Chia sẻ điều tốt đẹp giúp chữa lành những tổn thương

17/07/2021 - 12:12

PNO - Các nhà tâm lý học Mỹ nói rằng, việc chia sẻ đúng cách những điều tốt đẹp là liệu pháp giúp “chữa lành” cho những ai đang tổn thương vì COVID-19.

Tại Mỹ, sự lạc lõng đã xâm chiếm tinh thần của không ít người đang trải qua khó khăn chẳng hạn như sự mất mát người thân trong đại dịch COVID-19. Phần lớn những người xung quanh họ bỗng cảm thấy có vẻ “thiếu tế nhị” trước những tổn thương này nếu như mình bày tỏ những hạnh phúc nhỏ nhoi hay điều gì đó gần gũi tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

Nuôi dưỡng niềm vui bằng những điều tích cực

Nhà tâm lý học Jules Farzan (Oakland, California) chia sẻ: “Chúng ta vẫn đau buồn về những gì xảy ra trước và trong đại dịch. Sự phong tỏa và những hạn chế liên quan đến COVID-19, người gốc Phi và gốc Á bị tấn công và quấy rối, cùng các yếu tố chính trị xã hội khác gây căng thẳng. Tôi thấy mọi người cũng lo rằng nếu mình reo lên mừng rỡ về một điều nào đó, sẽ có thể làm những người không may mắn ấy đau thêm”. 

Sự chia sẻ chân thành và tế nhị sẽ giúp người đang khó khăn cảm thấy bớt đơn độc - ẢNH: WASHINGTON POST
Sự chia sẻ chân thành và tế nhị sẽ giúp người đang khó khăn cảm thấy bớt đơn độc - Ảnh: Washington Post

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều đồng ý rằng việc chúng ta “giữ im lặng” là hợp tình hợp lý, nhưng cảnh báo làm như vậy về lâu dài là không lành mạnh. “Có bằng chứng cho thấy việc kìm nén cảm xúc tác động bất lợi đối với con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc không thể hiện cảm xúc - bất luận tích cực, tiêu cực hoặc trung dung - đều có thể dẫn đến hiện tượng giảm cảm xúc tích cực theo thời gian”, ông Farzan cho hay. Ông cũng nói thêm rằng, kết quả nghiên cứu đã chứng minh nhịp tim tăng lên khi người ta kìm nén cảm xúc. Một điều nữa cũng đáng lưu tâm, đó là biểu cảm thường xuyên và đầy đủ sẽ có lợi cho sức khỏe, tăng cường sự linh hoạt trong nhận thức.

Theo nhà tâm lý học Tanisha Thelemaque (San Francisco, California), người đồng cảm và có lòng bác ái tự nhiên thường muốn bảo vệ cảm xúc của những người gặp đau khổ. Họ sẽ rất cân nhắc hoặc miễn cưỡng khi chia sẻ tin vui, vì sợ rằng nó có thể khiến ai đó đang gặp khó khăn càng cảm thấy tồi tệ hơn. “Như thế, việc cô lập bản thân dường như đang xảy ra ở cả hai phía… Nghiên cứu chỉ ra rằng việc chia sẻ tin tốt lành là điều quan trọng đối với hạnh phúc của các cá nhân, lẫn cộng đồng. Nuôi dưỡng niềm vui bằng cách tập trung vào một số mặt tích cực, song song với việc cố giảm những khó khăn, là cách giúp não bộ minh mẫn”, bà Thelemaque nói.

Tế nhị phản hồi nếu ai đó tiết lộ khó khăn

Nhà tâm lý học Annette V.Clarke (Bộ Y tế Mỹ) cho biết, vẫn có cách để biểu lộ “thành tích” một cách duyên dáng, khiêm tốn mà không làm tổn thương người khác. Đó là hãy chia sẻ về những trở ngại ta đối mặt trước đó thay vì chỉ là những tấm ảnh “tự sướng” của thành công. Việc lan tỏa tin tốt như vậy có thể giúp truyền tải một bức tranh toàn diện hơn. Sự chân thành và tế nhị sẽ giúp người đang khó khăn cảm thấy bớt đơn độc trong “cuộc chiến” của họ. Ngược lại, ta cũng có thể mời họ chia sẻ về những “thắng lợi” trước kia.

Bà Thelemaque đưa ra một chỉ dẫn khác. Khi tận dụng niềm vui của mình để mang lại niềm vui cho người khác cũng có thể được thực hiện bằng đường vòng, đó là thừa nhận những khó khăn đã trải qua và cả sự giúp đỡ đã nhận được. “Tiếp cận bằng cách cảm ơn những ai đã hỗ trợ chúng ta trong nỗ lực vượt qua khó khăn trước đó. Sự thừa nhận họ đã giúp nâng cao tinh thần là lan truyền tình cảm biết ơn. Điều này giúp kết nối, nâng mọi người lên”, bà khuyên.

Tạo một nhóm tin tức tốt lành thông qua các nền tảng mạng xã hội cũng là cách được các chuyên gia khuyến khích. Chủ đề là những điều tích cực mang lại niềm vui, các bài báo hữu ích hoặc sự hài hước. Tinh thần những người trong nhóm sẽ được thúc đẩy rằng thành công của bất kỳ ai cũng có thể là của chính mình. “Nếu ai đó tiết lộ một khó khăn với bạn, phải hết sức ý thức trong việc phản hồi. Tiếp cận những cuộc đối thoại này, trước tiên phải có sự thừa nhận những khó khăn”, Thelemaque nói. Tương tự, theo ông Farzan, sự hấp tấp muốn giúp mọi thứ nhanh trở nên ổn thỏa có thể càng tệ. Thay vào đó, hãy cùng người khó khăn xác nhận những trải nghiệm buồn đau.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu khẳng định, dù cho có tin tốt hay xấu, đều có mặt hữu ích cho một cộng đồng đang bị cách ly trong đại dịch, bởi lúc này rất cần niềm tin và sự nhẹ nhõm trong các mối quan hệ. Chỉ cần sự trung thực và mạnh dạn nói lên: đây là nơi tôi đang sống và đó là những điều làm tôi rất vui khi đón nhận. Chia sẻ điều tốt đẹp là liệu pháp “chữa lành” cho tất cả những ai đang chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. 

Nam Anh (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI