Chỉ đường cho hươu...: Con nào chẳng là con!

01/05/2023 - 12:12

PNO - Biết luôn được mẹ bênh, em cháu càng ngang ngạnh, bất cần. Cháu thắc mắc thì mẹ giải thích là do mẹ “hợp” với em…

Mẹ cháu kể rằng hồi mẹ còn nhỏ, ông bà ngoại thiên vị chị của mẹ vì dì khi mẹ đã lùn, mập lại học dở. Mẹ như tấm thớt để ông bà ngoại và dì mỗi khi “giận cá” thì đem ra “chém”. Điều đó đã để lại trong lòng mẹ nhiều tủi hờn, khiến mẹ thề rằng sau này sẽ đối xử công bằng giữa các con.

Nói vậy nhưng mẹ cháu vẫn phân biệt đối xử. Nhà có 2 chị em, mỗi khi cháu thiếu sót thì mẹ phê bình, thất vọng, phạt; em trai cháu cũng vậy thì mẹ cười, bỏ qua. Biết luôn được mẹ bênh, em cháu càng ngang ngạnh, bất cần. Cháu thắc mắc thì mẹ giải thích là do mẹ “hợp” với em…

Một nữ sinh lớp Mười hai 
(quận Gò Vấp, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi được hỏi: “Cha mẹ có đối xử thiên vị giữa các con không?”, hầu hết các bậc phụ huynh đều đáp: “Con nào chẳng là con, làm gì có chuyện con yêu, con ghét”. Tuy nhiên, dù cha mẹ có cố gắng đến đâu cũng khó tránh khỏi sự không đồng đều về tình cảm dành cho các con, điều đó tác động không hay đến đứa con bị xử ép lẫn đứa con được ưu tiên.

Chẳng hạn: cha mẹ dồn hết tình thương cho đứa con đầu lòng đã chịu nhiều thiệt thòi vì sinh ra trong lúc cả nhà khó khăn, thiếu thốn; cưng chiều con út hơn vì “em nó còn bé”; ưu ái đứa con học giỏi, thông minh và hà khắc với đứa chậm chạp, kém cỏi; cố gắng bù đắp cho đứa con mà cha mẹ cho rằng thiếu may mắn; phân biệt đối xử giữa con trai với con gái…

Trên trang web Netmums.com, trong số 2.672 người mẹ được hỏi, khoảng hơn 400 người thừa nhận dành sự ưu ái cho con trai gấp đôi con gái; hơn 22% các bà mẹ thường dễ dàng tha thứ cho các sai lầm của con trai nhưng cùng lỗi đó do con gái gây ra thì sẽ phạt, thậm chí phạt nặng.

Các bà mẹ giải thích rằng bản chất con trai là hiếu động, nghịch ngợm nên việc chúng làm đổ vỡ, hư hỏng đồ vật là bình thường và có thể châm chước, trong khi con gái phải ngoan hiền và nữ tính nên khi phạm sai lầm sẽ phải “uốn nắn kịp thời”.

Cũng có trường hợp cha mẹ hay bênh đứa con hư hỏng, cho rằng “nó dở nên đời nó sẽ khổ, cần phải nâng đỡ hỗ trợ; đứa giỏi đứa ngoan thì cần gì phải lo”. Khi đứa con hư mắc lỗi sẽ dễ dàng được bỏ qua còn đứa kia sẽ bị dằn vặt nhiều vì làm cha mẹ thất vọng. 

Các nhà khoa học đã chứng minh sự phân biệt đối xử giữa con cái trong gia đình là nguyên nhân gây ra các rắc rối về tâm lý. Một nghiên cứu phân tích khoảng 300 mối quan hệ mẹ - con tại Boston (Mỹ) cho thấy con cái sống trong gia đình có sự thiên vị dễ bị stress. Đặc biệt, những anh chị em trong gia đình có cha mẹ phân biệt đối xử thường ganh tị, bất mãn, không thân thiết với nhau.

Những xung đột ngấm ngầm khiến đứa con bị đối xử thiếu công bằng sinh ra mặc cảm tự ti; ghét bỏ chính anh chị em của mình; giận dỗi, giành ăn/đồ dùng; trở nên ương bướng, khó bảo, cố tình làm trái lời cha mẹ như một sự “trả đũa”; cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi ngay trong nhà mình; tự cô lập bản thân, thậm chí lúc trưởng thành có tâm lý hả hê khi “con cưng” của cha mẹ mình gặp bất trắc…

Trong khi đó, đứa con được ưu tiên dần trở nên ích kỷ, kiêu ngạo; cho rằng mọi thứ đang có là điều đương nhiên, không biết đến sự khó nhọc vất vả của cha mẹ; không chịu chia sẻ, giúp đỡ người xung quanh; thích điều khiển mọi người làm theo ý mình, bất chấp cảm xúc của người khác… 

Ở một số gia đình, con trai thường được đối xử “thoáng” hơn bởi quan niệm: con gái phải chăm chỉ, nết na và biết nội trợ; con trai chỉ cần khỏe mạnh để sau này gánh vác những việc lớn. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, con trai đã không được dạy biết sẻ chia công việc với mẹ, với chị; biết nhường nhịn từ miếng ăn đến lời nói; biết lo lắng cho người thân thì làm sao có thể hình thành thói quen tốt và tinh thần trách nhiệm để gánh vác những việc lớn trong gia đình?

Cháu nên tâm sự với mẹ. Với những trải nghiệm thời nhỏ, mẹ cháu sẽ dễ dàng thấu hiểu nỗi lòng của cháu và tự điều chỉnh để lập lại sự đối xử công bằng giữa 2 chị em.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI