỏ rác vào thùng, bỏ dép trên kệ, ăn xong dẹp khay cơm… Ổn định là điều quan trọng đối với trẻ, chính vì thế, phụ huynh nên triển khai “luật” ở trường về nhà mình, hướng đến sự tương đồng. Nhiều cha mẹ “thả cửa” cho con sinh hoạt tự do vào ngày cuối tuần, đến đầu tuần đi học liền thắt lại gắt gao khiến nhịp sống “tân học sinh” đảo lộn, ảnh hưởng sức khỏe, gây tâm lý bất an, sợ hãi. 

Cảm xúc xã hội ở trẻ cũng cần được phụ huynh lưu ý. Trẻ tuổi 5-6 ít nhiều có lòng tự trọng tích cực, tăng dần khả năng cảm nhận sự thật, điểm mạnh và điểm yếu của mình. Về các mối quan hệ, trẻ từ nhỏ kết bạn hạn chế sẽ khó có bạn lúc lớn. 

Trẻ cần biết tôn trọng tài sản, sức khỏe và quyền lợi của người khác (biết tiết kiệm, trách nhiệm, không lấy đồ của người khác, không đổ thừa và nói dối). Phản ứng thông cảm với người khác ở trẻ cũng cần được bồi đắp giúp trẻ kiềm chế chọc ghẹo, bắt nạt, làm đau, tổn thương người khác, tăng khả năng dung nạp sự đa dạng. Chẳng hạn khi trẻ chê cười bạn khuyết tật, béo phì… phụ huynh nói cho trẻ biết về sự đa dạng, phong phú của thế giới, sự khác biệt ngoại hình, quan điểm, hoàn cảnh giữa người này với người kia là đương nhiên để trẻ dần chấp nhận và thông cảm.  

Phụ huynh giúp trẻ hiểu quy ước xã hội, tuân theo chuẩn đạo đức. Những gì của người khác mà con thích, con cần thì phải xin phép. Điều không thể thiếu nữa là trẻ tập thích nghi với thử thách cuộc sống, học điều hòa cảm xúc buồn, giận... 

Tô Diệu Hiền
Hoài Nhân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI