Chiếc áo nhiều mảnh ghép

02/11/2021 - 12:16

PNO - Những chiếc áo thời ấu thơ được ghép lại từ nhiều mảnh vải khác nhau, nhưng không phải theo mốt mà là vì nhà thiếu vải.

Mùa thu đến, các cô gái trẻ trong văn phòng đua nhau diện những chiếc áo sặc sỡ. Không biết có phải đang là mốt không, nhưng hôm qua, đến hai cô cùng diện chiếc áo sơ mi có thiết kế là những mảnh ghép nhiều màu, nhìn rất vui mắt.

Cả văn phòng khen ngợi, riêng tôi bồi hồi nhớ đến những chiếc áo thời ấu thơ, cũng được ghép lại từ nhiều mảnh vải khác nhau, nhưng không phải theo mốt mà là vì nhà thiếu vải.

Thời bao cấp, ba tôi là giáo viên, còn má là công nhân viên chức nhà nước, nên vải vóc để may mặc được phân phát theo tiêu chuẩn. Tôi không nhớ một năm được phát bao nhiêu lần, nhưng tất nhiên số vải không thể đủ để may quần áo mới cho mọi thành viên gia đình. Vải nhận về được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Ba tôi đứng lớp, nên trang phục phải chỉnh tề. Má tôi thường khéo léo cắt may cho ba một chiếc áo sơ mi trước tiên. Tiếp đến là các chị. Tôi nhỏ nhất trong số mấy chị em, nên việc mặc lại quần áo cũ của các chị là thường xuyên. 

Tôi còn nhớ, tôi có rất ít áo mới nguyên vẹn. Tức là, thỉnh thoảng, tôi cũng được mặc áo mới, nhưng là do má tôi gom những mảnh vải còn thừa, và ghép chúng lại. Má tôi rất khéo trong việc chọn màu và họa tiết để chiếc áo ghép vẫn hài hòa. 

 

Tôi còn nhớ chiếc áo nhỏ xíu tôi mặc năm lớp Sáu, áo có nền trắng, các mảnh ghép ở hai tay và trước ngực là thiết kế vải in hình búp bê màu hồng. Chỉ tôi biết đó là áo ghép. Bạn bè tôi thích chiếc áo ấy nên trầm trồ suốt. Nhưng cũng có khi tôi bị phát hiện là mặc áo thiếu vải. Đó là lần tôi mặc chiếc áo có mảnh ghép là vải sọc xanh và được ba chở vào trường ba dạy học (thỉnh thoảng ba vẫn cho tôi theo lên trường như thế). 

Giờ chơi, các cô học trò của ba hay cho tôi chơi cùng. Một chị học trò tinh mắt chỉ vào mảnh vải sọc xanh và nói nhỏ với bạn, nhưng tôi vẫn nghe được: “Hôm bữa tui thấy thầy mặc cái áo sọc này đi dạy nè”. Các chị nhìn nhau cười vì phát hiện thú vị, nhưng tôi xấu hổ vì nghĩ các chị chê mình mặc áo ghép.

Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười và thương ba má ghê gớm. 

Một cái áo khác, có lẽ trong lúc kẹt quá, má ghép một mảnh vải sọc đỏ với mảnh vải vàng nhạt. Dù lòng tự nhủ “kiểu nó vậy, đẹp mà”, nhưng tôi cũng thấy sự “gán ghép” này hơi lộ liễu. Tôi vẫn mặc nó đến trường, đi chơi, và thậm chí còn cho nó du lịch về tận quê ngoại. Một bà dì vô tình ghẹo: “Con ông giáo mặc đồ thiếu vải”, vậy mà tôi vẫn mặc nó mãi. 

 

Tuy thế, so với chúng bạn, tôi vẫn được đánh giá tươm tất, có thể là do tài vén khéo của má. Đến giờ, tôi cũng không hiểu được làm sao má tôi có thể lo cho cả đàn con chu đáo trong suốt thời kỳ bao cấp. Tuy thiếu thốn, nhưng chị em tôi luôn được chúng bạn ngưỡng mộ vì trang phục lúc nào nhìn cũng gọn gàng, vừa mắt.

Những năm tháng khó khăn của cả nước rồi cũng trôi qua. Tôi dần có nhiều quần áo mới nguyên vẹn. Tôi nhớ mãi chiếc áo màu tím nhạt, có hoa trắng li ti do một người bà con gửi tặng. Má tôi cắt đầy đủ cho mỗi chị em hẳn một chiếc áo, còn may thêm một dải ren trắng trước ngực cho thêm bắt mắt. Tôi nâng niu chiếc áo nhiều năm trời đến khi không còn mặc vừa nữa. 

Tôi còn nhớ, quần áo giày dép của chúng tôi được sử dụng cho đến khi cũ rách mới bỏ đi, mà cũng là được gửi về quê để cho các chị em họ hàng. Đến giờ, tôi vẫn còn thói quen đó, nên dù mua sắm rất nhiều, tôi không bỏ đi đồ cũ, nhà cửa vì thế chưa được gọn gàng. 

Hôm nay, nhìn các bạn trẻ mặc áo ghép ở phương trời xa xôi, nó lại gợi nhớ cho tôi khung trời tuổi thơ, nhiều thiếu thốn nhưng tràn ngập yêu thương của ba má. 

Phan Quỳnh Dao (London)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI